Với tình huống “Một thầy giáo trẻ vừa đến nhận công tác tại quê hương vùng cao của em, nhưng thầy giáo ấy lại chưa biết nhiều về văn hóa lịch sử của dân tộc Mông. Em hãy giới thiệu về lịch sử văn hóa dân tộc Mông cho thầy giáo nghe”. Hai em học sinh Mùa A Thắng và Tráng A Sàng, lớp 8A Trường PTDTBT THCS Nà Bủng, huyện Nậm Pồ đã xuất sắc giành giải ba Cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học” cấp tỉnh và vinh dự đạt giải Khuyến khích toàn quốc năm học 2016-2017 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đây là lần đầu tiên, huyện Nậm Pồ có học sinh đạt giải cấp quốc gia.
Khi được hỏi về mục đích chọn đề tài về văn hóa lịch sử của dân tộc Mông, các em tâm sự: Bản thân chúng em đều là người dân tộc Mông, chúng em rất tự hào về dân tộc mình, nhưng không phải ai cũng biết rõ về phong tục tập quán văn hóa của dân tộc Mông, đặc biệt là những thầy cô giáo mới lên vùng cao công tác, khi sẽ phải tiếp xúc và giảng dạy những em học sinh người Mông như chúng em. Bởi vậy, khi trường phát động cuộc thi “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học”, cùng với sự hướng dẫn, động viên của thầy giáo Lò Văn Lả, thầy giáo dạy Văn của lớp, chúng em đã mạnh dạn đưa ra ý tưởng của mình chọn đề tài về giới thiệu lịch sử văn hóa dân tộc Mông để dự thi.
Học sinh Tráng A Sàng (đứng giữa) trong buổi giao lưu văn nghệ
Được biết, trước đó, đề tài của Thắng và Sàng đã được lựa chọn tham gia thi cấp tỉnh khi chấm sơ khảo ở cấp huyện và đạt giải ba cấp tỉnh, sau đó được chọn đi dự thi cấp quốc gia. Cả hai cho biết, để hoàn thành tốt đề tài, các em đã kết hợp các kiến thức liên môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân vào môn Ngữ văn, giúp cho bài làm văn bao quát, đầy đủ ý và có sức thuyết phục hơn nhất là đối với bài văn Thuyết minh. Với mục đích giáo dục thêm những hiểu biết về dân tộc, về quê hương; giúp các bạn học sinh có ý thức học tập tốt hơn, ý thức được việc học phải đi đôi với hành; rèn luyện các kĩ năng giải quyết tình huống trong cuộc sống.
Em Mùa A Thắng cho biết thêm: Là những học sinh trên vùng đất biên giới huyện Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên, chúng em rất vui và tự hào vì được là những người con của quê hương nơi vùng cao gian khó này. Xã Nà Bủng trong những năm gần đây, kinh tế-xã hội đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Nhưng do xuất phát điểm về kinh tế- xã hội rất thấp, địa bàn ở nơi vùng cao, biên giới xa xôi, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên Nà Bủng vẫn là một trong những xã khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên; cùng với đó, một vài hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhân dân, cản trở việc phát triển kinh tế xã hội của xã nói chung và bà con dân tộc Mông nói riêng. Mùa A Thắng tâm sự: Qua bài thuyết minh này, chúng em tin rằng, dù cuộc sống văn hóa có hiện đại hơn, các bạn học sinh dân tộc Mông chúng em sẽ luôn biết giữ gìn và phát huy những nét truyền thống văn hóa tốt đẹp đồng thời cũng biết loại bỏ những hủ tục không phù hợp.
Đây là lần đầu tiên huyện Nậm Pồ có học sinh đạt giải cấp quốc gia, với thành tích đáng tự hào này của hai em là động lực cho thầy và trò Trường PTDTBT THCS Nà Bủng cũng như học sinh trên toàn huyện vững bước trên con đường chinh phục tri thức, giúp học sinh tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, gắn liền việc dạy và học trong nhà trường với thực tiễn đời sống.
Học sinh trường PTDTBT THCS Nà Bủng trong buổi sinh hoạt đầu tuần
Thầy giáo Dương Duy Dần, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nà Bủng chia sẻ: Đây không chỉ là niềm vui mà nguồn động lực rất lớn cho thầy và trò nhà trường. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phát động phong trào nghiên cứu khoa học và đề xuất ý tưởng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống trong thực tế. Đây là một trong những cách làm thiết thực, hiệu quả khuyến khích giáo viên sáng tạo, dạy học theo chủ đề tích hợp, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Bên cạnh đó, còn khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn, tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu, gắn liền việc học trong nhà trường với thực tiễn đời sống.