Nậm Pồ là một huyện miền núi, biên giới, nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Điện Biên. Huyện có 8 thành phần dân tộc với những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào khu vực Tây Bắc. Mỗi dân tộc sinh sống ở đây đều mang những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt từ ngôn ngữ, trang phục, đến những lễ hội, phong tục tập quán sinh hoạt hàng ngày... Ở huyện Nậm Pồ, dân tộc Dao có số lượng lớn thứ 3 sau dân tộc Mông và dân tộc Thái, chiếm tỷ lệ 4,1 % dân số toàn huyện, trên 2000 nhân khẩu.
Dân tộc Dao còn có các tên gọi khác: Mán, Ðông, Trại, Dìu Miền, Kim Miền, Dao Đỏ, Xá… Theo tiếng Dao Kiềm (Kềm), Kìm là rừng; Miền, Mùn là người. Ngoài tên Kiềm Miền, Kìm Mùn, người Dao còn có tên Dìu Miền phát âm theo Hán - Việt là Dao Nhân tức là người Dao. Tên Dìu Miền được nhắc đến trong các câu chuyện truyền miệng hoặc trong các tài liệu cổ của người Dao. Như vậy, Dao là tên tự nhận của người Dao, nó gắn liền với lịch sử hình thành dân tộc Dao, được người Dao thừa nhận và chính thức được Nhà nước công nhận. Người Dao có nền văn hoá lịch sử lâu đời và tri thức dân gian rất phong phú, đặc biệt là y học cổ truyền. Họ không có văn tự riêng mà sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá gọi là chữ Nôm Dao.
Người Dao vừa tin theo các tín ngưỡng nguyên thủy, các nghi lễ nông nghiệp, vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo, Phật giáo và nhất là Ðạo giáo. Người Dao có nhiều tín ngưỡng về thần linh, ma quỷ. Bàn Vương được coi là thuỷ tổ của người Dao nên được cúng chung với tổ tiên từng gia đình.
Dân tộc Dao ở Nậm Pồ có 2 ngành là Dao Đỏ và Dao Khâu. Cả 2 ngành này đều từ các tỉnh khác sang định cư trên địa bàn vào các thời điểm khác nhau. Nhóm Dao Đỏ đầu tiên di cư từ tỉnh Yên bái, Lào Cai sang vào những năm 1950. Nhóm Dao này được coi như nhóm Bản địa về cư trú tại xã Si Pa Phìn. Đến năm 1990, nhóm Dao Khâu của Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu ngày nay) đến định cư tại bản Sín chải 1,2 xã Nà hỳ. Năm 1995, một nhóm Dao Đỏ của Sa Pa tiếp tục sang định cư tại bản Huổi cơ xã Nà hỳ.
Dân tộc Dao huyện Nậm Pồ sinh sống tập trung ở các bản: Huổi Sâu thuộc xã Pa Tần (89 hộ - 413 khẩu); Huổi Cơ Dạo (88 hộ - 464 khẩu), Sín Chải 1(92 hộ - 527 khẩu), Sín Chải 2 (48 hộ - 246 khẩu) thuộc xã Nà Hỳ và bản Vàng Đán Dạo (31 hộ - 181 khẩu) thuộc xã Vàng Đán. Trong đó ngành Dao Khâu có 171 hộ với 954 khẩu, cư trú tại các bản Sín Chải 1, Sín Chải 2 và bản Vàng Đán Dạo.
Thông thường, mỗi bản của người Dao của huyện Nậm Pồ có từ 30-90 nóc nhà. Việc phân bố dân cư trong từng bản phụ thuộc vào địa hình, phạm vi đất đai. Người Dao thường chọn những nơi có địa hình hiểm trở, có khu rừng già, khí hậu nhiệt đới, thích nghi với việc phát triển lâm, nông, cây công nghiệp và làm lúa nước, nương rẫy để làm nhà, dựng bản. Người Dao huyện Nậm Pồ sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước với kỹ thuật canh tác tiến bộ. Họ vừa phát triển nương rẫy vừa bảo vệ và khai thác rừng hợp lý.
|
Châm ngôn Dao có câu “Chảm mài kềm lải mài miền” (ở đâu có rừng, ở đó có người Dao). Câu nói này không chỉ phán ánh tập quán bám lấy rừng núi để cư trú, mà còn nói lên tầm quan trọng của rừng đối với đời sống kinh tế của các bản người Dao.
|
Tuy sống gần nhau (đan xen) nhưng mỗi ngành Dao ở huyện Nậm Pồ vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, mang đậm sắc thái, đặc trưng riêng. Tiêu biểu là trang phục.Để phân biệt các nhóm Dao, chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Mỗi trang phục có 5 màu cơ bản: Đỏ, xanh, trắng, vàng, đen, trong đó chủ yếu là màu đỏ. Theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Nét đặc sắc trong trang phục người Dao đỏ không thể thiếu những họa tiết hoa văn trang trí độc đáo, không theo mẫu. Những họa tiết này được thêu theo trí tưởng tượng của người thêu.
Nam giới Dao Đỏ mặc hai áo: ngắn và dài. Hoa văn trên áo ngắn tập trung chủ yếu ở phần ngực, cổ và lưng áo để khi mặc áo dài trùm bên ngoài, những nơi đó không bị che lấp, các họa tiết hoa văn tinh tế sẽ được phô ra ngoài.
Trang phục của người Dao Đỏ không chỉ biểu hiện tính cần cù, nhẫn nại và bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú cùng với con mắt thẩm mỹ mà còn rất tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục cân đối hài hòa, vui tươi, trong sáng, góp phần tô điểm thêm cho bản sắc riêng vốn có của dân tộc Dao Đỏ.
Người Dao Khâu hay còn gọi là Kim Miền (hoặc Kìm Miền), là 1 trong những nhánh Dao di cư sang Việt Nam sớm nhất nên họ được xem như thuộc nhóm Dao đại bản, tức người đến trước trong cộng đồng dân tộc Dao.
|
Trang phục của phụ nữ dân tộc Dao Khâu dung dị với màu chàm là chủ đạo. Điểm tô trên bộ trang phục là màu đỏ. Bởi theo tâm linh của dân tộc Dao Khâu, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Điểm nhấn trên trang phục của người phụ nữ Dao Khâu là chùm đồng bạc (5-7 chiếc) và các tua chỉ màu đỏ thẫm từ cổ áo xuống lưng (gọi chung là “mạ phín”). Chiếc yếm và hai bên ống tay áo đều được may viền màu xanh nhạt. Thắt lưng của phụ nữ Dao Khâu là một mảnh vải chàm dài, buộc nhiều vòng ở eo người phụ nữ. Riêng chiếc quần được chú trọng thêu bằng chỉ nhiều màu sắc để tạo nên sự sinh động, hài hòa trong trang phục của dân tộc mình. Phụ nữ Dao Khâu quấn đầu bằng tấm khăn vải chàm dài 5 – 7m. Khi quấn đến vòng thứ 3, chiếc khăn sẽ được bẻ gập 3 góc rồi mới quấn tiếp để tạo hình dáng.
Trang phục của nam giới Dao Khâu hết sức đơn giản, nhẹ nhàng, màu chủ yếu là màu đen, kết hợp với bộ trang phục là chiếc mũ hết sức độc đáo.
Phần lớn người Dao ở huyện Nậm Pồ làm nương rẫy. Lương thực chính là lúa, ngô, các loại rau màu như bầu, bí, khoai… Bên cạnh việc làm nương rẫy, dân tộc Dao của huyện Nậm Pồ còn biết chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ để thay đổi cuộc sống.
|
Đặc biệt, nhiều gia đình đã chú trọng đến việc đầu tư cho con cái đi học ở các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh. Có nhiều gia đình là tấm dương tiêu biểu về tri thức và về kinh tế…
|
Mặc dù di cư ở các tỉnh khác nhau, nhưng dân tộc Dao ở huyện Nậm Pồ vẫn luôn gìn giữ phong tục tập quán, các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa như: Chọn đất làm nhà; ma chay, cưới xin; lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc, lễ cúng lập tịch,cúng cơm mới, cúng cho phụ nữ có thai, hát giao duyên (Pảo dung), tết nhảy lửa…
Xã hội ngày một phát triển kéo theo nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống của người dân tộc Dao cũng dần bị mai một. Mặt khác, những người hiểu rõ văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc tuổi ngày càng cao; cùng với việc đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Dao còn gặp nhiều khó khăn, lứa tuổi thanh niên chưa ý thức đầy đủ về nền văn hóa dân tộc… dẫn đến người dân càng không chú ý đến việc phải giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Vì vậy, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao nói riêng, các dân tộc thiểu số khác của huyện Nậm Pồ nói chung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải được thực hiện./.