Nghị lực của em học sinh khuyết tật
Thời gian đăng: 04/12/2018 07:41:59 AM

         Ước mơ đến trường để học “cái chữ”- một điều tưởng chừng như hết sức bình dị ấy lại vô cùng khó khăn đối với những trẻ em dân tộc thiểu số vùng cao. Em Thào Thị Sấu, học sinh lớp 4A3, trường PTDTBT TH Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã vượt qua hoàn cảnh tật nguyền, siêng năng học tập để thực hiện ước mơ trở thành họa sĩ.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 9 người con tại bản Đệ Pua, xã Phìn Hồ (Nậm Pồ) nhưng lại không may mắn như 8 anh chị em còn lại. Chẳng biết lý do tại sao hay từ bao giờ, em chỉ biết khi mình nhận thức được đã thấy ngoại hình có sự khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Nghe bố mẹ và người lớn xung quanh kể lại, từ khi sinh ra em đã bị thiếu 1 chân, những ngón tay em cũng chỉ là những đầu mấu trồi ra chứ không được lành lặn, đầy đủ... Khi còn bé, em ngây thơ chẳng biết gì nhưng dần dần càng lớn, em càng nhận thức được lại càng thấy tủi, mỗi lần nhìn bạn bè cùng trang lứa nô đùa, chạy nhảy em lại khát khao cháy bỏng một cuộc sống sinh hoạt bình thường. Nhiều khi việc di chuyển đi lại hay cầm nắm một thứ gì đó dù là nhỏ, nhẹ cũng là điều vô cùng khó khăn, khiến em nản lòng, cảm thấy bất lực và trở nên vô dụng. Đã không ít lần em bật khóc và có những cái nhìn tiêu cực về cuộc sống này.

                1image001.jpg      

Em Thào Thị Sấu rất khó khăn khi cầm bút viết chữ

Mặc dù thân hình dị thường nhưng thật may mắn khi em không những không bị bạn bè trêu trọc hay kỳ thị mà thậm chí còn được các bạn cùng thầy cô động viên, an ủi, hỗ trợ, giúp em bỏ qua tự ti, mặc cảm, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống cũng như trong học tập.Những năm học trước, ngày ngày trên con đường quanh co, uốn lượn quen thuộc ấy, người ta vẫn thường bắt gặp cái dáng nhỏ bé, liêu xiêu của em đang cố gắng lê từng bước chân nặng nề trên con đường nhấp nhô đá, sỏi. Và nếu như đường từ nhà đến trường của em các bạn chỉ mất 20 phút đi bộ thì với em nó có thể kéo dài lên đến 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Chưa kể những ngày mưa to, gió lớn cản trở bước chân em, con đường vốn xa và gập ghềnh lại thêm phần trắc trở, rét buốt. Năm học 2018-2019 này, em được chuyển về trường trung tâm học và được ở bán trú nên niềm khao khát đến với cái chữ với em đã thuận lợi hơn rất nhiều. Em Sấu chia sẻ: Được đến trường học em rất vui, có các bạn, có thầy cô giúp đỡ, dạy em cách cầm bút, cách viết chữ để thực hiện ước mơ của mình. Em ước mơ sau này sẽ trở thành họa sĩ. Thầy cô bảo, muốn thực hiện ước mơ đó, trước hết em phải chăm chỉ học tập, học thật giỏi để thi được vào trường hội họa… Và chính những lời động viên ấy đã nhen nhói trong em ngọn lửa ước mơ, là động lực thôi thúc em đến trường.

1image002.jpg

Em Sấu chậm chạp lê từng bước chân tới trường

Nói về Sấu, thầy cô và bạn bè ai cũng yêu quý và khâm phục tinh thần ham học hỏi, vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Các bạn đều coi Sấu là tấm gương sáng để học tập và noi theo. Chúng em rất yêu quý bạn Sấu, mặc dù bạn không được may mắn, không được lành lặn như chúng em nhưng bạn rất chăm chỉ đi học và có thành tích học tập tốt, bạn rất thích vẽ, mỗi lần thi báo tường nhờ có bạn Sấu lớp em đều được giải cao. Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng em Thào Thị Mai mà còn là của các bạn trong lớp về Sấu. Thầy Lò Văn Nam, giáo viên chủ nhiệm của em Sấu nhận xét: Sấu là học sinh có nghị lực tuyệt vời nhất, là tấm gương sáng để các bạn trong lớp, trong trường noi theo. Em dù bị khuyết tật cả chân và tay nhưng vẫn luôn là học sinh chuyên cần nhất. Những lúc các bạn lao động, tưới hoa, mặc dù được miễn nhưng em vẫn luôn cố gắng tham gia làm cùng các bạn. Được biết, nhờ những nỗ lực, cố gắng của mình, trong 4 năm học em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ các môn học.

1image003.jpg

Chỉ ngồi và quan sát các bạn vào mỗi giờ ra chơi

Ở nơi cái nghèo, cái khó vẫn luôn hiện hữu, len lỏi trong những bản làng vùng cao thì nghị lực vươn lên của cô bé Thào Thị Sấu đã tiếp thêm động lực cho các thầy cô cống hiến tuổi xuân, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” cao quý. Ngày mai đây, có thể do cái đói, cái nghèo; có thể do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có thể bố mẹ không cho em đi học nữa,…ước mơ của em sẽ không thành hiện thực. Chợt nghĩ, nếu em phải dang dở con đường học “cái chữ”, rồi tương lai của em sẽ ra sao?./.

 

Trần Hương - Phòng GD&ĐT
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên