• Nậm Pồ, 8:56 phút - Thứ bảy, 4/1/2025
Chính phủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Thời gian đăng: 12/09/2023 04:12:55 PM

          Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.

          Hiện nay, nhận thức của người dân về bảo vệ thông tin cá nhân còn hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tế, là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lộ, lọt, chiếm đoạt thông tin cá nhân, buôn bán dữ liệu cá nhân, đồng thời cũng sẽ tạo lên mối e ngại trong quá trình vận động người dân kích hoạt định danh điện tử. Tình trạng này đã gây ra rất nhiều hệ lụy và sẽ không lường hết được sẽ còn phát sinh những bất cập và hệ lụy như thế nào từ việc để lộ lọt thông tin cá nhân.

          Chính vì vậy,  ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023. Việc ban hành Nghị định này là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

64.jpg

Nghị định số 13/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2023

           Nghị định này quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và được áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động tại nước ngoài; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

65.jpg

Dữ liệu cá nhân cơ bản

          Trong đó, dữ liệu cá nhân được hiểu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản (họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quốc tịch, hình ảnh cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số tài khoản, số định danh cá nhân, biển số xe, mã số thuế,...) và dữ liệu cá nhân nhạy cảm (quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, nguồn gốc chủng tộc, đặc điểm di truyền, đời sống tình dục, dữ liệu vị trí, thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng,...).

           Chính phủ cũng đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm trong Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, cụ thể:

66.jpg

Nghị định quy định một số hành vi bị nghiêm cấm về bảo vệ dữ liệu cá nhân

           Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

          Điều 8 Nghị định quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm: (1) Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; (2) Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (3) Xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; (4) Cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền; (5) Lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.

          Nghị định nêu rõ, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân. Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm: (1) Biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; (2) biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; (3) biện pháp do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; (4) biện pháp điều tra, tố tụng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện; (5) các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

          Bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản là áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nêu trên; xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nêu rõ những việc cần thực hiện theo quy định của Nghị định này; khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề, hoạt động có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống và phương tiện, thiết bị phục vụ xử lý dữ liệu cá nhân trước khi xử lý, xóa không thể khôi phục được hoặc hủy các thiết bị chứa dữ liệu cá nhân.

          Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm là áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản nêu trên; chỉ định bộ phận có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ định nhân sự phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trao đổi thông tin về bộ phận và cá nhân phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân với Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trường hợp bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu, bên thứ ba là cá nhân thì cần trao đổi thông tin của cá nhân thực hiện; thông báo cho chủ thể dữ liệu biết việc dữ liệu cá nhân nhạy cảm của chủ thể dữ liệu được xử lý, trừ một số trường hợp quy định.

          Tại Điều 17 của Nghị định đã quy định các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu như sau: Trong trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này.

          Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật. Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật. Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

          Theo Nghị định, cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cập nhật thông tin, tình hình bảo vệ dữ liệu cá nhân; tiếp nhận thông tin, hồ sơ, dữ liệu về hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân qua không gian mạng; cung cấp thông tin về kết quả đánh giá công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, Cổng thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân tiếp nhận thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cảnh báo, phối hợp cảnh báo về nguy cơ, hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện hoạt động khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân./.

Phạm Ngân - Phòng Tư pháp
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên