Khai thác mật ong rừng – cần có biện pháp bảo vệ và phát triển
Thời gian đăng: 16/04/2019 03:49:13 PM

 

Mật ong rừng có rất nhiều công dụng mà ai cũng biết. Cũng nhờ vào mùa mật, mà nhiều hộ dân có thêm thu nhập.Tuy nhiên, người dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ lại chỉ khai thác mật theo tập quán truyền thống, chưa có biện pháp bảo vệ, nên dẫn đến ong ngày một ít đi. Vì vậy, để có mật lấy lâu dài trong những năm tiếp theo, song song với việc săn mật ong thì người dân cần có biện pháp thiết thực bảo vệ và phát triển đàn ong tự nhiên.  

15image001.jpg

Anh Vẳng khoe thành quả sau một ngày lặn lội tìm kiếm mật ong rừng

Theo chân vợ chồng anh Sùng A Vẳng ở bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ lặn lội vào rừng tìm mật. Được biết, anh Vẳng là một người có kinh nghiệm lâu năm trong việc săn mật ong rừng. Hành trang mang theo là 1 cái balo giản dị, 1 cái túi bóng nilong, cái bật lửa và không thể thiếu là bó củi được chẻ phơi khô buộc sẵn. Hai vợ chồng anh ròng rã lặn lội từ núi này đến núi kia, trèo đèo, vượt dốc, cuối cùng, gần trưa mới may mắn tìm được một tổ ong khoái, nhưng tổ này lại làm mật rất cao tít gần ngọn cây. Để lấy được mật trên cái cành cây cao vút ấy, anh Vẳng phải rất vất vả, có phần nguy hiểm.Trước tiên, anh chặt từng nấc cầu thang trên thân cây gỗ để trèo lên, rồi buộc bó củi vào dây balo, sau đó trèo lên nhóm lửa lấy khói đuổi ong đi, mới cắt được miếng mật.

Tổ này ít mật nên chỉ được khoảng 01 kg mật, chứ tổ to thì phải 4 đến 5 kg. Lấy mật ong rừng thành cái nghề kiếm sống cho vợ con, vì bố mẹ tôi bán hết ruộng đất, ngoài mùa mật thì tôi đi làm thuê công trình để kiếm tiền mua thóc, gạo. Nói chung những năm gần đây mật ong rừng cũng ít đi, nên mỗi mùa mật tôi chi lấy được khoảng 1 tạ mật và bán đi cũng được 15 đến 20 triệu đồng – Anh Vẳng nói.

15image002.jpg

Cách anh Vẳng trèo lên cây lấy mật ong

Cách mà người dân lấy được một tổ ong trên cây là dùng lửa đốt trực tiếp vào tổ để ong sợ bay đi, rồi cắt lấy mật. Phần lớn người dân lấy ong là lấy toàn bộ cả tổ trong đó có: Phần mật, phần nhộng ong và phấn hoa. Như vậy, mỗi tổ ong sau khi lấy là có thể hủy diệt đi hàng nghìn con ong, số ong già bị đốt chết, số nhộng ong chưa trưởng thành cũng bị lấy sạch để ăn. Đây là nguyên nhân dẫn đến ong rừng ngày một hiếm đi. Bên cạnh đó, ngoài việc làm suy vong đàn ong thì quá trình để săn tìm được một tổ ong tốn nhiều thời gian và công sức, họ vô cùng khổ cực, trèo đèo, lội suối rất vất vả và tốn nhiều thời gian mới săn tìm được một tổ mật ong quy hiếm, chất lượng. Có những hôm, có thể gặp một vài tổ, nhưng có hôm lại không gặp được tổ nào.

Tôi đi lấy mật nhiều năm nay, nên kinh nghiệm săn ong rừng là khi lấy mật, không nên cắt phần nhộng, mà chỉ tỉa phần mật bên ngoài, để nguyên nhộng và sáp già không có mật. Như vậy, một thời gian ong lại tiếp tục làm mật, mình lại lấy được mật  và cũng để cho ong nó phát triển nhiều hơn – anh Vẳng cho biết thêm.

15image003.jpg

15image004.jpg

 Sản phẩm mật ong rừng Nậm Pồ được bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh

Huyện Nậm Pồ hiện có 58.906 ha rừng, trong đó diện tích rừng già khá nhiều tập trung ở các xã Pa Tần, Nậm Khăn, Chà Nưa, Chà Tở, Chà Cang. Nhờ đó, vào mùa mật mỗi năm, người dân có thu nhập từ nguồn mật ong khá lớn. Tuy nhiên, sản phẩm tự nhiên khi khai thác không đúng cách sẽ dẫn đến cạn kiệt. Nên nhiều năm trở lại đây, sản phẩm từ mật ong ngày một ít đi, người dân chỉ biết khai thác mà chưa có biện pháp bảo vệ và phát triển. Do đó, nhằm bảo tồn và phát triển các lâm sản phụ cho người dân như mật ong, măng, sa nhân… Ngày 17/8/2017, UBND huyện Nậm Pồ  đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về bảo vệ rừng và khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng. Chỉ thị yêu cầu chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Các cơ quan chuyên môn, các xã phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân khai thác theo hướng bảo vệ, phát triển thành mô hình và nhân rộng ở nhiều địa phương. Hiện nay, rất nhiều mô hình nuôi ong đang được thực hiện và đem lại hiệu quả tại các xã: Chà Nưa, Nậm Khăn và Nà Hỳ.

15image005.jpg

Mô hình ong mật đang được người dân triển khai nuôi ở các bản trên địa bàn huyện

Qua ước tính, toàn huyện hiện có trên 2000 tổ ong rừng được người dân thuần về nuôi chăm sóc tại nhà, nhưng vẫn ăn, làm mật như ong rừng tự nhiên. Riêng Trạm Khuyến Nông – Khuyến ngư hiện đang nuôi thí điểm gần 100 tổ. Các tổ ong này nuôi đảm bảo đúng quy trình công nghệ kỹ thuật nuôi ong rừng. Mô hình được triển khai nuôi từ năm 2018, đến mùa mật năm 2019 đã cung cấp được hơn 100 lít mật ra thị trường, với giá mỗi lít mật từ 350.000đ  - 400.000 đồng.

 Anh Nguyễn Duy Thương – Trưởng trạm Khuyến Nông – Khuyến ngư huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, bà con đang khai thác mật ong tự nhiên rất nhiều, mà khi lấy ong, bà con cắt sạch hết cả tổ, đàn ong sẽ bỏ tổ. Một phần họ lấy bằng cách châm lửa nên dẫn đến có thể bị chết chúa, do đó không sản sinh được quân sẽ dẫn đến giảm số lượng đàn ong. Hiện nay, trạm Khuyến Nông đang thực hiện mô hình nuôi ong từ truyền thống sang chuyên nghiệp để tăng năng suất sản lượng mật ong. Đồng thời chuyển giao công nghệ kỹ thuật đến các xã như Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn và Pa Tần. Còn các xã lân cận, cán bộ khuyến nông xã, bản cũng đến học hỏi kinh nghiệm nuôi ong. Đấy là một trong những biện pháp để tăng năng suất, thu nhập cho bà con.

15image006.jpg

Đàn ong được Trạm Khuyến Nông huyện đang thí điểm nuôi tại xã Nà Hỳ

Việc chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật nuôi ong rừng mà trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Nậm Pồ đang nỗ lực thực hiện, hy vọng sẽ tạo thêm được việc làm cho bà con, đồng thời cũng là cách bảo vệ và phát triển đàn ong rừng ngày càng hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao và cung cấp được nhiều sản phẩm mật ong  – tinh hoa núi rừng Nậm Pồ đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh./.

Mắn On  
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên