Mầm non Na Cô Sa “thay áo mới”
Thời gian đăng: 10/01/2018 02:47:47 PM

 

Đến thăm Na Cô Sa vào một buổi sớm trong tiết trời giữa đông, những tia nắng sớm len lỏi xuyên qua màn sương mù dày đặc, lộ dần ra một ngôi trường mới nằm trong một thung lũng nhỏ, cạnh con suối uốn lượn chảy quanh. Đó là trường mầm non Na Cô Sa. Những ai đã từng đến Na Cô Sa cách đây chỉ một năm thôi, bây giờ trở lại, chắc không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của một ngôi trường với dãy lớp học được xây kiên cố, sáng choang, trang trí rực rỡ. Trên sân trường là những khoảng đất bố trí rất phù hợp với vườn hoa, khu đồ chơi ngoài trời, vườn rau xanh… Mọi thứ thật đẹp, thật khác xa so với một năm về trước. Cô giáo Lò Thị Ngân, nguyên Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi thành lập huyện, xã Na Cô Sa chưa có đất để xây dựng trường mầm non nên phải nhờ cơ sở vật chất tại điểm bản Huổi Thủng 2. Lớp học là nhà tạm, tranh tre, nứa lá, đồ dùng phục vụ cho công tác dạy học chưa đảm bảo, tỷ lệ học sinh ra lớp chưa cao, chưa có học sinh trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp”.

M-m-non-Na-C-Sa-thay-o-m-i-1.jpg

Trường Mầm non Na Cô Sa

Tính đến thời điểm hiện tại, Trường Mầm non đã có 1 điểm trường chính và 14 điểm trường lẻ, với 26 lớp học, 729 học sinh; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt 59,1%, trong đó nhà trẻ 17,0%, mẫu giáo 96,9%, riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Hầu hết cơ sở vật chất của trường là các lớp học kiên cố, bán kiến cố và lớp học “3 cứng”, đáp ứng đủ nhu cầu học tập, vui chơi của các em. Trường đã có các phòng chức năng, các công trình phụ trợ như bếp ăn, tường bao, nhà vệ sinh; khuôn viên, cảnh quan cũng được nhà trường chú trọng tu sửa và cải tạo như bồn hoa, cây xanh, thư viện sách ngoài trời, vườn rau sạch cho trẻ ăn trưa. Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Khi nhận Quyết định điều động và bổ nhiệm giữ Hiệu trưởng trường mầm non Na Cô Sa, tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều, vì thực tế, nhà trường vẫn còn ngổn ngang, bộn bề công việc dang dở như: cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiếu giáo viên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp thấp, công tác xã hội hóa giáo dục lại là vấn đề nan giải. Đứng trước thực trạng đó, Ban giám hiệu đã xin chủ trương của Đảng ủy-HĐND-UBND xã Na Cô Sa tổ chức các cuộc họp với tập thể nhà trường, họp với phụ huynh để tuyên truyền, vận động trong việc xây dựng cơ sở vật chất, huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Ngoài ra, chúng tôi cũng phải đi đầu tiên phong trong mọi hoạt động như: Vận động các hộ gia đình công chức, viên chức có con trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, xung phong trong các buổi xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo môi trường, phát động các phong trào như làm đồ dùng, đồ chơi, trồng vườn rau tại các điểm trường…”

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy-HĐND-UBND huyện; ưu tiên nguồn vốn kiên cố hóa; sự chỉ đạo, vào cuộc của Phòng Giáo dục và Đào tạo trang cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, giúp đỡ về chuyên môn; sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã Na Cô Sa. Bức tranh toàn cảnh trường mầm non Na Cô Sa đã được vẽ ra với diện mạo, tâm thế và tinh thần mới.  

  M-m-non-Na-C-Sa-thay-o-m-i-3.jpg

Môi trường ngoài lớp học tại Trường Mầm non Na Cô Sa

Sau khi nhận bàn giao cơ sở vật chất tại điểm trường trung tâm, bằng người thật, việc thật, tập thể nhà trường đã tổ chức lao động dọn dẹp, trang trí lớp học, khuôn viên, cảnh quan để đưa vào sử dụng kịp đón năm học mới. Không chỉ dừng lại ở đó mà trong thời gian qua, nhà trường đã vận động và cùng học sinh tổ chức rất nhiều buổi lao động từ điểm trường trung tâm tới các điểm trường lẻ, cải tạo cảnh quan môi trường lớp học. Bên cạnh đó phải kể đến sự ủng hộ của Ngân hàng Viettinbank Hà Nội đã giúp dựng 3 lớp học theo hướng bán kiên cố…Thực sự, Trường Mầm non Na Cô Sa như đã được thay chiếc áo mới nhiều màu sắc trên nền chiếc áo cũ bạc màu. Có được diện mạo mới, việc tuyên truyền vận động học sinh ra lớp, chú trọng huy động trẻ 5 tuổi và trẻ nhà trẻ là mục tiêu tiếp theo của nhà trường. Cô giáo Triệu Thị Thanh, giáo viên tại điểm bản Na Cô Sa 3 cho biết: “Những ngày đi huy động học sinh ra lớp, có lúc thời tiết vừa mưa vừa lạnh, đường trơn trượt phải đi bộ mấy km đường rừng mới tới được một số hộ gia đình, thấy cô giáo nhiệt tình, tâm huyết nên phụ huynh cũng đã đưa con em ra lớp”.

M-m-non-Na-C-Sa-thay-o-m-i-4.jpg  

Giờ dạy làm quen với toán lớp mẫu giáo ghép 3+4+5

Năm học 2017-2018 đã đi được một nửa chặng đường, đánh dấu nhiều sự cố gắng và thành quả của Trường Mầm non Na Cô Sa. Từ nay các em sẽ có cơ hội được học tập, vui chơi với những điều kiện mới. Tin tưởng rằng, Mầm non Na Cô Sa trong một vài năm tới sẽ vươn tầm sánh ngang với các trường thuận lợi trong khu vực, góp phần thắng lợi vào việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục chung của toàn huyện./.

                          

            Thương Hoàng - Phòng Giáo dục và Đào tạo
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên