Nà Khoa nơi “đất lành chim múa”
Thời gian đăng: 21/06/2018 07:37:54 PM

Trước tết Nhâm Ngọ (2002), được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu (khi đó chưa chia tách tỉnh), chúng tôi có chuyến đi thực tế sáng tác tại “Tổ công tác Na Cô Sa”, thuộc Đồn biên phòng mang phiên hiệu 409 - Mường Nhé. Để tạo thuận lợi cho cánh phóng viên, Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh cử đồng chí trung tá Vũ Quang Mạo - Trưởng Ban Vận động quần chúng của Bộ Chỉ huy làm trưởng đoàn...

Ngày ấy đường vào Na Cô Sa khó khăn lắm chứ không như bây giờ. Sau đẫy một ngày trời chịu sự va đập trên chiếc U oát, vượt chừng 160 cây số quốc lộ, tỉnh lộ rồi huyện lộ, từ thị xã Điện Biên đoàn chúng tôi tới bản Nà Khoa vào lúc đã lên đèn. Nà Khoa khi ấy là bản vùng sâu thuộc xã Nà Hỳ, huyện Mường Lay, tỉnh Lai Châu (nay theo NQ số 45/2012/NQ-CP, Nà Khoa là đơn vị cấp xã, thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên). Nghe nói năm 1952, một cuộc di thực định mệnh đã đưa bước chân của 6 gia đình tới đây, phó mặc họ và sự rủi may số phận. Buổi đầu lạ thông lạ thổ, bãi Nà Cang với hàng trăm con chim nộc khoa đến múa, là điềm lành báo trước cho những cư dân đầu tiên chọn nơi này làm nơi lập bản dựng mường. Và, như một lẽ tự nhiên, Nà Cang (ruộng giữa) nghiễm nhiên được đổi tên thành Nà Khoa (ruộng chim nộc khoa) từ buổi đầu trứng nước ấy.

Gần nửa thế kỷ trôi đi, Nà Khoa đến năm 2001 là nơi định cư của 53 hộ với 386 khẩu, dân tộc Kháng. Chúng tôi được bố trí nghỉ đêm tại một gia đình có uy tín nhất bản Nà Khoa, đồng thời, cũng là một trong những gia đình có uy tín nhất xã Nà Hỳ. Chủ nhân của ngôi nhà ấy là anh Khoàng Văn Tư, Phó Bí thư Đảng ủy xã kiêm Chủ tịch HĐND xã Nà Hỳ. Khoàng Văn Tư năm nay (2001) 39 tuổi, tính tình sôi nổi, tư chất thông minh và đặc biệt vóc dáng rắn chắc như khối đá xanh trên dãy Pa Lồng. Trong bữa cơm tối được bắt đầu vào lúc gần 21 giờ, Khoàng Văn Tư không chỉ nhiệt tình chạm chém mà còn kể như say, về công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - văn hóa ở Nà Khoa quê anh.

t17image012.jpg

Trung tâm xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ

Những năm qua, gần 1.200 ha rừng của bản được bảo vệ tốt, giao khoán tới từng hộ và nhóm hộ trông giữ. Cả bản không còn hộ đói, 35% số hộ kinh tế khá trở lên. Anh nói: “Cách đây 5 hôm, ngày 20/12/2001, trong chuyến công tác kiểm tra “Dự án Phát triển Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà” và khu thí điểm tái định cư mẫu Si Pa Phìn, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã vào tận Nà Khoa thăm hỏi, tặng quà nhân dân. Phó Thủ tướng tỏ ý hài lòng và khen ngợi đồng bào, trong việc đoàn kết xây dựng làng bản, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu; đề phòng các thế lực thù địch lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước ta, để thực hiện âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...”.

Đêm cuối năm, dường như cả Nà Khoa không ngủ, nhịp sống công trường hối hả vọng về. Từ phía các bản Nậm Nhừ, Vàng Lếch... tiếng máy xúc, máy gạt nổ giòn, dội vào vách đá như đánh thức núi rừng. Đây là tuyến giao thông nông thôn nối liền các xã vùng biên giới phía Tây, thuộc “Dự án Phát triển Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà”, do Bộ Quốc phòng làm chủ dự án, Quân khu II là đơn vị chủ đầu tư. Ngay ở đầu bản, Ngầm Nà Khoa bắc qua suối Nậm Pồ, đang trong giai đoạn hoàn tất. Những người lính thợ của Công ty Tây Bắc (Quân khu II) thay nhau làm việc suốt 3 ca, dầm mình trong giá rét, quyết tâm khánh thành vào những ngày đầu năm mới Nhâm Ngọ (2002). Cách đấy không xa, Trường Tiểu học Nà Hỳ (nay là Tiểu học Nà Khoa) cũng đang khẩn trương xây dựng với quy mô công trình vĩnh cửu. Năm học tới, con em các dân tộc trong vùng chắc chắn sẽ thoát khỏi cảnh gianh tre, thỏa niềm mơ ước bao đời của các thế hệ phụ huynh... Quả thực, có đến đây mới thấy hết sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào thiểu số. Đặc biệt, mới cảm nhận được đầy đủ sự quan tâm ấy là vô cùng ý nghĩa, hiệu quả lớn lao, tác động trực tiếp và nhiều mặt tới đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn...

... Theo lịch trình đã định, đoàn chúng tôi chỉ dừng chân ở bản Nà Khoa vẻn vẹn một đêm, rồi tiếp tục hành quân. Gửi lại chiếc xe U oát và “gửi” lại cả cậu lái trẻ cho các sơn nữ người Kháng, chúng tôi lên đường vào lúc tinh mơ. Khó mà tả hết nỗi gian khổ chất chồng của con đường “thiên sơn vạn thủy”, đang vi vu trên những đỉnh núi mây vờn, bỗng chốc lại khom lưng lách mình qua các khe sâu hoang lạnh. Tôi là người đi yếu nhất, lúc nào cũng lẽo đẽo sau cùng. Một phần vì mình chẳng còn trẻ trung gì nữa, lại không được luyện tập thường xuyên, nhưng chủ yếu bởi mình không có “đôi chân vạn dặm” như những người lính biên phòng. Lần thứ nhất qua suối ai nấy còn cởi giầy, vén quần, thong thả lựa chỗ nước nông mà lội. Lần thứ năm qua suối thì cứ để cả giầy, chỉ vén quần lên thôi cũng đã là cẩn thận lắm rồi. Đến lần thứ muời ba qua suối thì giầy cũng thế mà quần cũng thế, chả còn hơi sức đâu mà cởi với vén. Đấy là khi cái mệt đã ngấm, mà là sự mệt nhọc của cuộc trường chinh vượt thác băng ngàn, có cảm giác như sắp sửa quỵ xuống bất cứ lúc nào.

t17image013.jpg

Giao thông Nà Khoa - Na Cô Sa đã thuận lợi hơn

Cuối cùng, sau 14 tiếng đồng hồ hết ngược đèo lại xuôi dốc, vượt qua hơn 30km đường rừng; nửa đêm hôm đó chúng tôi cũng lần tới được nơi đóng quân của “Tổ công tác Na Cô Sa”, thuộc Đồn biên phòng mang phiên hiệu 409 - Mường Nhé. Na Cô Sa là một bản người Mông, được dùng làm tên gọi chung cho cả khu vực dân cư Na Cô Sa, xã Mường Toong, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ). Khu vực Na Cô Sa chạy dọc theo lòng thung Nặm Chẩn, dài khoảng 12km, còn chiều rộng thì bao la bát ngát, tưởng chừng... rộng hơn cả chiều dài. Thông tin từ chỉ huy “Tổ công tác Na Cô Sa”, cho biết: Địa bàn Na Cô Sa gồm 5 bản: Huổi Thủng I, Huổi Thủng II, Dền Thàng, Pắc A và Na Cô Sa, có tất cả 252 hộ với 1.514 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông, 100% là dân di cư tự do (DCTD).

t17image014.jpg

Cuộc sống của người dân đã có những thay đổi tích cực

Bắt đầu từ năm 1990 và nhất là từ năm 1993, làn sóng dân DCTD từ khắp các nơi hối hả đổ dồn về xã Mường Toong. Trên những lối mòn cheo leo, khúc khuỷu dẫn vào xã, cứ mấy ngày lại có một đoàn người lôi thôi phụ tử, tay xách nách mang... Đấy là đồng bào các dân tộc thiểu số ra đi từ các tỉnh bạn, như: Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng... và cả những người ở chính các huyện trong tỉnh Lai Châu tới. Để đến được “miền đất hứa” Na Cô Sa (xã Mường Toong), có những gia đình phải bồng bế nhau vượt hàng sáu, bảy trăm kilomet, ăn đói, nhịn khát, chịu đựng bao nhiêu nỗi đắng cay, cơ cực trong cuộc “thiên di” một mất một còn... Năm 1968 xã Mường Toong mới có vẻn vẹn chừng 350 người, vậy mà đến năm 2001 dân số đã lên tới 1.497 hộ với 9.243 nhân khẩu, trong đó 82% là dân DCTD. Năm 1993 xã Mường Toong có 5 bản, nhưng nay có tới 29 bản, trong đó 18 bản là dân DCTD và khu vực Na Cô Sa chiếm 5/18 bản ấy...

Vậy là thấm thoát đã gần 18 năm trôi qua (2001-2018), với nhiều người thuộc thế hệ trẻ rất có thể không hình dung ra một Nà Khoa, một Na Cô Sa, một Nà Hỳ, một Mường Toong... của gần hai thập niên trước. Để có được diện mạo kinh tế - xã hội của xã Nà Khoa như hiện giờ, ngoài nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, phải nói đó là sự quan tâm, là sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, là nỗ lực liên tục của các ban ngành, cơ quan, đơn vị tỉnh Lai Châu trước đây và tỉnh Điện Biên sau này.

Người Việt Nam có câu: “Ôn cố tri tân”, thấy cái ngày xưa (quá khứ) để hài lòng với hôm nay và nhìn về tương lai mà phấn đấu. Đến nay xã Nà Khoa vẫn là xã nghèo, đặc biệt khó khăn, nhưng được như hôm nay cũng đã là một bước tiến lớn trong đó có công sức, tấm lòng, tình yêu của nhân dân các dân tộc Nà Khoa nói chung và đồng bào dân tộc Kháng nói riêng. “Núi cao bởi có đất bồi // Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu”, trước kia chúng tôi mất đẫy một ngày ô tô từ thị xã Điện Biên vào tới Nà Khoa, nhưng nay chỉ khoảng gần 4 giờ đi xe máy hay ô tô thôi là đã có thể cùng người Nà Khoa chạm chén bên dòng Nậm Pồ thơ mộng, để nghe con chim nộc khoa ríu ran tiếng hót như hát về cuộc sống mới có Đảng ân cần chỉ lối ở Nà Khoa..../.

 

Trương Hữu Thiêm  
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên