Phục dựng Lễ nhảy lửa của dân tộc Dao ở bản Huổi Sâu
Thời gian đăng: 26/11/2018 08:15:44 PM

 

Ngày 21/11, Bảo tàng tỉnh Điện Biên phối hợp với chính quyền địa phương xã Pa Tần và người dân bản Huổi Sâu đã tổ chức phục dựng và tái hiện thành công lễ nhảy lửa (Nhìang Chằng Đao) của đồng bào dân tộc Dao, ngành Dao đỏ

17image001.jpg

Người Dao đỏ ở bản Huổi Sâu (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ)  hiện có 95 hộ  với hơn 430 nhân khẩu, thuộc các họ chính như Tẩn, Chảo, Phàn, Phùng sinh sống  cùng nhau, trong đó  họ Chảo là  Dao bản địa, các họ Tẩn, Phàn,  Phùng di cư từ Phong Thổ, Lào Cai đến.

Người Dao ở bản Huổi Sâu đón Xuân vào tháng Giêng. Lễ nhảy lửa là một nghi thức diễn ra vào dịp Tết, được mỗi dòng họ tổ chức 2 đến 3 năm một lần hoặc nhiều hơn tùy điều kiện của từng dòng họ, vào ngày mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng, tại nhà trưởng họ. Đây là một nghi thức kế tục của nghi lễ cúng Bàn Vương nhằm bảo vệ gia đình, dòng tộc, bản làng, mong cầu thần linh phù hộ bình an, thịnh trị và xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng mùa màng bội thu. Nhưng trong tiến trình phát triển và hội nhập, do không tự ý thức bảo tồn nên nghi thức này dần bị mai một ở vùng dân tộc Dao sinh sống. Do đó, để bảo tồn giá trị văn hóa người Dao đỏ trên địa bàn huyện Nậm Pồ cũng như toàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã thực hiện việc khảo sát, bảo tồn văn hóa phi vật thể của đồng bào Dao với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương, các già làng, trưởng bản, những người am hiểu văn hóa dân tộc Dao sau gần 5 tháng Công tác phục dựng và tái hiện tuân thủ bài bản các bước, quy trình tiến hành và đầy đủ, trọn vẹn các nghi thức của một tết nhảy lửa nguyên bản, độc đáo.

17image002.jpg

Để chuẩn bị cho lễ nhảy lửa, trước đó nhiều ngày các gia đình trong dòng họ họp bàn, thống nhất chọn giờ lành và các lễ vật dâng lên các vị thần linh, gồm 1 con lợn to, 10 con gà trống, củi đốt, bát hương và bó hương, nước trắng, rượu và chén, giấy âm phủ, đôi quẻ âm dương bằng tre, 2 đồng bạc, trống, cồng, 8 cái chiêng, bộ tranh thờ Bàn vương, nến sáp ong và những bộ trang phục truyền thống tham gia nghi lễ.

Vào giờ đẹp, ngày lành đã định, mọi người trong bản chuẩn bị lễ lên nhà thầy cúng để tiến hành nghi lễ. Khi lễ vật đã chuẩn bị đầy đủ, dưới sự chủ trì của thầy cúng chính, người cúng phụ sẽ bày mâm lễ dưới bàn thờ tổ tiên.

17image003.jpg

Giờ tốt đến, thầy cúng chính thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, mâm lễ rồi cầm quẻ âm dương gõ vào nhau và bắt đầu khấn mời các vị thần.

17image004.jpg

Khấn xong đủ 3 lượt, thầy cúng gieo quẻ âm dương xuống đất để biết các vị Thần Lửa, Bàn Vương, Thượng Đế, Tổ tiên... đã về với dân làng hay chưa, sau đó tiếp tục khấn để thông báo nội dung nghi lễ mời các vị thần linh và đốt các tập giấy dó biểu trưng việc biếu vàng bạc với các vị thần linh.

17image005.jpg

Lễ cầu may, cầu phúc vừa xong cũng là lúc đống củi được đốt lên ngoài sân trước đó đã thành một đống than hồng. Mọi người bước vào nghi thức nhảy lửa. Lúc này, thầy cúng khấn và xin quẻ âm dương để xin thần lửa đồng ý. Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể tham gia và nhảy lửa nhiều lần khi đã được thầy cúng "nhập" cho một sức mạnh vô hình của thần linh che chở, bảo vệ không bị bỏng.

17image006.jpg

Qua việc nhảy lửa, người nhảy thể hiện sức mạnh, sự khéo léo, nhanh nhẹn và luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người. Nghi thức nhảy lửa chỉ kết thúc khi đống than hồng tắt lịm dưới những đôi chân trần đen nhẻm do than vương lại.

17image007.jpg

Nghi thức nhảy lửa kết thúc sẽ đến nghi thức trình diễn các điệu múa. Hai thầy cúng, một là chủ đám (sliêu họ), một ông múa (khoi tàn) sẽ xuất hiện xuyên suốt trong các nghi thức này.

Khởi đầu điệu múa phụ "Tam nguyên an ham," ông thầy múa đi trước đám thanh niên (từ 8 đến 10 người), mọi người cầm cờ, tung cờ, phất cờ, múa những động tác khỏe mạnh, tượng trưng cho sức mạnh của âm binh.

Khi đến điệu múa chính “Nhìang Chầm đao," người tham gia đều đeo dao ở thắt lưng, cầm dao trên tay, múa với nhịp khỏe, mang tính chiến đấu trên nền nhạc trống, chiêng, chọe, chuông. Tiếp đến, múa phát nương tái hiện quá trình lao động của người Dao từ lúc phát nương đến lúc thu hoạch, phơi lúa, giã gạo, nấu cơm (tốp nam, tốp nữ cùng tham gia).

Đặc biệt, người Dao còn có điệu múa bắt ba ba, trước khi múa mọi người phải có lễ vật, lập đàn cúng, sau đó ông thầy múa dẫn đầu tốp nam theo tiết tấu của trống phách, chiêng, chuông, chọe đi vòng quanh đàn cúng thực hiện nghi lễ, đoàn người theo cùng nhảy múa diễn tả các động tác săn tìm, giết mổ và chế biến thịt ba ba thành món ăn dâng cúng lên các thần linh, gia tiên.

17image008.jpg

Điệu múa gà được nối tiếp sau đó với sự tham gia của 8 đến 10 người, mỗi người cầm một con gà trống, múa quanh cây cột dựng sẵn giữa sân.

Sau một vòng múa, từng người cầm con gà sẽ cắt tiết gà vào những chiếc bát đặt quanh chân cột nhằm thể hiện sức mạnh, đồng thời xua đuổi ma tà. Lúc này, người phụ cúng mang một cái mẹt để cạnh cột giữa sân và đổ gạo vào đó cho những người vừa tham gia múa gà lao vào, thể sự việc ban thưởng sau khi chiến thắng tà ma, quỷ dữ.

Kết thúc phần múa, thầy cúng chính ra sân thổi “tù” rồi khấn Ngọc Hoàng, Thượng đế; thực hiện các nghi lễ chiêu binh, thu thánh tướng, âm binh vào một thanh kiếm (hoặc con dao găm) đặt lên mu bàn chân rồi hất mạnh lên bàn thờ tổ tiên và cúng đốt tiền âm phủ biếu vàng mã để các tổ tiên, các vị thần thánh trở về cõi tiên.

Sau cùng là phần múa hát của mọi người, thể hiện niềm tin, sự phấn chấn của dân bản, ca ngợi những người có công tạo dựng cuộc sống để dân bản có được hôm nay.

Người dân Huổi Sâu giờ đây đã có đường bê tông từ trung xã đến bản và đường nông thôn bản tiện lợi, sạch sẽ. Được sống trong những ngôi nhà sàn, nhà trệt mái ngói khang trang, rộng rãi; trẻ em trong bản được đến lớp, đến trường học chữ và Song song với thúc đẩy phát triển sản xuất, chăn nuôi, hơn 22ha rừng cũng được giao cho các nhóm hộ của bản quản lý; các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng. Người dân đã thực sự là những người chủ của rừng, nên ý thức bảo vệ; phòng, chống cháy rừng và phát triển rừng được nâng lên. Đến nay, Huổi Sâu chỉ còn gần 27/89 hộ gia đình thuộc diện nghèo; tỷ lệ hộ nghèo của bản thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo của xã.

17image009.jpg

Toàn cảnh Cộng đồng người Dao đỏ ở Bản Huôi Sâu, xã Pa Tần

Lễ nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào Dao đỏ, minh chứng cho sức mạnh trong quá trình lao động để chế ngự thiên nhiên; có ý nghĩa giáo dục lòng can đảm, đương đầu với khó khăn, thử thách của con người; chứa đựng niềm tin, hướng cộng đồng tới cái thiện, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.  q1aq1a

Lễ nhảy lửa ở bản Huổi Sâu (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ) được phục dựng và tái hiện thành công dựa trên nguồn luận cứ xác đáng là tiền đề để bảo tồn, tôn tạo, làm "sống dậy" vẹn nguyên một nét đẹp văn hóa truyền thống, một nghi thức tâm linh độc đáo của cộng đồng dân tộc Dao ở Tây Bắc./

 

Mắn On
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên