Vệ sinh môi trường nông thôn: Khó hay còn bỏ ngỏ?
Thời gian đăng: 04/04/2019 07:50:30 AM

 

Chỉ cách trung tâm xã Nà Hỳ chưa đầy 2 km, nhưng đến bản Huổi Cơ Dạo là dễ dàng nhìn thấy tình trạng môi trường sống đang bị ô nhiễm từ chính những chất thải sinh hoạt hàng ngày, chất thải từ chăn nuôi… Nếu không có những giải pháp hiệu quả và kịp thời thì mức độ ô nhiễm ở nơi đây sẽ ngày càng gia tăng.

Bản Huổi Cơ Dạo là nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc Dao với 83 hộ cùng 446 nhân khẩu, ở đây chủ yếu đều là hộ nghèo. Trong những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, bản đã được đầu tư điện, đường giao thông nông thôn nên đời sống nhân dân cũng ngày càng phát triển hơn. Tuy nhiên, trái ngược với cơ sở hạ tầng khang trang ấy là những túi nilon, xác động vật chết, rác thải từ sinh hoạt thường ngày được bỏ trực tiếp ra ngõ xóm, sân nhà, đường đi tới, ao, suối,... Chỉ cần có chỗ tiện và gần là người dân cũng có thể vứt rác, đổ chất thải bất chấp những nguy cơ liên quan tới môi trường sống, hoạt động hàng ngày.

 6image001.jpg

Rác thải sinh hoạt dọc theo con đường vào bản

 6image002.jpg

Nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra môi trường

 6image003.jpg 

Chăn thả rông gia súc vẫn còn khá phổ biến

Trao đổi với ông Lý Vần Truân, trưởng bản Huổi Cơ Dạo, ông khẳng định thêm về một thực trạng đáng buồn:  “Ở bản đây, phần lớn là người dân vứt rác ra trước sân, chuồng trâu, chuồng bò thôi, nếu đầy quá rồi thì mới đốt. Chỉ có 2-3 nhà là có hố rác để xử lý rác thải, ở trong bản nếu lúc nào mà nhiều rác quá thì tôi thông báo cho cả bản dọn dẹp, quét dọn rồi đổ ra chỗ nào thôi chứ không có đào hố để xử lý rác đâu.”

Còn phần lớn người dân trong bản khi được phỏng vấn về vấn đề gia đình đã xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày như thế nào thì đều nhận những câu trả lời khá thản nhiên: “tiện tay”, “do thói quen”; “do không bị nhắc nhở, quản lý”, “do không biết bỏ ở đâu nên đành vứt ở lề đường, cột điện, bãi đất trống, bụi rậm”. Bà Chảo Mùi Lai nói: “Vì không có chỗ đổ rác nên đa phần người dân đều tiện đâu đổ đấy, thích thì vứt thôi. Còn lợn gà thì cả bản thả rông như nhau, nên trong sân nhà, sân bản có phân là phải… không ai quản được.” Khi được hỏi thêm tại sao gia đình không tự đào một hố chứa rác thải, Bà Lai vẫn thản nhiên nói: “ Thì cả bản vẫn vứt rác như vậy, một gia đình mình làm thì không sạch được đâu.”

 6image004.png

Rác ngay đầu đường rẽ vào bản

Bản Huổi Cơ Dạo chỉ là một minh chứng điển hình cho việc người dân còn thờ ơ với vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và ý thức bảo vệ môi trường sống nói chung. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều bản nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện người dân còn thờ ơ với vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, chất thải từ chăn nuôi… Đây là một trong những trở ngại của các địa phương trên lộ trình xây dựng nông thôn mới. Ông Ngô Xuân Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Nà Hỳ cho biết: Trên lộ trình xây dựng nông thôn mới, các ban ngành đoàn thể xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức và hành động trong bảo vệ môi trường. Xã cũng xác định đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xã quan tâm hàng đầu. Đồng thời xã cũng đã huy động các buổi tổng vệ sinh vào cuối tuần. Song chưa làm chuyển biến nhận thức và hành động của bà con nhân dân trong xã. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo và có những giải pháp quyết liệt hơn.

Nhìn ra trên địa bàn toàn huyện, cũng đã có những địa phương, những thôn bản vùng sâu, vùng xa làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Điển hình như tại xã Chà Nưa đã xây dựng được 110 lò đốt rác thải sinh hoạt theo nhóm hộ nhờ công tác xã hội hóa. Hay ở bản Mông Hô Tâu, xã Nậm Khăn, người dân trong bản tự làm nhà tiêu hợp vệ sinh.

 6image005.jpg

Mô hình xử lý rác thải theo nhóm hộ ở Chà Nưa

 6image006.jpg

Nhà tiêu tự làm ở bản Mông Hô Tâu, xã Nậm Khăn

Vấn đề đặt ra ở đây là công tác vệ sinh môi trường ở các thôn bản liệu có thật sự khó hay không? Nếu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, có giải pháp đồng bộ hơn, quyết liệt hơn và người dân nâng cao nhận thức và hành động hơn, tin rằng môi trường nông thôn trên địa bàn huyện Nậm Pồ sẽ sạch sẽ hơn tạo nên những bản làng văn hóa sạch đẹp./.

 

Tao Thu- SVTT Đài TT – TH huyện
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên