Chuyện kể về một con đường
Thời gian đăng: 21/06/2018 07:36:37 PM

Trước thế kỷ XXI, địa bàn huyện Nậm Pồ ngày nay có tên là Mường Chà; phủ Mường Chà đặt tại bản Phiêng Luông, thuộc địa phận xã Chà Tở (địa điểm Trường tiểu học và THCS hiện nay). Từ năm 1925 đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ năm 1954, phủ Mường Chà được đặt tại Mường Cấu (bản Cấu, xã Chà Nưa ngày nay). Để hoàn thiện hệ thống, bộ máy cai trị ở Đông Dương nói chung và địa bàn chiến lược hai tỉnh Lai Châu (Tây Bắc - Việt Nam) với tỉnh Phoong Sa Ly (Bắc Lào) nói riêng, năm 1922 - 1923, người Pháp đã tiến hành khảo sát và mở con đường mòn từ bản Phiêng Luông, xã Chà Tở sang Phoong Sa Ly (CHDCND Lào); đây là con đường mòn ngắn nhất từ thị xã Lai Châu cũ (nay là thị xã Mường Lay) đi Phong Sa Ly của Lào. Thời đó, nếu đi bộ theo con đường này từ thị xã Mường Lay sang Phoong Sa Ly phải hết 5 đến 7 ngày; thì con đường mới mở này chỉ bằng 1/3 quãng đường đi từ thị xã Lai Châu cũ (nay là thị xã Mường Lay) qua Cửa khẩu Tây Trang đi sang Phoong Sa Ly của Lào.

t18image030.jpg

Dấu tích một đoạn đường Pháp mở trên "dông" các đỉnh núi

Con đường này là một nhánh của đường bộ từ thị xã Lai Châu cũ (Mường Lay ngày nay) đi lên A Pa Chải của Mường Tè (nay thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) giáp Trung Quốc. Trước đó đã có đường mòn giao thương, buôn bán từ thị xã Lai Châu cũ với A Pa Chải; đường này đi qua Mường Tùng - Mường Chà (Ba Chà) - Quảng Lâm - Mường Toong - Mường Nhé - Leng Su Sìn - A Pa Chải, sang Trung Quốc và sang Lào.

Nhánh đường mở mới này xuất phát từ bản Phiêng Luông, xã Chà Tở, đi qua Ta Vải - Nậm Pồ thuộc bản Nà Khuyết, đến Chán Pá Cọ, Huổi Nang Ne - Chán Huổi, Can Họ - Nậm Pồ Nọi - Nậm Chẩn thuộc xã Nà Khoa - Bản Nậm Nhừ I, xã Nậm Nhừ, đi qua Pu Đen Đin (biên giới) sang Phoong Sa Ly - Lào. Đoạn đường từ bản Phiêng Luông đến biên giới dài hơn 50 km, mặt đường rộng trung bình 1,5m, để ngựa thồ hàng có thể tránh nhau được, đường được làm thủ công bằng sức người, đường mở đi trên dông các đỉnh núi và theo đường của Voi đi. Xây dựng con đường này, người Pháp huy động nhân lực tại chỗ từ 80-100 dân công, giao cho Lý trưởng Lường Văn Lụng phụ trách với kinh phí thuê dân công mỗi người được trả 2 hào bạc trắng một ngày. Về hậu cần, gạo dân công tự mang ở nhà đi, thức ăn tại chỗ rất phong phú, cá đánh bắt ở dưới suối, con hoẵng, con nai, bò tót... rau, măng có sẵn ở trên rừng. Thời gian thi công con đường được tiến hành trong hai mùa khô năm 1922 - 1923. Việc khảo sát, thiết kế và giám sát thi công do kỹ sư Đồ bản người Pháp đảm nhiệm. Đoạn đường từ Pu Đen Đin (biên giới) sang Phoong Sa Ly - Lào, người Pháp lấy dân công người Lào thi công.

Sau khi đào thông con đường đến Phoong Sa Ly, trên đoạn đường từ bản Phiêng Luông đến biên giới, người Pháp cho xây dựng một trạm dừng chân ở đầu nguồn suối Can Họ (suối này nằm ở dưới bản Tàng Do, xã Nậm Tin ngày nay), và cho kéo đường dây điện thoại từ thị xã Lai Châu cũ sang Phoong Sa Ly. Trong thời gian này người Pháp đem giống cây chè cổ thụ, giống cây cam, cây bưởi, cây xoài, cây mía, cây mít trồng thí điểm xung quanh các ngọn đồi thấp, hoặc các bãi bằng ven suối dọc đường đi, trồng tập trung nhiều nhất ở khu vực Nậm Pa - La Hu Chải trên đất Lào. Hiện nay nếu ta đi theo các dông núi từ Huổi Nang Ne - Nậm Thà Nà, theo hướng ngược lên xã Nà Khoa, ta vẫn thấy có những đoạn đường mòn còn nguyên dạng vắt qua các đỉnh núi, dưới tán lá các cánh rừng già, mặt đường có nơi còn in dấu chân Voi, ở đâu đó ta vẫn thấy những cây chè cổ thụ mà dân địa phương thường hái lá, hái búp chè cho vào ống nứa lam lên thành thỏi, phơi khô để dùng dần.

Những người tham gia đào con đường từ bản Phiêng Luông đi sang Lào năm xưa hầu hết đã mất, nay chỉ còn duy nhất cụ Lường Văn Mín (sinh năm 1910) còn sống, hiện tại cụ đang sinh sống ở bản Nà Khuyết, xã Chà Cang. Khi người Pháp làm con đường này cụ mới được 12 tuổi, người nhà cho đi theo để dắt ngựa thồ gạo, muối... phục vụ dân công làm đường.

t18image031.jpg

Quốc lộ 4H - Đoạn từ bản Nà Khuyết - Nậm Thà Là chủ yếu mở theo đường cũ của người Pháp

Theo lời kể của các bậc cao niên, khi bộ đội ta tiến quân giải phóng thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay) tháng 12/1953, người Pháp và ngụy quân thua trận, rút khỏi Lai Châu theo ba hướng. Hướng thứ nhất rút về Điện Biên Phủ, bị bộ đội ta chặn đánh tan tác ở Mường Pồn, hướng thứ hai ngược theo dòng sông Đà vào Nậm Nhạt - Nậm Nhé - Nậm Pồ, trú quân ở Phiêng Lăn (gần khu Trạm Kiểm lâm xã Nậm Khăn ngày nay, đây giờ là điểm giáp ranh giữa huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên với huyện Nậm Nhùn của tỉnh Lai Châu); bị bộ ta truy đánh, đại bộ phận quân giặc bị tiêu diệt, hoặc bị bắt làm tù binh, số sống sót còn lại chạy ngược Nậm Pồ theo con đường mòn sang Lào, hoặc ngược Nậm Nhé theo đường mòn lên A Pa Chải (huyện Mường Nhé hiện nay). Hướng thứ ba từ thị xã Lai Châu cũ qua Mường Chà (Ba Chà), sang Phoong Sa Ly – Lào theo nhánh đường mở mới từ năm 1922 này. Trên đường tháo chạy, người Pháp cho phá đường dây điện thoại, cắt đứt liên lạc, nhân dân địa phương đã thu gom những đoạn dây điện thoại còn sót lại, chia nhau cuốn, cắt làm xích chân chài để đánh bắt cá.

Ngày xưa đi bộ, dắt ngựa thồ hàng từ thị xã Lai Châu (Mường Lay bây giờ) đi lên A Pa Chải mất gần nửa tháng, thì ngày nay đi ôtô theo con đường mới mở rộng thênh thang, được rải nhựa từ thị xã Mường Lay qua Mường Tùng vào Chà Cang 51km, sau đó đi theo đường 4H vào Mường Nhé 80km, rồi đi lên A Pa Chải 63km, đến ngã ba biên giới chỉ hết 8 tiếng đồng hồ. Đa phần đường ôtô mới mở đi theo đường bình độ, hoặc đi dọc theo sông, suối thấp hơn, nên không trùng nhiều với đường cũ của người Pháp (đường mòn người Pháp thường đi theo dông các đỉnh đồi, núi cao), chỉ có đoạn đường qua dốc Yên Ngựa đến bản Nà Én, xã Chà Tở và đoạn đường 4H từ ngã ba bản Nà Khuyết đến Nậm Thà Nà là theo đường cũ của người Pháp trước kia./.

 

Tao Văn Vin Bản Cấu, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ  
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên