Còn nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động ở Nậm Pồ
Thời gian đăng: 08/08/2018 09:37:33 AM

 

Thực hiện Quyết định số 71/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020", sau 5 năm triển khai, hoạt động xuất khẩu lao động ở huyện Nậm Pồ đã đạt được những kết quả nhất định, phần nào cải thiện được đời sống của một bộ phận nhỏ người dân. Tuy nhiên, việc đưa lao động đi xuất khẩu còn gặp rất nhiều khó khăn.

Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Nậm Pồ có cơ hội tham gia xuất khẩu lao động. Theo đó, người lao động sẽ được hỗ trợ toàn bộ học phí học nghề, học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tài liệu học tập, tiền ăn, sinh hoạt phí... trong thời gian học. Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ người lao động thuộc đối tượng của đề án khi tham gia XKLĐ gặp rủi ro; có chính sách ưu đãi tín dụng cho vay theo nhu cầu tối đa bằng các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo từng thị trường lao động với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.

810image001.jpg

Nậm Pồ ghi nhận một số trường hợp đi xuất khẩu lao động cải thiện được đời sống sinh hoạt gia đình

          Theo “tiếng gọi xuất khẩu lao động” nhiều người dân ở bản Nậm Ngà 1, xã Nậm Chua đã sang thị trường Lào làm thuê các công việc lao động phổ thông. Bản có tới 26 lượt người đã và đang đi xuất khẩu lao động, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình ở bản nghèo này. Gia đình chị Khoàng Thị Nguyên là một minh chứng điển hình: Trước đây, nhà cửa tạm bợ tranh tre nứa lá, chủ yếu 2 vợ chồng đi làm nương để nuôi mấy đứa con. Nên hàng năm mất mấy tháng sống nhờ gạo cứu đói của Nhà nước hỗ trợ. Từ khi chồng chị đi xuất khẩu lao động bên nước bạn Lào, gia đình chị đã có thu nhập ổn định, không còn phải thiếu đói như trước. Chị Khoàng Thị Nguyên, Bản Nậm Ngà 1, xã Nậm Chua phấn khởi chia sẻ: Sau một năm đầu chồng chị đi xuất khẩu lao động, anh chị đã mua lại được một căn nhà sàn gỗ để ở và trang trải được nhiều đồ dùng khác cho sinh hoạt hàng ngày. Bây giờ chồng chị vẫn tiếp tục đi xuất khẩu lao động để tích cóp vốn để đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình.

 Ông Lèng Văn Sương, Chủ tịch UBND xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ cho biết: Với nguồn lao động dồi dào, trong khi canh tác nương rẫy thì cho thu nhập thấp nên bà con nghèo vẫn hoàn nghèo. Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp giúp xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hơn nữa để đưa được nhiều lao động trê địa bàn đi xuất khẩu.

Huyện Nậm Pồ cũng xác định: Xuất khẩu lao động được xác định là hướng đi mới, đồng thời cũng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo. Mặc dù trong thời gian qua, huyện đã tích cực tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi xuất khẩu nhưng kết quả đạt được vẫn khá khiêm tốn. Toàn huyện mới chỉ có 26 lượt lao động xuất cảnh sang thị trường nước bạn Lào, có 01 lượt lao động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Số lượng lao động được xuất cảnh còn khiêm tốn so với con số gần 27.000 người trong độ tuổi lao động tại huyện Nậm Pồ. Nguyên nhân chính là do nhận thức của đa số người lao động trên địa bàn còn hạn chế, nên công tác tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Một số Công ty phối hợp tuyển dụng lao động chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ đối với người lao động sau khi xuất cảnh. Dẫn đến tình trạng quyền lợi, công việc, mức thu nhập không đúng như hợp đồng đã ký kết, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người lao động đang làm việc tại nước ngoài. Một số chán nản bỏ về nước trước thời hạn, ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động đối với lao động khác trên địa bàn muốn đăng ký tham gia. Ông Lò Văn Thân, Phó phòng LĐ - TB&XH huyện Nậm Pồ cho biết: Khó khăn lớn nhất trong thực hiện công tác đưa lao động đi xuất khẩu đó chính là nhận thức của bà con nhân dân còn hạn chế. Họ khó từ bỏ nương rẫy, ruộng vườn để đi đến một nơi xa lao động. Mặt khác, lao động có trình độ thì toàn trẻ tuổi, tâm lý còn e ngại việc ngại đi xa. Tới đây, phòng vẫn sẽ tiếp tục tham mưu, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động tới bà con nhân dân. Trước những đơn đặt hàng cụ thể, Phòng sẽ căn cứ vào thực thế tìm lao động phù hợp vận động họ đi xuất khẩu lao động.

810image002.jpg

810image003.jpg

810image004.jpg

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về xuất khẩu lao động bằng nhiều hình thức

Để hoạt động xuất khẩu lao động ở huyện Nậm Pồ trong thời gian tới đạt kết quả, các phòng, ban, đoàn thể từ huyện xuống xã cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc thù văn hóa của đồng bào các dân tộc về những lợi ích khi xuất khẩu lao động. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện xuất khẩu lao động. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tuyển dụng, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia XKLĐ./.

 

 

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên