Khó khăn trong phát triển mô hình trồng cây cà phê ở Nậm Pồ
Thời gian đăng: 18/04/2018 07:22:20 AM

Với thuận lợi là địa bàn miền núi có địa hình thung lũng, sông suối, thềm bãi bồi… phân bố rộng khắp trên địa bàn, Nậm Pồ có điều kiện rất thích hợp để phát triển các mô hình chăn nuôi cũng như trồng trọt, trong đó có mô hình trồng cây cà phê. Thực tế, mô hình này cho giá trị kinh tế cao nhưng đến nay nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện không còn mặn mà với việc trồng cây cà phê.

Từ năm 2014, huyện Nậm Pồ bắt đầu phát triển cây cà phê với tổng diện tích 8,0 ha; trong đó huyện đầu tư phát triển mô hình tiểu điền với 6,5 ha tại xã Nà Hỳ; nhân dân tự trồng tại bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua 1,5ha. Đến năm 2017, diện tích cây cà phê giảm còn 4,99 ha (do một số diện tích không đủ nước tưới nên hiệu quả thấp, người dân chuyển sang trồng sắn, ngô...). Sản lượng thu hoạch đạt khoảng 1,5 tấn/năm. Tuy nhiên sản phẩm sản xuất ra chủ yếu chỉ tiêu thụ tại hộ gia đình bởi lý do thị trường tại chỗ cho sản phẩm hạn chế, xa đầu mối giao thông và thị trường tiêu thụ của tỉnh.

414image001.png

Cây cà phê thường cho năng suất cao

Là hộ gia đình có nhiều diện tích trồng cà phê, anh Khoàng Văn Mẳn, bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ cho biết: Nhà tôi có hơn 4000 m2 diện tích cà phê, mỗi năm thu được hơn 20 triệu/vụ. Thu hoạch được bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu, giá bán tại địa bàn trung bình từ 45-50 nghìn/1kg khô. Năm nay nhà tôi không trồng thêm mà chỉ chăm sóc diện tích cũ.

Thực tế thì cây cà phê cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa nước.Theo ông Lò Văn Liên, cán bộ Khuyến nông xã Nà Hỳ cho biết: Mô hình trồng thí điểm cây cà phê trên địa bàn xã Nà Hỳ đến nay được 4 năm và cho 3 vụ quả. Cây cà phê cho năng suất cao nhưng do thời tiết khắc nghiệt, mưa đá phá hoại cây trồng; thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn dẫn đến người dân không mấy mặn mà với việc trồng cà phê.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Thu Yến, Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhân rộng mô hình trồng cây cà phê trên địa bàn huyện, trong đó có nguyên nhân về thời tiết, khí hậu, kỹ thuật chăm sóc. Cảnh báo vào mùa mưa trên địa bàn huyện thường xuất hiện mưa đá phá hoại cây trồng, gây ảnh hưởng đến việc phát triển mô hình cà phê. Được biết, tuổi cây cà phê trên địa bàn huyện dưới 5 năm. Vào mùa hè cây cà phê thường xuất hiện tình trạng rụng lá, cây héo dần vào mùa hè (đầu tháng 3, tháng 4). Nguyên nhân do không đủ nước tưới, không có cây che bóng, người dân chăm sóc không theo quy trình kỹ thuật, ở một số nơi cây cà phê không phù hợp với khí hậu địa phương.

Phát triển mô hình trồng cây cà phê là hướng đi để thoát nghèo cho người dân. Trong thời gian tới, huyện Nậm Pồ sẽ nghiên cứu triển khai thực hiện các chính sách để hỗ trợ phát triển cây cà phê tại các xã có điều kiện phù hợp. Bên cạnh đó cần có những giải pháp đồng bộ, tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm bắt kỹ thuật, nâng cao ý thức trong quá trình phát triển mô hình góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm./.

 

Thiện Thơ, VP. HĐND-UBND
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên