Bài học kinh nghiệm trong chống dịch tả lợn Châu Phi ở xã Chà Tở
Thời gian đăng: 18/10/2019 08:41:57 PM

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Pồ còn 5/15 xã có dịch tả lợn Châu Phi. Các địa phương đã và đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng và chống lại dịch bệnh này. Trong số đó, xã Chà Tở là xã đầu tiên xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, diễn biến chống lại dịch bệnh này trên đàn lợn ở Chà Tở đã để lại một bài học kinh nghiệm quý giá cần được các địa phương trên địa bàn huyện cân nhắc, xem xét trong quá trình phòng, chống lại dịch tả lợn Châu Phi.

Chà Tở tái lại dịch do đâu?

Đầu tháng 9, Gia đình ông Lò Văn Phá, ở bản Nà Pẩu, xã Chà Tở đang nuôi 21 con lợn thì có 3 con bỏ ăn, có dấu hiệu khác thường. Gia đình cũng kịp thời báo lên xã, sau khi lấy mẫu kiểm tra đã kết luận nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Thế nhưng vì tiếc của, nên gia đình ông chỉ tiêu hủy 3 con bị ốm thay vì tiêu hủy cả đàn. Ông Phá kể lại: Tiếc của lắm chứ, ừ thì 3 con bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi thì mình nghe theo cán bộ xã thì tiêu hủy, nhưng mấy con còn lại thấy vẫn khỏe mạnh bình thường thì sao mình cho tiêu hủy được. Tiếc lắm nên để lại nuôi. Nhưng chỉ 4, 5 hôm sau con nào con đấy lần lượt ốm hết, chết hết sạch. Gia đình nhờ anh em họ hàng tự đem chôn. Qua đây mới thấy bệnh này dễ lây lan, có giữ lại cũng khó mà tránh được bệnh nếu mình không biết cách chống lại bệnh.

15image001.jpg

Gia đình Ông Phá nuôi Gà chờ hết dịch vì chưa dám tái đàn

Tiếc của nên không tiêu hủy hết số đàn lợn có trong chuồng khi có con bị nhiễm bệnh, cùng với đó là khâu vệ sinh chuồng trại, tiêu hủy, tiêu độc khử trùng của các hộ chăn nuôi còn khá lỏng lẻo, được cho là một trong nguyên nhân  dẫn đến dịch tả lợn Châu Phi bùng phát lại trên địa bàn xã Chà Tở. Theo thông tin từ UBND xã, giữa tháng 5 Chà Tở bùng phát ổ dịch tả Châu Phi đầu tiên, tuy nhiên công tác chống dịch khẩn trương lại được sự đồng tình ủng hộ của các hộ chăn nuôi nên dịch tạm lắng xuống rất nhanh. Đủ thời gian quy định xã đã công bố hết dịch. Đáng buồn là vào giữa tháng 8, dịch tả lợn Châu Phi tái phát lại ở địa phương này, và hiện nay đang có nguy cơ khó khống chế, bởi ý thức, trách nhiệm của các hộ chăn nuôi có phần buông lỏng.Ông Tao Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Chà Tở cho biết thêm: Trong đợt 2 này dịch tái phát lại thì người dân có phần lơ là trong công tác phòng chống dịch. Có một bộ phận người dân còn xem nhẹ dịch bệnh, với tâm lý tiếc của nên họ tự giết mổ lợn và khi thăm thân qua lại còn biếu xén thịt tươi… nên rất khó kiểm soát. Bởi vậy nên dịch bùng phát trở lại. Hiện nay, xã vẫn đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như các biện pháp, giải pháp thú y để kiểm soát dịch.

15image002.jpg

Tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đúng quy trình để tránh lây lan dịch trên diện rộng

Từ giữa tháng 5/2019, trên địa bàn huyện Nậm Pồ xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên và dịch đã lây lan trên diện rộng với 10/15 xã có dịch, tổng trọng lượng phải tiêu hủy là trên 75 tấn. Hiện nay, 5/10 xã đã công bố hết dịch, các xã còn lại vẫn đang nỗ lực chống dịch. Thế nhưng, việc tái lại dịch ở xã Chà Tở là một hồi chuông cảnh báo, để các địa phương cần thận trọng hơn tránh tình trạng dịch tái đi tái lại gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.

Nuôi Lợn trong vùng có dịch có khó không?

Một vấn đề đáng chú ý là, ngay tại bản Nà Pẩu, xã Chà Tở nằm trong vùng dịch tả lợn Châu Phi vẫn tồn tại một trang trại nuôi lợn với quy mô hàng trăm con. Câu hỏi đặt ra là, tại sao hộ chăn nuôi này vẫn nuôi được đàn lợn phát triển tốt suốt 5 tháng nay trên địa bàn có dịch? Qua tìm hiểu, ông Lò Văn Đoàn, chủ trang trại cho biết chỉ cần làm tốt khâu tiêu độc khử trùng và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn là có thể chống lại được dịch.Ông Đoàn chia sẻ:  Điều quan trọng nhất là công tác tiêu độc khử trùng, quy trình này gia đình tôi thực hiện đều đặn hàng ngày theo chuỗi là: làm sạch chuồng trại bằng nước, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại. Đồng thời cho lợn ăn đảm bảo dinh dưỡng. Gia đình cũng cho ăn thêm một số chế phẩm thú y tăng sức đề kháng cho con lợn.  

15image003.jpg

Một số sản phẩm gia đình ông Đoàn dùng để tiêu độc khử trùng và tăng sức đề kháng cho đàn lợn

15image004.jpg

Quy trình làm sạch và khử trùng chuồng trại được hộ chăn nuôi Lò Văn Đoàn thực hiện mỗi ngày

Qua ghi nhận tại xã Chà Tở cho thấy: Dịch tả lợn Châu Phi hoàn toàn có thể phòng được, hộ chăn nuôi Lò Văn Đoàn là một minh chứng điển hình. Và để phòng cũng như chống lại dịch tả lợn Châu Phi thì ngoài cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc thì rõ ràng phụ thuộc một phần nữa vào ý thức, trách nhiệm của các hộ chăn nuôi. Nếu người dân, hộ chăn nuôi không tuân thủ được việc tiêu hủy lợn nhiễm bệnh hay vận chuyển, giết mổ lợn nhiễm bệnh, công tác tiêu độc khử trùng lơ là…thì nguy cơ tái dịch ở các địa phương là rất lớn, thậm chí dịch còn có nguy cơ lây lan trên diện rộng hơn./.

 

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên