Thanh niên vùng khó khởi nghiệp với mô hình nuôi gà Ai Cập
Thời gian đăng: 02/04/2018 02:02:50 PM

 

Năm 2016 được Chính phủ chọn là năm khởi nghiệp, cùng với đó Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, chọn năm 2017 làm năm thanh niên khởi nghiệp với chủ đề "Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp". Hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp, ở vùng biên giới, còn nhiều khó khăn như Nậm Pồ, đã có những tấm gương đoàn viên thanh niên khởi nghiệp với những mô hình kinh tế nhỏ đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực. Đoàn viên Thùng Văn Lực, chi đoàn bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa là một trong những điển hình tiêu biểu như thế.

          Sinh năm 1993, đoàn viên Thùng Văn Lực sớm đã yêu thích nghề chăn nuôi, bởi vốn là con nhà nông, quen với môi trường trồng trọt, chăn nuôi từ nhỏ. Em thường xót xa với cảnh bố mẹ mình, bà con thôn xóm vẫn phải đối mặt với dịch bệnh gây thiệt hại trên đàn vật nuôi. Do vậy, Lực đã sớm định hướng cho bản thân sẽ học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi về phát triển kinh tế gia đình. Định hướng đó đã đưa Lực quyết tâm thi vào Đại học ngành chăn nuôi. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, Lực đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp với một mô hình chăn nuôi sẽ đem lại hiệu quả có thể nhân rộng đến bà con nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ý chí quyết tâm là vậy, nhưng khởi nghiệp chưa bao giờ là câu chuyện dễ. Đó là một hành trình khó từ nguồn vốn đến kinh nghiệm. Xác định khởi nghiệp là một thử thách để trường thành, cùng với sức lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của thanh niên cả nước, giữa năm 2017, Lực bắt tay vào nghiên cứu, tìm tòi và mua giống gà Ai Cập để nuôi. Lực chia sẻ: “Em tìm hiểu giống gà Ai Cập ở trên mạng. Qua tìm hiểu em nhận định đây sẽ là giống gà có thể sẽ hợp với điều kiện khí hậu thời tiết ở Chà Nưa, nên em đặt mua qua mạng luôn. Số vốn khởi điểm cũng vừa sức em, hơn 5 triệu tiền giống. Cùng với cám công nghiệp, em tận dụng luôn sắn, thóc của nhà để nuôi gà. Coi như bước đầu khởi nghiệp của em, dù có thất bại thì em cũng sẽ đúc kết được kinh nghiệm”.

1image001.jpg

1image003.jpg

Giống gà Ai Cập được Lực đưa về Chà Nưa nuôi thử nghiệm

          Với mô hình nuôi gà Ai Cập để lấy trứng, Lực tận dụng những kiến thức chuyên ngành đã học, cùng với sự cần cù chịu khó chăm sóc, đàn gà cứ vậy mà sinh trưởng, sau 6 tháng thì đẻ trứng. Lực có chia sẻ kinh nghiệm về cách chăn nuôi giống gà này: “ Đối với giống gà Ai Cập nuôi khai thác trứng thì cần chú ý chăm sóc rất kỹ từ giai đoạn bé đến giai đoạn hậu bị. Đây là giai đoạn dễ mắc các loại bệnh về đường ruột, đường hô hấp... Vậy nên cần chú ý khâu vệ sinh chuồng trại. Ở giai đoạn úm gà thì phải đảm bảo nhiệt độ không quá lạnh hoặc không quá nóng thì gà mới tạo được sức đề kháng cao. Mình cũng nên áp dụng các biện pháp kháng sinh tự nhiên như giã tỏi để cho gà uống thường xuyên. Và theo dõi từng cá thể gà để phát hiện bệnh, kịp thời cách ly để điều trị bằng thuốc thú y”.

Với một huyện vùng sâu, vùng xa như Nậm Pồ, gà Ai Cập là một loại con giống mới, nhưng lại được một thanh niên trẻ nuôi thử nghiệm và trước mắt đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Với hơn 100 con gà đẻ trứng, trung bình mỗi ngày cho thu hoạch khoảng 80 quả, thu nhập được khoảng 350 nghìn mỗi ngày. Như vậy, mỗi tháng thanh niên trẻ thu nhập được trên dưới 10 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi tháng Lực cũng thu về 5 – 6 triệu đồng. Không chỉ lại đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình, mô hình nuôi gà Ai Cập đã tác động đến nhận thức của bà con nhân dân địa phương về việc áp dụng khoa học vào chăn nuôi. “Nhận thấy mô hình nuôi gà Ai Cập đoàn viên Thùng Văn Lực thử nghiệm phù hợp với địa phương, tới đây Đoàn xã Chà Nưa sẽ tiến hành tổ chức cho đoàn viên thanh niên toàn xã tham quan, học hỏi kinh nghiệm, hướng tới vận động đoàn viên nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế. Bởi mô hình này không cần quá nhiều nguồn vốn, phù hợp với đoàn viên mới khởi nghiệp” Đồng chí Tao Thị Viện, Bí thư Đoàn xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ hứng khởi cho biết.

1image005.jpg

Thành quả ban đầu cho sự nỗ lực của bản thân

          Với số vốn nhỏ, phù hợp với thanh niên mới khởi nghiệp, mô hình nuôi gà của đoàn viên Thùng Văn Lực đã thúc đẩy tinh thần thanh niên địa phương cùng khởi nghiệp để phát triển kinh tế. Cùng với Lực, còn có đoàn viên Tao Văn Phong ở bản Nà Sự; Tao Văn Quân ở bản Cấu khởi nghiệp với mô hình kinh tế tổng hợp VAC. Như những gương khởi nghiệp đã thành công, hy vọng rằng, đoàn viên thanh niên Nậm Pồ sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn để tìm được con đường khởi nghiệp cho riêng mình, từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương của mình./.

 

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên