Thu hoạch Sa nhân non - "Thiệt hại kép"
Thời gian đăng: 05/07/2018 07:57:22 PM

          Theo chu kỳ, cây sa nhân ra hoa trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5, kết trái trong khoảng thời gian tháng 6, đến khoảng giữa tháng 7 thì được thu hoạch. Nhưng hiện nay, trên địa bàn các xã huyện Nậm Pồ, tình trạng khai thác thu hoạch Sa nhân sớm đang diễn ra phổ biến theo hình thức "ai nhanh người ấy được".  Việc thu hái Sa nhân non không những làm giảm chất lượng mà còn gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng và giá trị kinh tế. Và chính các chủ rừng (là người dân, cộng đồng dân cư) chịu thiệt hại lớn nhất.

          Huyện Nậm Pồ có diện tích rừng và đất rừng tự nhiên hơn 58.000 ha. Trong 5 năm qua, người dân đã được hưởng lợi hơn 130 tỷ đồng từ nguồn Dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, rừng còn cung cấp nhiều nông sản có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là quả của cây Sa nhân xanh và Sa nhân đỏ. Theo số liệu thống kê, cây sa nhân tự nhiên phân bố dưới tán rừng ở hầu hết các xã trong huyện, nhưng tập trung nhiều nhất ở các xã: Pa Tần, Nậm Khăn, Chà Cang, Chà Nưa và Chà Tở. Với sản lượng thu hoạch hàng năm ước đạt hàng trăm tấn quả sa nhân tươi đã mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ giúp các nông hộ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

74image001.jpg

Mô hình sa nhân xanh tại xã Nậm Khăn phát triển rất tốt, ra hoa và kết trái rất nhiều. Nhưng mô hình này chưa được nhân rộng

          Theo chu kỳ, cây sa nhân ra hoa trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, kết trái trong khoảng thời gian tháng 6, đến khoảng giữa tháng 7 thì được thu hoạch. Tuy nhiên, do là loại cây mọc tự nhiên nên từ đầu tháng 6 đến nay, bà con nông dân ở nhiều xã trong huyện đã tiến hành thu hoạch quả sa nhân sớm, thậm chí nhiều người dân còn xâm phạm vào địa phận rừng, thuộc quyền quản lý của các bản khác để thu hoạch. Anh Hạng A Tính - bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần cho biết: người dân có thói quen là không phải mình trồng, mình nói họ thì họ không nghe. Họ nói là ở trên rừng, ai nhanh tay thì được nhiều, dân nói như thế nên mình không thể quản được. Nó hao hay là nó rẻ mình cũng phải đi hái, bởi vì không phải chỉ có bản mình đi hái mà nhiều bản bên cạnh tập trung vào hái thì mình không thể quản được. Nếu không đi hái mình chậm tay thì không được, bởi vì khu rừng này là bản mình bảo vệ, họ đã hái hết mà mình chờ thì không được. Có người đi hái một ngày được từ 7 - 8kg, trong bản mình ít nhất là có 60 người đi hái, thì một vụ phải đến mấy tấn.

74image002.jpg

Anh Hạng A Tính - bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần kiểm tra chất lượng quả bà con trong bản mới thu hái, chủ yếu là quả non

          Nguyên nhân của việc bà con trong bản thu hái sớm được anh Thào A Kỷ - Trưởng bản Nậm Thà Là, xã Pa Tần cho biết: do hạt sa nhân năm nay được thu mua sớm, nhìn quả thì to nhưng sấy khô thì toàn là vỏ, không có hạt. Theo đúng mùa thu hoạch, chậm nhất là phải tầm 20/7 và đầu tháng 8, thì lúc đấy thu thì mới hiệu quả, với lại chất lượng mới cao. Kể cả quả nhỏ, lúc mình sấy khô cũng có hạt. Việc thu mua sớm như năm 2018 này, từ 15/6 họ đã thu mua, ai cũng muốn được trước, ai cũng muốn được nhiều nên bà con không thể giữ được. Ví dụ như bản này giữ thì bản kia không giữ, thế là bản khác, kể cả các xã khác, người dân ở huyện khác cũng xâm phạm vào rừng của bản mình. Lấy sớm quá, một số quả vẫn còn có hoa, như thế nó không có chất lượng, chỉ được khoảng 50% thôi, quả như thế thì không nặng cân, một số lựa ra vứt đi hết. Theo ý kiến của tôi không phải là cấm hết, vẫn cho thu mua, nhưng hàng năm kể cả muộn nhất là phải từ 15 đến 20/7 và đầu tháng 8. Thu mua đúng thời điểm ấy quả nó mới già, hạt nó mới chắc, thì người mua cũng được, người bán cũng được, không lãng phí.

74image003.jpg

Chị Phạm Thị Thu cho biết: quả sa nhân non khi sấy khô chỉ còn vỏ, không có hạt, người dân chịu thiệt hại lớn nhất

          Hiện nay, tình trạng khai thác thu hoạch quả sa nhân sớm tại các xã trong huyện diễn ra khá phức tạp, mặc dù quả sa nhân mới có tỷ lệ chín đạt gần 60% người dân đã thu hái. Chị Phạm Thị Thu - người trực tiếp thu mua tại xã Chà Cang cho biết: tại Pa Tần người ta đã thu mua cách đây hơn 20 ngày rồi, người dân cứ thấy có người mua thì họ đi lấy thôi, họ không biết là quả còn non hay già đâu. Riêng điểm thu mua của tôi thì quả phải già mới mua, cách đây 3 ngày, bà con người Mông mang về hơn 1 tấn chúng tôi cũng không mua. Với những quả già có màu xanh thì đạt tỷ lệ rất cao, còn những quả vẫn còn màu trắng đục thì sau này sấy khô quả sẽ quắt, không có hạt hoặc hạt lép, không sử dụng được, rất lãng phí. Chúng tôi cũng nói với người dân chỉ lấy những quả màu xanh, đến lượt hai lại thu hái tiếp vì nó chín không phải một lượt, cây sa nhân ra từng đợt hoa một, nên lấy hết đợt quả già thì lại chờ quả non chín lại thu hái tiếp.

74image004.jpg

Một người dân bản Nậm Đích, xã Chà Nưa phải mang 3 bao tải quả sa nhân xanh về, do đại lý không mua vì quả còn non

           Việc thu hoạch tự do "ai nhanh người ấy được" như hiện nay, dẫn đến sản phẩm thu được lẫn lộn cả quả già và quả non, hầu hết người dân chưa nhận thức được việc thu hoạch sớm dẫn đến chất lượng không cao, gây thất thu nghiêm trọng về sản lượng và giá trị sản phẩm hạt sa nhân. Chị Thu cho biết thêm: quả sa nhân còn non chưa đạt tỷ lệ thì người ta thu mua rất rẻ, như năm nay tôi được biết dân lấy đầu tiên đem bán chỉ được có 35.000 đồng/1kg thôi. Nhưng đến bây giờ đã có giá là 55.000 đồng/1kg rồi, đến cuối tháng 7 có thể lên đên 70.000 đồng/1kg. Lúc đấy quả sa nhân già rồi thì 10kg quả tươi có thể sấy được 2 - 2,5kg quả khô, nhưng hiện tại chỉ được 1,2kg quả sấy khô. Cho nên thích hợp nhất cho việc thu hái quả sa nhân là vào cuối tháng 7, người dân đi lấy đúng thời điểm quả già thì có giá hơn, lúc đó giá 80 - 90 nghìn mình vẫn thu mua. Bây giờ những người nào thu mua sớm thì các ban ngành phải có chế tài xử phạt thì người dân sẽ có lợi hơn.

74image005.jpg

Chị Phạm Thị Thu cho biết: những quả non màu trắng là hỏng hết, người dân không bán được, rất lãng phí

74image006.jpg

Việc người dân thu hái sớm gây thiệt hại lớn về sản lượng cũng như giá trị kinh tế từ cây sa nhân

          Hạt sa nhân có giá trị xuất khẩu rất lớn, theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2017 giá cuối vụ quả sa nhân xanh có giá từ 100 - 120.000 đồng/1kg quả tươi; chỉ tính riêng sản lượng quả sa nhân thu mua tại các xã: Nậm Khăn, Chà Tở, Chà Cang, Chà Nưa, Pa Tần đã cho một nguồn thu trên 10 tỷ đồng. Và năm 2018 này, thời tiết thuận lợi, cây sa nhân phát triển rất tốt, ra hoa và quả rất nhiều, hứa hẹn mang lại một nguồn thu không nhỏ cho người dân. Tuy nhiên, việc khai thác thu hoạch tự do như hiện nay, chính người dân bị thiệt hại lớn nhất. Vì vậy, các xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các bản tăng cường bảo vệ diện tích sa nhân dưới tán rừng do bản quản lý, hướng dẫn nhân dân thu hái không làm ảnh hưởng đến năng suất vụ sau, bảo quản đúng kỹ thuật, có giải pháp nhân rộng diện tích cây sa nhân trên địa bàn xã; các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm những điểm thu mua sớm, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng hạt sa nhân trên địa bàn huyện./.

 

Văn Toán - Đài TT-TH Nậm Pồ
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên