Phát huy truyền thống đoàn kết và bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng huyện Nậm Pồ ổn định và phát triển
Thời gian đăng: 22/06/2018 09:50:32 AM

Là người con sinh ra và trưởng thành trên quê hương Mường Chà kiên trung, tôi luôn tự hào về mảnh đất, con người, truyền thống văn hóa các dân tộc Mường Chà (nay là địa bàn huyện Nậm Pồ). Hình ảnh núi non hùng vĩ, con người chân chất, bộc trực, cần cù trong lao động, dũng cảm chống thiên tai, địch họa, đoàn kết nghĩa tình, đùm bọc yêu thương nhau vượt qua gian khó xây dựng bản, mường bình yên, no ấm, hạnh phúc là hành trang nâng bước tôi đi làm cách mạng trong suốt hơn 50 năm qua.

Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập (23/6/2013 - 23/6/2018) huyện Nậm Pồ, tôi xin kể lại một số sự kiện đáng nhớ ở nơi đây mà có thể nhiều người chưa biết để chúng ta cùng suy ngẫm và hành động đúng đắn, cùng nhau phát huy truyền thống đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng huyện Nậm Pồ ổn định và ngày càng phát triển.

Sơ lược về địa lý - lịch sử

Mường Chà là một trong 8 Mường án ngữ dọc biên giới Việt - Lào của tỉnh Lai Châu trước đây và Điện Biên ngày nay (Mường Nhé, Mường Toong, Mường Chà, Mường Mươn, Mường Pồn, Mường Thanh, Mường Nhà, Mường Lói), là biểu tượng “Cột mốc lòng dân” bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia suốt chiều dài lịch sử của Tổ quốc Việt Nam. Nổi bật nhất là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng có lúc diễn ra sự tranh chấp từ phía các bộ tộc Lào, đánh giặc Phẻ, xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

t2image051.jpg

Dốc Yên ngựa - địa danh đã khắc sâu trong ký ức người dân Mường Chà

Địa danh Mường Chà xuất hiện vào khoảng thế kỷ 18 khi những cư dân đầu tiên đến khai thiên lập địa ở vùng này. Thời kỳ Đèo Văn Long cai trị, Mường Chà được các lý trưởng họ Tao thay nhau cai quản. Vì người Mường Chà không biết chữ nên phó lý và thư ký đều do Đèo Văn Long cử đến giúp. Người Pháp cho mở tuyến đường đủ để ngựa đi (nền đường rộng 1,5m), đến nay vẫn còn dấu tích từ thị xã Lai Châu dọc theo suối Nậm He qua Chà Tở, Nà Khuyết, Huổi Tre sang Nà Khoa, Nậm Nhừ, vượt dãy Pu Đen Đin qua mốc B1 sang Lào. Khi Pháp rút đi còn để lại toàn bộ đường dây điện thoại dọc tuyến đường, dân ta lấy về cắt ra làm chân chài. Khi làm đường, Pháp mang một giống chè vào trồng hai bên bìa rừng dọc theo con đường, sau này nhân dân trồng nhiều thêm để sử dụng hàng ngày. Đến nay, xã Pa Tần đang khôi phục giống chè này làm sản phẩm hàng hóa.

Cuối tháng 12 năm 1953, sau khi giải phóng thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay), bộ đội ta đã truy kích tàn quân Đèo Văn Long, giải phóng Mường Chà, giặc rút qua Ngải Thầu sang Lào. Lúc đó nhận thức của nhân dân trong vùng về cách mạng còn rất sơ sài, nhiều người còn sợ bộ đội nên chạy trốn vào rừng, khi thấy bộ đội cũng là những người như dân mình thì mới dám về bản. Trước đó, một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nà Hỳ đã di cư sang đất Lào sinh sống.

Năm 1954 bộ đội ta thành lập chính quyền Cách mạng với tên gọi là “Ủy ban hành chính xã Mường Chà”. Địa bàn của xã Mường Chà gồm toàn bộ diện tích của huyện Nậm Pồ hiện nay (trừ địa bàn xã Na Cô Sa). Khu vực Na Cô Sa xưa kia là rừng già, có một bãi bằng mọc loại cây mạy sa; người dân đi săn bắn ở đây thường lấy mạy sa về cho lợn ăn, nên địa danh này có tên gọi là Na Cô Sa.

Năm 1959, được sự đồng ý của Chính phủ, xã Mường Chà chia tách thành 3 xã, gồm: Chà Nưa, Chà Cang và Chà Tở. Mỗi xã có 5 bản, xã Chà Nưa có Bản Cấu, Nà Ín, Pa Có, Nà Sự, Nà Cang; xã Chà Cang có bản Mới, Nà Khuyết, Pa Tần, Lả Chà, Nà Khoa; xã Chà Tở có Nà Én, Nà Mười, Nà Pẩu, Nậm Khăn, Vằng Xôn. Dân cư gồm đồng bào dân tộc Thái; ngoài ra còn có các dân tộc Kháng, Dao, Khơ Mú, Cống nhưng mỗi dân tộc này chỉ có một nhóm hộ dân, cư trú không ổn định. Cư dân Mường Chà sinh sống dọc theo suối Nậm Bai, Nậm Hằng, Nậm Chà, Nậm Pồ; còn địa bàn Nà Hỳ, Si Pa Phìn hầu như không có người ở. Ngoài khu vực ít ỏi dân cư sinh sống thì chỉ có rừng già nguyên sinh, bãi cỏ tranh đan xen, thú rừng và rùa, ba ba, cá suối nhiều vô kể. Năm 1959, các xã thuộc Mường Chà mới có cơ sở Đảng với những đảng viên đầu tiên được kết nạp. Vai trò của cán bộ nói chung, đặc biệt là bộ đội biên phòng, là nhân tố quyết định sự vững mạnh của hệ thống chính trị ở vùng biên giới đầy thử thách này.

Theo chương trình sắp xếp dân cư của tỉnh đưa dân đến các vùng biên giới để khai phá đồng thời giữ đất, năm 1970 đồng chí Lèng Văn Đôi, Bí thư Đảng ủy xã Chà Cang dẫn đầu 13 hộ lên khai phá Nà Hỳ. Năm 1975 đồng chí Tao Văn Ơn, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, đồng chí Vàng A Phủ, Bí thư Đảng ủy xã Pú Đao dẫn đầu đưa nhân dân lên khai phá Si Pa Phìn. Những cán bộ, đảng viên này là những tấm gương vì nhân dân phục vụ.

t2image053.jpg

Trung tâm xã Chà Cang - "Trái tim" của Mường Chà xưa nay đã có những đổi thay vượt xa mơ ước của người dân nơi đây

Từ khi cách mạng về vùng Mường Chà, người dân được giải phóng, nhân dân các dân tộc một lòng theo Đảng, luôn khẳng định niềm tin sắt đá chỉ có Bác Hồ, có Đảng mới làm cho khát vọng, mơ ước ấm no, hạnh phúc, phồn vinh của nhân dân thành hiện thực. Ngày nay xã Mường Chà xưa đã thành 14 xã cộng với xã Na Cô Sa lập thành huyện Nậm Pồ. Nhờ sự quan tâm mọi mặt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Quốc hội; sự hợp tác, giúp đỡ của các bộ ngành, tổ chức ở Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện và hiệu quả của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, huyện Nậm Pồ đã và đang có sự đổi thay kỳ diệu về kinh tế - văn hóa - xã hội... vượt xa ước mơ của người xưa cũng như mong muốn của các thế hệ cán bộ và nhân dân huyện Nậm Pồ hôm nay.

Nậm Pồ là huyện vùng cao, biên giới, các lĩnh vực đều ở điểm xuất phát thấp so với các huyện trong toàn tỉnh, khó khăn, thách thức không nhỏ. Nhưng qua 5 năm đầu hình thành và phát triển, đã có nhiều điều đổi thay đến ngỡ ngàng. Tôi biết trong suốt 5 năm qua các đồng chí lãnh đạo huyện với đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo, tinh thần hết lòng phục vụ nhân dân đã luôn tìm tòi và đề ra những bước đi đúng đắn, những giải pháp hiệu quả và vững chắc phù hợp với thực tiễn của Nậm Pồ, thì mới có bước phát triển toàn diện, rõ nét như bây giờ.

t2image055.jpg

Tính tự lực vươn lên của người dân Mường Chà luôn được phát huy

Đoàn kết các dân tộc là một truyền thống quý báu

Trước năm 1992 dân số 3 xã Mường Chà chưa đến 10.000 nhân khẩu, cũng chưa có nhiều dân tộc, nhưng các dân tộc sống với nhau như anh em ruột thịt. Đó là tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau trong sản xuất, trao đổi học tập kinh nghiệm đói no, vui buồn có nhau... Đến nay dân số toàn huyện đã tăng lên trên 51.000 nhân khẩu do đồng bào từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh di cư đến sinh sống tạo nên một xã hội sôi động hơn và sự giao thoa văn hóa làm tăng thêm tính đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa dân tộc của huyện. Tuy nhiên đồng bào di cư về đây đều mang theo phương thức sản xuất lạc hậu, chỉ biết phá rừng làm nương để sống. Sau 25 năm đồng bào di cư về đây phá rừng làm nương, toàn bộ hệ sinh thái rừng nguyên sinh đã bị phá xong tạo nên thảm họa cục bộ về thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt, ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai, thú rừng và cá suối còn rất ít, không ai thoát nghèo được mà càng làm cho đời sống và sản xuất khó khăn hơn. Một bộ phận nhân dân bị các thế lực thù địch lợi dụng, tuyên truyền “Vương quốc Mông” nên vẫn còn ý định di cư.

t2image057.jpg

Đoàn kết dòng họ là thế mạnh của người Thái Mường Chà

Tình hình trên đặt ra cho chúng ta phải làm thế nào để giữ cho huyện ta ổn định và phát triển?

Trước hết người dân cần nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình đối với sự ổn định và phát triển của huyện, không di cư, không chặt phá rừng, không tệ nạn xã hội. Mỗi người dân Nậm Pồ phải coi huyện là ngôi nhà chung của các dân tộc trong đó phải chung ý chí, cùng hành động với ý thức trách nhiệm cao trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ khối đoàn kết các dân tộc.

Cần coi trọng xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa dân nhập cư và dân sở tại, cùng nhau bàn bạc đường hướng phát triển kinh tế, ổn canh, ổn cư, xây dựng đời sống văn hóa; mọi người đến đây làm ăn, sinh sống cần có ý thức đóng góp công sức xây dựng địa phương phát triển. Xây dựng cơ cấu đội ngũ cán bộ các dân tộc cân đối, hài hòa, đoàn kết, làm trụ cột cho sự đoàn kết các dân tộc trong huyện.

Các cấp ủy đảng, chính quyền phải tìm cho được tiềm năng, thế mạnh của huyện, của từng xã, từng bản, từng hộ để giúp nhân dân phát triển sản xuất làm giàu trên mảnh đất của mình. Đồng thời người dân cũng cần sáng tạo tìm ra cách làm ăn hiệu quả, chăm chỉ và không ỷ lại. Suy cho cùng thì công bằng, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc là cơ sở vững chắc của khối đại đoàn kết các dân tộc.

Gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc

Truyền thống của các dân tộc vùng Mường Chà là đoàn kết, trung thực, cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường. Bản sắc văn hóa là trung kiên, nhân ái, lành mạnh, gắn kết gia đình, họ hàng... Nhờ có giá trị truyền thống đó mà người Mường Chà đã tồn tại và phát triển, trong điều kiện đầy thử thách của thiên nhiên và xã hội.

t2image059.jpg

Bản sắc văn hóa của người Thái Mường Chà luôn được gìn giữ và phát huy

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế thị trường với những mặt trái của nó đã gây nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng ở nhiều địa bàn được cho là văn minh, tiến bộ hơn Mường Chà, nhưng đến nay cơ bản Mường Chà vẫn là địa bàn giữ được sự lành mạnh vốn có nhờ sự gắn kết gia đình và dòng họ. Gia đình hạnh phúc là gia đình có người cha mẫu mực, người mẹ hiền, anh em, con cháu yêu thương, đùm bọc, dạy bảo nhau; gia đình hạnh phúc là không có con cháu hư hỏng và mắc tệ nạn xã hội.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thì nguy cơ thâm nhập các tệ nạn xã hội trong giới trẻ ngày càng tăng lên. Các đối tượng nghiện ngập, tiêm chích, hút hít đủ các thành phần xã hội đã vào làm đủ các nghề lôi kéo người sở tại tham gia, đã có bi kịch gia đình. Các cộng đồng sinh sống biệt lập có xu hướng mai một văn hóa truyền thống dân tộc mình. Điều đó đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhất là ngành chức năng phải quan tâm hơn, có những biện pháp xây dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; trong đó, không chỉ coi trọng văn hóa truyền thống của nhân dân sở tại mà cả nhân dân mới nhập cư, làm cho phong phú giá trị văn hóa chung của huyện nhà. Quan tâm hơn nữa các loại hình sinh hoạt văn hóa của các dân tộc, trong đó cần coi trọng giao lưu văn hóa giàu các dân tộc trong các dịp lễ Tết.

Tuy là huyện mới nhưng qua 5 năm hình thành, cấp ủy và chính quyền huyện Nậm Pồ đã chung tay xây dựng một nền tảng rất căn bản, tạo thế cho bước phát triển bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng những năm tiếp theo. Thế hệ chúng tôi rất tin tưởng vào đội ngũ cán bộ của huyện và của xã hiện nay. Trên cơ sở những thành công đã đạt, mong các đồng chí tiếp tục năng động hơn, đoàn kết và hết lòng, hết sức triển khai các chính sách đến với nhân dân; xây dựng huyện ta mỗi ngày một giàu đẹp, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Đại tá Tao Văn Khứn - Nguyên Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Tỉnh Lai Châu, Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên.
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên