Báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân huyện khóa II, nhiệm kỳ 2016-2021
Thời gian đăng: 14/12/2018 04:37:49 PM

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7,

Hội đồng nhân dân huyện khóa II, nhiệm kỳ 2016-2021

Thực hiện ý kiến của Thường trực HĐND huyện tại báo cáo số 151/BC-HĐND ngày 28/11/2018 về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân huyện khóa II, nhiệm kỳ 2016-2021;

UBND huyện tổng hợp báo cáo kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri như sau:

1. Lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y

1.1. Nông nghiệp

- Ý kiến 1: Cử tri bản Chiềng Nưa I+II+Tân Lập và Tân Phong I+II xã Si Pa Phìn đề nghị UBND huyện hỗ trợ giống lúa Nhị Hương và giống ngô Bioseed cho bà con Nhân dân.

Trả lời: Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2018/QĐ-TTg ngày 06/6/2018 về việc bãi bỏ Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày ngày 07/8/2009 về thực hiện hỗ trợ giống và muối.

Hiện tại không có chính sách nào được hỗ trợ giống lúa, ngô trên địa bàn huyện.

- Ý kiến 2: Cử tri Thào A Lù – Bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ: Đề nghị huyện cử đoàn cán bộ xuống cơ sở để nghiên cứu giống cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của bản để trồng với quy mô hàng hóa.

Trả lời: Năm 2017, 2018 phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã đưa một số giống cây ăn quả vào trồng thử nghiệm tại gia đình ông Hồ Chử Dung để đánh giá mức độ phát triển và có phù hợp không nếu phù hợp sẽ nhân rộng mô hình. Tuy nhiên qua kiểm tra, đánh giá thấy rất chậm phát triển, để triển khai trồng thành hàng hoá thì rất khó khăn, không có khả năng mở rộng.

- Ý kiến 3: Cử tri bản Huổi Tang, xã Nậm Tin đề nghị hỗ trợ giống cây Xạ Đen, Xoài, Vải.

Trả lời: Cây Xạ Đen rất dễ trồng nhưng khâu chăm sóc và bảo vệ rất khó thường hay bị sâu bệnh và dệp sáp rất khó chăm sóc. Nếu nhân rộng mô hình này không có thị trường bao tiêu sản phẩm. Cây Xoài, Vải nếu bà con nhân dân có nhu cầu trồng thì đề nghị bà con nhân dân trồng gốc ghép trước sau đó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện và Trạm khuyến nông – khuyến ngư huyện sẽ cử cán bộ xuống ghép cải tạo cho bà con nhân dân.

1.2. Lâm nghiệp

- Ý kiến 4: Cử tri bản Huổi Quang xã Pa Tần: Diện tích rừng giao cho cộng đồng bản năm 2018 là gần 562 ha giảm so với diện tích năm 2017 gần 30 ha. Đề nghị giải thích tại sao diện tích rừng giao bị giảm. Đồng thời cử cán bộ xuống chỉ rõ ranh giới giữa rừng và nương để dân không vi phạm khi canh tác.

Trả lời: Theo Quyết định số 810/QĐ-UBND ngày 24/5/2018 của UBND huyện Nậm Pồ thì diện tích rừng giao cho bản Huổi Quang là 589,7ha.

Tuy nhiên, qua kiểm tra rà soát nghiệm thu chi trả dịch vụ môi trường rừng của bản Huổi Quang, Căn cứ vào Thông tư số 34/2009/TT- BNNPTNT quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng. Tổ nghiệm thu rừng đã kiểm tra rà soát toàn bộ số diện tích rừng bản Huổi Quang quản lý, trong đó có 27,39 ha diện tích rừng chưa đủ điều kiện chi trả DVMTR. Lý do mực độ cây rừng còn thưa, do người dân khai thác gỗ làm nhà, củi đốt, trâu, bò phá, tác động vào rừng trong thời gian qua. Đề nghị bản Huổi Quang tăng cường QLBV, không được khai thác gỗ, thả trâu bò vào diện tích rừng này. Khi rừng phục hồi đạt trạng thái thì tiến hành nghiệm thu chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới. Còn lại số diện tích 562,31 ha đủ điều kiện đã chi trả DVMTR theo quy định.

Về chỉ rừng tại thực địa của bản Huổi Quang, sau khi giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân bản Huổi Quang, UBND huyện đã giao cho Hạt Kiểm Lâm, phòng TN-MT phối hợp UBND xã, đơn vị tư vấn chỉ rừng tại thực địa. Ngày 25/4/2018 Hạt Kiểm Lâm đã chủ trì phối hợp phòng TN-MT, UBND xã Pa Tần và đại diện 4 hộ trong bản Huổi Quang cùng tổ công tác đi chỉ và nhận rừng tại thực địa. Tuy nhiên số người dân biết rừng ở đây còn ít, UBND huyện giao Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp phòng Tài ngugên – Môi trường huyện, đơn vị tư vấn, UBND xã tiếp tục chỉ rừng tại thực địa cho các hộ dân còn lại.

- Ý kiến 5: Cử tri Cứ A Di - Trưởng bản Nậm Pồ Con xã Nà Khoa đề nghị xem xét làm rõ cho nhân dân bản biết tại sao diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng tại bản bị giảm cụ thể:

+ Tổng diện tích trên Giấy chứng nhận: 203,81 ha.

+ Được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ 24/01/2014 đến 28/01/2016: 203,81 ha.

+ Từ 23/6/2016 đến 03/8/2017 được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là: 196,51 ha (giảm 7,3ha).

+ Ngày 25/4/2018 nhận chi trả: Thanh toán năm 2017: 193,91 ha (đã tạm ứng lần 1 là: 196,51 ha) giảm so với năm 2014-2016: 9,9 ha.

+ Ngày 24/10/2018 nhận tạm ứng: 201,13 ha (tăng so với 2017: 7,2 ha).

Trả lời: Ý kiến cử tri bản Nậm Pồ Con diện tích rừng chi trả DVMTR của bản từ năm 2014 đến năm 2017 giảm 9,9 ha nguyên nhân như sau:

- Diện tích rừng năm 2011 đến năm 2014 là: 203,81 ha

- Đến năm 2015 – 2016 diện tích rừng là: 196,51 ha, giảm 7,3 ha do quá trình kiểm kê số diện tích rừng trên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

- Đến năm 2017 diện tích rừng của bản là: 193,91 ha, giảm 2,6 ha do phá rừng trái pháp luật Tại Tiểu khu 438, khoảnh 18 lô b, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ đã lập hồ sơ khởi tố ông Thào A Phổng bản Nậm Pồ Con, xã Nà Khoa.

- Ý kiến 6: Cử tri Giàng Quán Phong - bản Huổi Lụ 1 xã Nà Khoa: Đề nghị UBND huyện xem lại Quyết định giao rừng từ tháng 01/2018 đến nay dân vẫn chưa nhận được, chưa giao rừng cho cộng đồng bản quản lý.

Trả lời: Theo Công văn số 281/TB-TNMT ngày 21/11/2018 của Phòng tài nguyên và Môi trường huyện, thông báo diện tích rừng rà soát bổ sung trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Đối với bản Huổi Lụ 1 đã được rà soát diện tích giao rừng bổ sung là 26,7 ha, tại tiểu khu 470A, khoảnh 5, lô b6, loại rừng sản xuất hiện nay vẫn đang chưa có Quyết định giao cho bản và chưa được hưởng DVMTR. Lý do đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Ý kiến 7: Cử tri Giàng A Pha - Công an huyện cắm xã Nà Khoa: Qua thu thập thông tin tại nhóm chăn nuôi nhân dân có ý kiến nhân dân bản chăn nuôi đã gửi đơn 5 cơ quan chức năng đến nay vẫn chưa được giải quyết (Nội dung đơn: Diện tích nương của 14 hộ dân đưa vào quy hoạch diện tích rừng, khi đo đạc không mời 14 hộ tham gia). Nếu không giải quyết 14 hộ dân tiếp tục làm nương vào diện tích đã khoanh nuôi rừng vì dân không có đất làm nương.

Trả lời:

Ngày 28/11/2018 Tổ công tác của huyện đã giải quyết xong, hiện tại 14 hộ dân không còn ý kiến.

- Ý kiến 8: Cử tri Vàng A Di - bản Huổi Hâu xã Nà Khoa: Đề nghị UBND huyện xem xét lại năm 2011-2012 giao nhầm diện tích rừng của bản Huổi Hâu cho bản Huổi Đáp quản lý (Giao cho cộng đồng bản). Đề nghị giao lại diện tích rừng của bản Huổi Hâu lại cho bản Huổi Hâu quản lý.

Trả lời: Ủy ban nhân dân huyện xin được tiếp thu, yêu cầu UBND xã Nà Khoa kiểm tra, xác minh cụ thể báo cáo bằng văn bản gửi về UBND huyện xem xét giải quyết.

- Ý kiến 9: Cử tri Thào A Trinh - Trưởng bản Nậm Nhừ con xã Nà Khoa: Tôi không nhất trí với ý kiến trả lời của hạt kiểm lâm huyện tại văn bản số 148/CV-KL ngày 01/10/2018, có 03 biên bản có chữ ký của tôi nhưng hôm làm việc chỉ đưa ra 01 biên bản có chữ ký của tôi còn 02 biên bản không phải chữ ký của tôi không đưa ra. Mà biên bản này của năm 2013 tôi đến tháng 4/2014 mới được làm trưởng bản. Thực tế UBND xã cũng đã đưa danh sách hưởng phụ cấp trưởng bản của tôi là từ tháng 4/2014 cho Đ/c Hạng Nhè Ly - Phó chủ tịch UBND huyện xem. Ngoài ra còn một số văn bản giao đất giao rừng của năm 2016 làm nhưng nội dung là của năm 2013, lúc đưa tôi ký trời đã tối, tôi không được đọc được hết nội dung.

Trả lời:Khi UBND huyện nhận được đơn đề nghị ông Thào A Trinh, UBND huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra, xác minh đơn đề nghị của ông Thào A Trinh, qua kiểm tra xác minh tổ công tác đã có Báo cáo số 97/BC-KL ngày 4/6/2018, tuy nhiên ông Thào A Trinh vẫn chưa đồng ý với cách giải quyết của tổ công tác. Ngày 24/7/2018 UBND huyện đã phân công đồng chí Hạng Nhè Ly – Phó Chủ tịch UBND huyện cùng với đại diện cấp ủy, chính quyền xã Nà Khoa, phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện và đơn vị tư vấn giao đất, giao rừng đến bản Nậm Nhừ Con tổ chức họp bản và đối thoại trực tiếp với người dân. Tại buổi làm việc nhiều người dân trong bản đã thừa nhận đã có đơn vị tư vấn, các cơ quan chuyên môn và chính quyền xã đã tổ chức họp dân triển khai giao đất, giao rừng và đã cùng đơn vị tư vấn chỉ, nhận bàn giao rừng tại thực địa.

Về liên quan chữ ký của ông Thào A Trinh, qua kiểm tra thực tế tại các biên bản, văn bản liên quan và ý kiến tại cuộc họp bản Nậm Nhừ con, ông Thào A Trinh đã thừa nhận là chữ ký của mình, tuy nhiên có một biên bản do người lập biên bản ghi sai năm, tại cuộc họp đó đơn vị tư vấn Trung tâm quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Điện Biên đã xin lỗi ngay tại cuộc họp và đã được người dân và ông Trinh đồng ý, không còn ý kiến. Nội dung cụ thể UBND huyện đã có Thông báo Kết luận giải quyết số 66/TB-UBND ngày 22/8/2018 về kết quả giải quyết đơn khiếu nại của nhân dân bản Nậm Nhừ Con.

Nguyên nhân chính dẫn đến đơn thư đề nghị của bản Nậm Nhừ Con cũng như kiến nghị của ông Thào A Trinh do năm 2017 một số hộ dân phá rừng làm nương rẫy bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm, khởi tố. Năm 2018 tiếp tục vi phạm các cơ quan Kiểm lâm, Công an huyện, UBND xã ngăn chặn, xử lý cho nên một số hộ dân lấy lý do là chưa được triển khai giao đất, giao rừng, không biết rừng ở đâu, coi như không biết là không có tội để chống lại cơ quan chức năng, đồng thời đằng sau đó có người kích động, xúi giục...

- Ý kiến 10: Cử tri Thào A Phứ - bản Nậm Nhừ 3 xã Nậm Nhừ: Khu rừng bảo vệ từ mốc 42 đến mốc 44 trước đây năm 1995 bản Nậm Nhừ 3 quản lý. Hiện nay diện tích này giao lại một ít cho bản Nậm Chua 1 và bản Nậm Nhừ 1 quản lý. Bản Nậm Nhừ 3 đề nghị: Giao lại diện tích rừng cho bản Nậm Nhừ 3 quản lý như trước; chỉ rõ ranh giới đất rừng, có cột mốc xác định ranh giới đất rừng của từng bản để nhân dân trong bản biết bảo vệ.

Trả lời: Nội dung này Ủy ban nhân dân huyện xin được tiếp thu và chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng UBND xã Nậm Nhừ và 3 bản xem xét cụ thể để giải quyết trong thời gian sớm nhất.

1.3. Chăn nuôi, thú y

- Ý kiến 11: Cử tri bản Huổi Tang, xã Nậm Tin đề nghị hỗ trợ làm chuồng trại chăn nuôi gia súc.

Trả lời: Việc làm chuồng trại không tốn kém nhiều, trước mắt đề nghị bà con nhân dân tự bố trí quỹ đất, kinh phí để làm chuồng trại để đảm bảo vệ sinh, môi trường, hạn chế dịch bệnh.

- Ý kiến 12: Cử tri Giàng A Sử - Trưởng bản Lai Khoang xã Nà Hỳ, Cử tri Giàng Seo Lẻng - bản Huổi Lụ 1 xã Nà Khoa đề nghị xem xét việc hỗ trợ trâu, bò, dê cho nhân dân đo trọng lượng thì đủ nhưng nhận trâu bò về không biết ăn cỏ (Trâu, bò bé) giá cao. Đề nghị nếu được hỗ trợ đưa tiền trực tiếp cho người dân tự mua nhà nước kiểm tra, giám sát.

Trả lời: Yêu cầu Chủ tịch UBND xã Nà Hỳ và UBND xã Nà Khoa trả lời ý kiến, kiến nghị cho cử tri.

Trong quyết định Phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của UBND huyện là hỗ trợ tiền trực tiếp cho các hộ tham gia dự án.

- Ý kiến 13: Cử tri Lèng Văn Xương - Chủ tịch UBND xã Nậm Chua: Kiến nghị các Chương trình hỗ trợ sản xuất vật nuôi không được người dân đồng tình ủng hộ, hiệu quả không cao đề nghị Nhà nước chuyển nguồn vốn đầu tư sang các chương trình xây dựng khác như làm đường, trường học...

Trả lời: Yêu cầu UBND xã Nậm Chua kiểm tra lại quy trình thực hiện của dự án từ khâu khảo sát nhu cầu, bình xét đối tượng thụ hưởng tại các bản. Nếu bà con nhân dân không có nhu cầu hỗ trợ thì không xây dựng dự án; các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất này không được giúp chuyển đổi được sang triển khai công trình xây dựng khác.

- Ý kiến 14: Cử tri Giàng Quán Phong - Trưởng bản Huổi Lụ 1 xã Nà Khoa: Đề nghị UBND huyện xem xét gia đình được nhận hỗ trợ 01 con trâu dự án chương trình NTM nhưng đã bị chết trong thời gian bảo hành, gia đình đã có ý kiến với UBND xã nhưng đến giờ vẫn chưa được nhận trâu (Trâu chết đã được 04 tháng).

Trả lời: Yêu cầu UBND xã Nà Khoa có trách nhiệm kiểm tra và trả lời cho ông Giàng Quán Phong được biết.

2. Lĩnh vực Giao thông, Xây dựng, Thủy lợi.

2.1. Giao thông:

- Ý kiến 15: Cử tri bản Nậm Chua xã Chà Tở: Đề nghị sửa chữa cầu qua suối Nậm Chua, vì mùa mưa lũ lớn đã làm hư hỏng nặng, hiện tại xe máy đi lại hết sức khó khăn.

Trả lời: UBND huyệnGiao phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện phối hợp cùng với xã Chà Tở kiểm tra cụ thể, tham mưu phương án sửa chữa.

- Ý kiến 16: Cử tri Trường Mầm Non Phìn Hồ, xã Phìn Hồ: Đề nghị UBND huyện kiến nghị với Sở giao thông vận tải đặt biển báo cảnh báo nguy hiểm và gờ giảm tốc tại khu vực điểm Trường bản Chăn Nuôi.

Trả lời: Ý kiến của cử tri từ những kỳ họp trước, UBND huyện đã 02 lần có văn bản đề nghị với Sở Giao thông vận tải về việc này, đến nay Sở Giao thông vận tải đang thực hiện nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 4h và trong dự án đã có cọc tiêu, biển báo, tuy nhiên khi dự án thi công xong mà những vị trí nguy hiểm chưa được cắm biển báo thì UBND huyện tiếp tục đề nghị với Sở Giao thông vận tải tỉnh bổ sung.

- Ý kiến 17, 19: Cử tri Giàng A Chớ - bản Nậm Chua 4 xã Nậm Chua: Kiến nghị huyện yêu cầu doanh nghiệp Đại Phong đổ đất, cấp phối vào hai bên đầu cầu khu gần bản do xe của doanh nghiệp đi lại làm lầy lội gây làm ảnh hưởng đến việc đi lại của Nhân dân; Cử tri Giàng A Chư - Công an viên bản Hui Dạo xã Vàng Đán: Đề nghị sửa chữa lại tuyến đường vào bản do mùa mưa vừa qua bị sạt lở gây ảnh hưởng việc sản xuất, đi lại của bà con.

Trả lời: Việc sửa chữa, đảm bảo giao thông 02 tuyến đường như cử tri đề nghị, UBND huyện đã có kế hoạch đảm bảo giao thông và hết tháng 12 đơn vị thi công sẽ thực hiện xong.

- Ý kiến 18, 20: Cử tri Mùa Chớ Sùng - Chủ tịch UBND xã Vàng Đán đề nghị xem xét nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đường Huổi Khương - Bản Nương; Cử tri bản Huổi Quang xã Pa Tần: Đề nghị huyện xem xét phương án mở đường vào bản Huổi Quang. Theo ý kiến của dân bản nên mở theo con đường mòn cũ dân đang đi và có thể thiết kế theo sường đồi thay vì đi qua suối như hiện nay để thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán và sản xuất của dân bản.

Trả lời: Đối với tuyến đường vào bản Huổi Khương, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh bổ sung vào giai đoạn 2016-2020 làm đường bê tông, tuyến đường Huổi Khương – Bản Nươngvà tuyến đường vào bản Huổi Quang giai đoạn này chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, UBND huyện ghi nhận ý kiến của nhân dân và sẽ đưa vào danh mục trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư thực hiện.

2.2. Đầu tư, xây dựng:

- Ý kiến 21: Cử tri Mùa Chớ Thào - Phó chủ tịch HĐND xã Nà Bủng đề nghị sớm hoàn thiện công trình trường lp học tại Bản Nương và trường trung tâm (trường tiểu học), công trình đã xây xong phần thô nhưng thời gian dài vừa qua Doanh nghiệp không tiếp tục thi công dẫn đến công trình xuống cấp nghiêm trọng gây nguy him cho các em học sinh.

Trả lời: Công trình Nhà lớp học các Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng, Vàng Đán hiện đang trong quá trình thi công xây dựng và hiện tại chưa có hạng mục công việc, kết cấu xây dựng nào xuống cấp gây nguy hiểm cho các em học sinh. Nếu phát hiện kết cấu xây dựng nào xuống cấp, chủ đầu tư sẽ yêu cầu nhà thầu phá bỏ và thực hiện thi công lại để đảm bảo an toàn cho công trình trong quá trình khai thác sử dụng.

Thời gian thi công xây dựng công trình bị gián đoạn do chủ đầu tư xin ý kiến UBND tỉnh cho điều chỉnh chủ trương từ quét vôi ve sang sơn để nâng cao tính thẩm mỹ của công trình cũng như thuận tiện cho công tác vệ sinh sau khi đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Hiện tại, UBND tỉnh đã cho chủ trương điều chỉnh, do vậy trong thời gian tới chủ đầu tư sẽ sớm hoàn thiện công trình để bàn giao đưa vào sử dụng.

- Ý kiến 22: Cử tri Cháng A Dè– Chủ tịch UBND xã Nà Bủng đề nghị sớm đầu tư xây Nhà văn hóa xã. Các công trình đã ghi danh mục trong đầu tư công trung và dài hạn trên địa bàn xã, đề ngh sớm triển khai thực hiện đầu tư để kịp theo Kế hoạch đầu tư công.

Trả lời: Việc đầu tư xây dựng Nhà văn hóa và các công trình khác là cần thiết, tuy nhiên kế hoạch vốn của huyện phụ thuộc vào nguồn vốn của TW cấp hàng năm. Theo Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 từ nay đến 2020 xã Nà Bủng không có danh mục dự án nào được đầu tư. Đối với kiến nghị của xã huyện xin ghi nhận đưa vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025.

- Ý kiến 23: Cử tri Lý A Sử - Trưởng bản Vàng Đán xã Vàng Đán đề nghị sớm xây dựng điểm trường Mầm non cho bản.

Trả lời: Về nội dung kiến nghị của cử tri, UBND huyện giao Phòng giáo dục và đào tạo tổng hợp danh mục vào giai đoạn 2021-2025 để đầu tư thực hiện.

- Ý kiến 24: Cử tri Lù Văn Hợi - Bí Thư Đảng ủy xã Vàng Đán đề nghị sớm triển, khai xây dựng trụ sở UBND xã.

Trả lời: Danh mục dự án Trụ sở xã Vàng Đán đã được phê duyệt tại Quyết định 1228/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 của UBND tỉnh Điện Biên, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện không phù hợp với nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM nên không thực hiện được, UBND huyện đã có Báo cáo số 305/BC-UBND ngày 11/10/2018 đề nghị bổ sung vào nguồn vốn dự phòng vốn cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2019-2020. Sau khi có danh mục được chấp thuận, UBND huyện sẽ tiến hành đầu tư dự án trên.

- Ý kiến 25:Cử tri Mùa A Chùa - Trưởng bản Ham Xoong 2 xã Vàng Đán đề nghị sớm làm đường bê tông xuống bản do mùa mưa đường vào bản không đi lại được.

Trả lời: Hiện nay, tuyến đường vào bản Ham Xoong 1,2 đã được đầu tư bằng nguồn vốn Chương trình 135 với tổng mức đầu tư là 4,5 tỷ đồng do BQLDA các công trình huyện làm Chủ đầu tư. BQLDA các công trình huyện và nhà thầu đang tiến hành thi công phần nền đường, phần đường bê tông của dự án dự kiến sẽ hoàn thiện trước 30/6/2019.

- Ý kiến 26:Cử tri Mùa Chớ Sùng - Chủ tịch UBND xã Vàng Đán đề nghị sớm đầu tư đường Bê tông nội bản Ham Xoong 2; Đề nghị sớm đầu tư nhà văn hóa bản cho 6 bản còn lại của xã.

Trả lời: Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn xã Vàng Đán được đầu tư nhà văn hóa các bản Ham Xoong 1, 2, các bản còn lại UBND huyện sẽ bố trí đầu tư giai đoạn 2021-2025. Để đầu tư các dự án vào giai đoạn sau UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND xã Vàng Đán thực hiện theo đúng quy trình Luật Đầu tư công và các Văn bản hướng dẫn gửi UBND huyện tổng hợp theo quy định.

- Ý kiến 27: Cử tri Thào A Lang - Trưởng bản Nà Bủng 2 xã Nà Bủng: Đề nghị sớm đầu tư xây dựng đường Bê tông nội bản để thuận tiện cho việc đi lại của bà con.

Trả lời: Dự án Đường Nà Bủng (Nà Bủng 1,2) – Nậm Tắt 1,2 với tổng chiều dài khoảng 4,5km được UBND tỉnh giao danh mục tại Quyết định 1051/QĐ-UBND ngày 9/11/2018 và dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2019-2020.

- Ý kiến 28: Cử tri Giàng A Giáo - Trưởng bản Huổi Hoi xã Nà Hỳ đề nghị Nhà nước quan tâm sớm làm đường bê tông vào bản

Trả lời: Dự án Đường vào bản Huổi Hoi xã Nà Hỳ được phê duyệt danh mục tại Quyết định 1228/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 của UBND tỉnh Điện Biên. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật và dự kiến khởi công mới năm 2019.

- Ý kiến 29: Cử tri Tẩn Kim Sơn - Trưởng bản Sín Chải 1 xã Nà Hỳ đề nghị sớm xây dựng cầu vào bản.

Trả lời: Việc đầu tư xây dựng cầu vào bản đã được Tổng cục đường bộ Việt Nam phê duyệt đầu tư dự kiến vào năm 2019, để việc đầu tư cầu thuận lợi yêu cầu UBND xã Nà Hỳ, Nhân dân bản Sín Chải chuẩn bị mặt bằng để thi công được thuận lợi.

- Ý kiến 30: Cử tri bản Nậm Pang, xã Nậm Khăn đề nghị xây dựng cầu qua suối Nậm Pang. Khi mùa mưa đến con suối này rất to nhân dân không đi lại được.

Trả lời: Tuyến đường vào bản Nậm Pang xã Nậm Khăn đã được UBND huyện Nậm Pồ bổ sung danh mục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và thực hiện đầu tư năm 2020.

- Ý kiến 31: Cử tri Giàng A Chớ - bản Nậm Chua 4 xã Nậm Chua đề nghị làm cầu qua suối của bản, xây nhà văn hóa bản.

Trả lời: Ngày 14/11/2017 UBND huyện đã có văn bản số 1218/UBND-KTHT gửi UBND các xã về việc tiếp tục rà soát bổ sung thêm vị trí cần đầu tư xây dựng cầu dân sinh vào Dự án (LRALP), đến thời điểm báo cáo UBND xã Nậm Chua không có đề xuất đầu tư vị trí cầu tại bản nêu trên. UBND huyện ghi nhận ý kiến của nhân dân và sẽ rà soát đưa vào danh mục trung hạn giai đoạn 2021-2025 để xem xét đầu tư thực hiện.

- Ý kiến 32,33: Cử tri các bản Lai Khoang, Sín Chải 1, Sín Chải 2 xã Nà Hỳ ý kiến: Xây dựng nhà văn hóa cho bản; Cử tri Tao Văn Phóng - Bí thư Chi bộ bản Nà Hỳ 1 xã Nà Hỳ kiến nghị: Nhà văn hóa của bản đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn không thấy Nhà nước đầu tư.

Trả lời: Nhà Văn hóa bản Nậm Chua 4 và Sín Chải 1 được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư và khởi công mới vào năm 2019. Nhà văn hóa các bản Lai Khoang, Sam Lang, Sín Chải 2, UBND huyện dự kiến sẽ đưa vào danh mục giai đoạn 2021-2025 để đầu tư thực hiện.

- Ý kiến 34: Cử tri Lý Hồng Chu - Trưởng bản Huổi Lụ 2 xã Nậm Nhừ: Mở tuyến đường Huổi lụ 2 ra trung tâm huyện, trong hồ sơ thiết kế không có khai thác đá nhưng hiện tại Doanh nghiệp Hải Lộc Khai thác đá tại bản (trên tuyến đường cũ để làm tuyến mới). Đề nghị UBND huyện xem xét giải quyết.

Trả lời: Công trình Đường Huổi Hâu - Huổi Lụ 2 xã Nà Khoa (nay là đường Huổi Hâu xã Nà Khoa - Huổi Lụ 2 xã Nậm Nhừ) do Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Hải Lộc thi công. Để vận chuyển máy móc, trang thiết bị thi công, nguyên vật liệu vào công trường phải tiến hành sửa chữa các vị trí hư hỏng, lầy lội trên tuyến đường vào bản Huổi Lụ 2 (công trình đã đầu tư xây dựng năm 2014). Quá trình sửa chữa đường vào cần tiến hành hót các vị trí sạt lở và lấp các vị trí sình lầy bằng đá hộc. Do đó Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Hải Lộc tận dụng các tảng đá trên tuyến đường Huổi Lụ 2, các vị trí này có nguy cơ sạt lở tiến hành phá vỡ để sửa chữa đường vào công trường cũng như đảm bảo cho việc đi lại an toàn và thuận tiện của nhân dân. Kinh phí sửa chữa đường cũ do Công ty tự thực hiện và hiện nay Công ty Hải Lộc đã không khai thác nữa.

- Ý kiến 35: Cử tri Thào A Phứ - bản Nậm Nhừ 3 xã Nậm Nhừ:

+ Ý kiến thứ nhất: Đường giao thông bê tông nội bản Nậm Nhừ 3: Đường giao thông nông thôn đang làm trên đất của bản, công dân của bản có quyền được giám sát (công trình nhà nước nhân dân cùng làm). Nhưng khi làm thủ tục hiến đất Chủ đầu tư cho nhân dân ký đơn hiến đất thì không có quyết định thu hồi đất của các hộ dân, không có cơ sở dân không ký, đề nghị phải có cơ sở dân mới ký. Tới đây sắp triển khai xây trường Mầm non, trong quá trình thu hồi đất của Nhân dân, các cấp chính quyền cần lưu ý, phải có quyết định thu hồi, dân mới ký cho xây dựng.

Trả lời: Công trình Đường bê tông bản Nậm Nhừ 3 do nhân dân hiến đất đầu tư xây dựng mà không có chi phí GPMB. Để tiến hành thu hồi đất phải thực hiện công tác đo đạc, xác định chủ sử dụng đất và ký xác nhận hiến đất đầu tư xây dựng làm cơ sở ban hành Quyết định thu hồi đất. Do đó đề nghị nhân dân ký xác nhận đơn hiến đất để UBND huyện ban hành Quyết định thu hồi.

+ Ý kiến thứ hai: Công trình (đường nông thôn bản) do Doanh nghiệp Đại Phong làm không đảm bảo kỹ thuật cụ thể: Móng cống chỉ ném đá xuống đầy sau đó đổ cát, xi măng (vữa) lên trên. Móng không đảm bảo thì công trình sẽ không bền. Hiện tại công trình đang dừng, bản không cho làm vì cống quá bé không đủ thoát nước.

Trả lời: Chủ đầu tư đã tạm dừng hạng mục thi công móng cống tại vị trí nhân dân kiến nghị để tiến hành kiểm tra. Trường hợp thi công không đảm bảo quy trình kỹ thuật, không đảm bảo chất lượng sẽ tiến hành phá dỡ và yêu cầu nhà thầu thực hiện thi công lại. Vị trí cống cử tri kiến nghị được thiết kế cống tròn D100. Theo đề nghị của cử tri, Chủ đầu tư đang tiến hành điều chỉnh thiết kế cống tại vị trí này (chuyển đổi thành cống đôi 2D100) để đảm bảo khả năng thoát nước

- Ý kiến 36: Cử tri Tráng A Chấn - Chủ tịch HĐND xã Nậm Nhừ: Doanh nghiệp Đại Phong xây dựng nhiều Công trình trên địa bàn xã nhưng không báo cáo với Thường trực 3 bên của xã. Hiện tại đang thi công 03 công trình trên địa bàn xã: Trường Mầm non Nậm Chua 1, 3 và trường tiểu học Nậm Nhừ. Đề nghị UBND huyện xem xét giải quyết.

Trả lời: Việc đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn xã Nậm Nhừ khi giao nhiệm vụ thực hiện cho Chủ đầu tư là BQLDA các công trình, UBND huyện Nậm Pồ đã gửi các văn bản cho UNND xã Nậm Nhừ để biết và Chủ đầu tư (BQLDA các công trình huyện Nậm Pồ) cũng đã phối hợp với UBND xã tiến hành họp bàn, thông nhất và thông báo nội dung thực hiện dự án, UBND xã Nậm Nhừ có trách nhiệm báo cáo Thường trực 3 bên để biết các dự án đang triển khai trên địa bàn xã. Đối với Doanh nghiệp Đại Phong khi thực hiện gói thầu thi công không có nghĩa vụ báo cáo Thường trực 3 bên mà chỉ khai báo tạm trú, tạm vắng trên địa bàn xã, trách nhiệm báo cáo Thường trực 3 bên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ.

- Ý kiến 37: Cử tri Vàng A Vảng - Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Nậm Nhừ: Trường Mầm non Nậm Chua 1, 3 có nguy cơ sạt lở, hiện tại sạt lở vào gần đến nhà lớp học đang xây. Đề nghị phải xây kè đảm bảo công trình.

Trả lời: Công trình Nhà lớp học các Trường Mầm non nậm Nhừ, Nậm Chua hiện đang trong quá trình thi công. Đối với các vị trí có nguy cơ sạt lở, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công tạm thời hót sạt để đảm bảo an toàn trước mắt. Phương án xây kè để đảm bảo lâu dài sẽ tính toán, xử lý trong thời gian sau khi công trình được bố trí vốn đầu tư.

2.3. Thủy lợi:

- Ý kiến 38: Cử tri Tao Văn Phóng - Bí thư Chi bộ bản Nà Hỳ 1 xã Nà Hỳ kiến nghị: Hộ gia đình Cường-Duyên đổ đất làm ách tác lấp một đoạn kênh mương Nà Bon, không khơi ra được, nay sắp đến mùa làm vụ Đông-Xuân. Đề nghị chính quyền các cấp xem xét có phương án đảm bảo nước kịp sản xuất vụ Đông.

Trả lời: Công trình thủy lợi Nà Bon là công trình phúc lợi và là tài sản của Nhà nước, việc phá hủy công trình nhà nước là vi phạm các quy định về hủy hoại tài sản nhà nước. Về nội dung này UBND huyện yêu cầu UBND xã Nà Hỳ phối hợp với công an xã lập biên bản ngay và yêu cầu khắc phục trước ngày 15/12/2018 để kịp thời dẫn nước tưới cho các hộ dân bản Nà Hỳ 1. Nếu hộ gia đình Cường – Duyên không tiến hành khắc phục thì UBND xã tiến hành giải quyết theo thẩm quyền quy định.

- Các ý kiến 39,49: Cử tri Giàng A Giáo - Trưởng bản Huổi Hoi xã Nà Hỳ: Đề nghị Nhà nước quan tâm: Xây kiên cố kênh mương dẫn nước vào bãi ruộng nhóm 2 để đảm bảo đủ nước tưới tiêu; Cử tri Thào A Khoa - Bản Nậm Tắt 1 xã Nà Bủng: Đề nghị đầu tư mới thủy lợi chobản.

Trả lời:UBND huyện ghi nhận ý kiến của cử tri, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện rà soát, kiểm tra và đánh giá đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn sau để thực hiện.

3. Lĩnh vực điện, nước sinh hoạt

3.1. Lĩnh vực điện:

- Ý kiến 40; 42; 44; 48: Cử tri bản Nậm Pang xã Nậm Khăn; cử tri Thào A Khoa bản Nậm Tắt xã Nà Bủng; cử tri Lù Văn Hợi – Bí thư xã Vàng Đán; cử tri Giàng A Giáo – trưởng bản Huổi Hoi xã Nà Hỳ. Đề nghị kéo điện lưới quốc gia vào bản.

Trả lời: Tất cả các bản mà cử tri kiến nghị đều chưa có trong Quyết định 802/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020. Ngày 24/5/2018 UBND huyện đã có văn bản số 539/UBND-KTHT về việc rà soát danh mục đầu tư dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia (trong văn bản huyện đã đề xuất bổ sung các bản, nhóm bản trên địa bàn huyện vào giai đoạn sau). Vì việc đầu tư lưới điện xuất đầu tư cao, do vậy để đảm bảo cân đối nguồn vốn của huyện cho việc đầu tư lưới điện là rất khó khăn. Hơn nữa, việc đầu tư lưới điện và bàn giao cho ngành điện vận hành lại phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì mới bàn giao sang cho ngành điện được. Nội dung này UBND huyện tiếp tục kiến nghị ngành điện sớm đầu tư để nhân dân có điện sinh hoạt..

- Ý kiến 41: Cử tri bản Vàng Lếch xã Nậm Tin: Hiện nay có 10 hộ của bản Vàng Lếch có tên trong danh sách dự án hỗ trợ lắp điện lưới nhưng đến nay vẫn chưa được lắp điện, đề nghị huyện sớm triển khai lắp đặt cho 10 hộ thuộc đối tượng của dự án.

Trả lời: Trạm biến áp Vàng Lếch và đường dây 0,4 kV sau trạm biến áp được xây dựng và đưa vào vận hành năm 2013 theo gói thầu W8.6 - xây lắp lưới điện các xã huyện Mường Nhé nay là các xã thuộc huyện Nậm Pồ tách ra từ huyện Mường Nhé, các hộ gia đình theo diện dự án hỗ trợ lắp đặt đã được lắp đặt đủ theo danh sách nghiệm thu đóng điện và đưa vào sử dụng.

Đến nay đã hết dự án các hộ gia đình chưa được lắp điện có nhu cầu sử dụng điện đến đăng ký với Điện lực Mường Chà, Điện lực sẽ khảo sát thực tế, tư vấn và lắp đặt cho khách hàng, và khách hàng phải chịu các chi phí phát sinh trong quá trình lắp đặt theo quy định của Điện lực.

- Các ý kiến 43,45:Cử tri Giàng A Sủ - trưởng bản Nà Bủng 1 xã Nà Bủng: Tiếp tục đ nghị đu tư, nâng cp trạm biến áp cho khu vực bản Nà Bủng 1 cho bản vì hiện nay điện rất yếu và đề nghị kéo điện lưới đến 28 hộ bên khu đồn Biên Phòng chưa có điện lưới;Cử tri Giàng A Chua - công an viên bản Huổi Khương xã Vàng Đán: Đề nghị đầu tư, nâng cấp điện cho bản và kéo điện cho nhóm 02 chưa có điện.

Trả lời: Việc xây dựng cấp điện nông thôn vùng sâu, vùng xa thuộc nguồn vốn đầu tư của UBND tỉnh Điện Biên và đã được phê duyệt tại quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Điện Biên và quyết định phê duyệt điều chỉnh số 660/QĐ-UBND ngày 08/08/2018 của UBND tỉnh Điện Biên. Điện lực Mường Chà tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ kiến nghị với Điện lực cấp trên và các cấp, các ban ngành có liên quan sớm có dự án đầu tư cấp điện phục vụ nhân dân.

- Ý kiến 46: Cử tri Tẩn Kim Sơn - Trưởng bản Sín Chải 1 xã Nà Hỳ đề nghị: Xem xét kéo dây điện vào điểm Trường Mầm non của bản.

Trả lời: Qua kiểm tra thực tế ý kiến cử tri muốn được hỗ trợ lắp điện không mất chi phí, Điện lực trả lời là đối với các điểm trường học Điện lực sẽ hỗ trợ phần nhân công lắp đặt còn nhà trường phải chịu chi phí về vật tư như (dây dẫn, cầu dao tổng, bảng điện, bóng đèn…).

- Ý kiến 47: Cử tri Tẩn A Khé - bản Sín Chải 2 xã Nà Hỳ ý kiến: Năm 2013 ngành điện có chôn cột điện vào mảnh đất của gia đình bà Chảo Mí Lù nhưng đến nay chưa thấy đền bù cho gia đình, đề nghị chính quyền xem xét giúp.

Trả lời: Năm 2013 thực hiện thi công gói thầu W 8.6 - xây lắp lưới điện các xã huyện Mường Nhé nay là các xã thuộc huyện Nậm Pồ tách ra từ huyện Mường Nhé.

Hiện trạng có 01 vị trí gồm 02 cột điện trung áp (trạm biến áp Sín Chải) nằm trong đất của bà Tẩn Mý Lù và đã được đền bù có chữ ký nhận tiền của gia đình (trong danh sách bồi thường kèm theo). Mọi vướng mắc đề nghị cư tri liên hệ qua số điện thoại: 0215.3475166 - Quầy giao dịch Nậm Pồ - Điện lực Mường Chà để được giải thích làm rõ.

3.2. Nước sinh hoạt:

- Ý kiến 50: Cử tri Cháng A Dè - Chủ tịch UBND xã Nà Bủng đề nghị xem xét lại kiến nghị của cử tri Giàng A Nng tại kỳ họp thứ 06 HĐND huyện về Đầu tư nước sinh hoạt cho bản (Danh mục đã có trong đu tư trung hạn nhưng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện trả lời chưa có trong danh mục nên không được đầu tư trong giai đoạn); đề nghị sớm đầu tư nước sinh hoạt cho bản Nậm Tắt, Nà Bủng1,3và các trường học trên địa bàn.

Trả lời: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của huyện Nậm Pồ được tỉnh giao tại Quyết định 1228/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 không có dự án nước sinh hoạt bản Nậm Tắt 1, Nà Bủng 1, 3 và các trường học trên địa bàn. Tại kỳ họp thứ 6 HĐND huyện, Phòng Tài chính – Kế hoạch đã trả lời các danh mục dự án trên để tổng hợp đưa vào đầu tư giai đoạn 2021-2025. UBND huyện Nậm Pồ đã đăng tải kế hoạch đầu tư công trên mạng nội bộ tại Quyết định 1228/QĐ-UBND ngày 11/12/2017 và cổng thông tin điện tử của huyện.

-Các ý kiến 51,52,53,54,55: Cử tri Giàng A Chư - Công an viên bản Huổi Dạo xã Vàng Đán:Đề nghị đầu tư nước sinh hoạt cho nhóm 02, 03; Cử tri bản Đề Pua, xã Phìn Hồ: Đề nghị UBND huyện bố trí nguồn kinh phí sửa chữa lại đường nước sinh hoạt cho bản. Hiện tại đường nước sinh hoạt của bản đã bị hư hỏng hoàn toàn; Cử tri Tao Văn Phóng - Bí thư Chi bộ bản Nà Hỳ 1 xã Nà Kỳ kiến nghị: Đường nước sinh hoạt của bản Nà Hỳ 1 có 3 trường học dùng chung, không đủ sinh hoạt trong khu vực. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư thêm nguồn nước sinh hoạt cho bản và các trường học; Cử tri Lý Vần Chuân-Trưởng bản Huổi Cơ Dạo xã Nà Hỳ: Kiến nghị Nhà nước quan tâm tu sửa đường nước sinh hoạt của bản, hiện nay đường nước đã xuống cấp nghiêm trọng không đáp ứng đủ nước sinh hoạt cho dân bản; Cử tri Lý Lìn Siểu - Bí thư Chi bộ bản Sín Chải 2 xã Nà Hỳ đề nghị: Sớm tu sửa lại đường nước sinh hoạt cho bản.

Trả lời: Ủy ban nhân dân huyện ghi nhận ý kiến của các cử tri, UBND huyện sẽ giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, kiểm tra và đánh giá mức độ hư hỏng từ đó đưa ra giải pháp sửa chữa để phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên việc vận hành, tu sửa thường xuyên nước sinh hoạt ở các bản do chi hội dùng nước cảu bản tu sửa, quản lý nên chi hội phải huy động người dùng nước thường xuyên tu sửa để đảm bảo có nước dùng.

4. Lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Dân số

- Ý kiến 56: Cử tri Tráng A Chống - Phó chủ tịch UBND xã Nậm Nhừ: Kinh phí vận chuyển gạo cho học sinh bán trú từ huyện đến các trường do tỉnh hay huyện thanh toán, hay do phụ huynh học sinh phải trả. Đề nghị trả lời bằng văn bản cho UBND xã để trả lời cho nhân dân có con em đi học rõ.

Nội dung này UBND huyện trả lời như sau: Theo Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg, ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định:

- Kinh phí vận chuyển gạo từ kho gạo dự trữ Quốc gia đến trung tâm huyện do đơn vị cung ứng gạo chi trả.

- Kinh phí vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến các trường học trên địa bàn huyện do nhà trường chi trả bằng nguồn ngân sách Nhà nwocs cấp trong tổng dự toán hàng năm cho các đơn vị trường (tuy nhiên thời điểm hiện tại nhiều đơn vị trường chưa có ngân sách để thanh toán cước phí vận chuyển gạo từ trung tâm huyện đến các trường do Sở Tài chính chưa cấp ngân sách).

5. Lĩnh vực Viễn thông - truyền thanh - truyền hình:

- Ý kiến 57: Cử tri Thào A Phứ - bản Nậm Nhừ 3 xã Nậm Nhừ:

+ Ý kiến thứ nhất: Đề nghị Loa phát thanh của bản phải treo ở nơi cho mọi người, mọi nhà cùng nghe. Hiện tại Cột phát sóng, loa nằm ở giữa khe nhân dân trong bản không nghe được đề nghị chuyển ra chỗ khác cho hợp lý (Trước khi chưa chuyển thì dân bản đều nghe được từ khi chuyển đến nay dân bản không nghe được). Đề nghị cấp thêm cho bản 02 loa cho bản.

Trả lời: Nhằm đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của nhân dân, trong năm 2016 huyện đã đầu tư, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống Đài truyền thanh không dây cho 8 xã biên giới của huyện, trong đó có xã Nậm Nhừ. Hiện toàn xã Nậm Nhừ có 10 điểm loa truyền thanh công cộng tại 6/6 bản và Trung tâm xã. Đối với bản Nậm Nhừ 3 có địa hình rộng, đã triển khai lắp đặt 2 điểm loa tại vị trí thuận lợi để nhân dân trong bản đều nghe được. 01 điểm tại gia đình ông Sùng A Dình và 01 điểm tại gia đình ông Vàng A Xẻng (gần nhà họp đạo). Nhưng khi tiến hành ký hợp đồng trách nhiệm quản lý thiết bị truyền thanh, gia đình ông Xẻng yêu cầu hỗ trợ tiền điện hàng tháng rất cao, cụ thể là 1.000.000 đồng/tháng. Do không thỏa thuận được giá chung như các điểm loa khác trong huyện, nên không lắp đặt. Trong tháng 5/2018, gia đình ông Sùng A Dình chuyển nhà vào trong bản, nên phải chuyển vị trí lắp đặt thiết bị truyền thanh để gia đình tiện quản lý.

Đối với đề xuất cấp thêm 2 loa truyền thanh cho bản: Ngày 29/11/2018, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện đã lắp đặt thêm 1 điểm loa truyền thanh tại Trạm Y tế xã Nậm Nhừ để nhân dân trong bản đều nghe được.

Yêu cầu UBND xã Nậm Nhừ:

- Phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện xây dựng và ban hành Quy chế hoạt động của Đài truyền thanh xã.

- Hàng năm lập dự toán hỗ trợ tiền điện loa cho các hộ gia đình quản lý thiết bị.

- Chỉ đạo công chức Văn hóa xã cộng tác tin, bài với Đài TT-TH huyện, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các điểm loa truyền thanh công cộng trên địa bàn xã, nếu có hư hỏng thiết bị, phối hợp với Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện kịp thời khắc phục.

+ Ý kiến thứ hai: Cột phát sóng Viettel được lắp đặt trên đất nương của ông Sùng A Dơ nhưng ông Dơ không nhất trí và ông Dơ đã có đơn gửi Viettel nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị UBND huyện xem xét giải quyết.

Trả lời:

Trước đây, vào năm 2012, Viettel Điện Biên đã ký hợp đồng với UBND xã Nà Khoa về việc thuê đất để triển khai Trạm phát sóng thông tin di động tại địa chỉ bản Nậm Nhừ 3 xã Nậm Nhừ (trước thuộc xã Nà Khoa) với thời gian từ ngày 01/01/2012-01/01/2017. Nay ông Sùng A Dơ muốn được ký hợp đồng trực tiếp với Viettel để hưởng tiền thuê đất do Trạm phát sóng được đặt trên đất nương của ông Dơ; Viettel đã có phương án ký hợp đồng với ông Dơ nhưng do ông Dơ đang về quê nên Viettel chưa thực hiện được.

6. Lĩnh vực chính sách

- Ý kiến 58: Cử tri Lù Văn Hợi - Bí thư Đảng ủy xã Vàng Đán:Đề nghị hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chính sách an sinh xãhội (như việc thực hiện hỗ trợ cho đối tượng thuộc các chính sách 135, 30a, NTM một lần hay nhiều lần).

Trả lời:Tại Điều 3. Điều kiện, nguyên tắc và phương thức hỗ trợ; Khoản 2. Hình thức, phương thức hỗ trợ; Mục c; Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 02/01/2018 của UBND tỉnh Điện Biên quy định: “Tùy theo yêu cầu cụ thể và căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng dự án với các nội dung: Tên dự án, loại mô hình (nếu có), thời gian triển khai (tối đa không quá 03 năm), địa bàn thực hiện, số hộ tham gia (số hộ nghèo, số hộ cận nghèo, số hộ mới thoát nghèo và số hộ không nghèo), các hoạt động của dự án, dự toán kinh phí thực hiện dự án, nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách nhà nước hỗ trợ, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn lồng ghép thực hiện các chính sách và vốn đối ứng của các hộ gia đình tham gia mô hình), dự kiến hiệu quả của dự án, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp”.

  Như vậy, tùy theo dự án được duyệt có thời gian là 1 năm hay 2 hoặc 2 năm; hết thời gian này thì có thể được xem xét hỗ trợ lại lần 2 (nếu vẫn chưa thoát nghèo). Đối với chương trình Nôgn thôn mới hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh các xã không thực hiện được thì thực hiện theo chương trình hỗ trợ giảm nghèo.

- Ý kiến 59: Cử tri Lý A Sử - Trưng bản Vàng Đán xã Vàng Đán: Phản ánh việc hỗ trợ khai hoang, phục hóa chỉ áp dụng cho hộ nghèo là không hợp lý, đề nghị xem xét lại.

Trả lời:Theo quy định tại quyết định 03/QĐ-UBND tỉnh hỗ trợ khai hoang theo nguồn 30a đối tượng hỗ trợ phải là hộ nghèo; mức hỗ trợ được 15 triệu đồng/ha.

Ngoài ra được hỗ trợ theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đất trồng lúa; mức hỗ trợ được 10 triệu/ha. Đề nghị cử tri và đại biểu HĐND phản ánh rõ không hợp lý như thế nào để UBND huyện báo cáo, đề xuất với cấp có thẩm quyền.

- Ý kiến 60: Cử tri Giàng A Hồ - trưởng bản Pá Kha xã Nà Bủng đề nghị hỗ trợ kinh phí để mở rộng sân th thao, sân chơi của bản.

Trả lời:Nội dung hỗ trợ kinh phí để mở rộng sân thể thao, sân chơi của bản, UBND huyện sẽ xem xét tổng hợp vào danh mục nhà văn hóa và sân thể thao của bản để đầu tư giai đoạn 2021-2025.

- Ý kiến 61: Cử tri Tao Văn Phóng - Bí thư Chi bộ bản Nà Hỳ 1 xã Nà Hỳ kiến nghị: Hai bản Nà Hỳ 1, Nà Hỳ 2 đã đóng góp tiền của và hiến đất làm đường nội đồng, đến nay sắp xong con đường cánh đồng Nà Bon nhưng khối lượng đầu tư quá lớn. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ thêm cho Nhân dân.

Trả lời:Việc đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn xã hội hóa là việc làm cần thiết và cần nhân rộng, thể hiện tính tự giác của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới việc đầu tư này phải xuất phát từ nhu cầu của nhân dân. Về nội dung này huyện giao cho UBND xã Nà Hỳ có trách nhiệm trả lời rõ cho nhân dân được biết trước khi thực hiện làm đường nội đồng.

- Ý kiến 62: Cử tri Giàng A Chớ - bản Nậm Chua 4 xã Nậm Chua đề nghị huyện có hình thức khen thưởng cho 3 hộ dân đã thoát nghèo của bản.

Trả lời:UBND huyện ghi nhận ý kiến của cử tri. Giao cho phòng Nội vụ phối hợp với phòng Lao động - TB&XH căn cứ văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh tham mưu cho UBND huyện văn bản hướng dẫn khen thưởng trong công tác giảm nghèo.

- Ý kiến 63: Cử tri Ma Văn Cấu - bản Huổi Lụ 1 xã Nà Khoa: Đề nghị UBND xem xét lại việc hưởng phụ cấp y tế thôn bản (tháng nào giao ban thì trạm y tế mới thanh toán phụ cấp) gia đình có việc bận không đi giao ban được thì trạm y tế không thanh toán.

Trả lời:Thông tư 07/2013/TT-BYT ngày 08/3/2013 của Bộ Y tế quy định  "tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản"  Theo quy định Y tế thôn bản phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được quy định trong thông tư trong đó có quy định "Thực hiện ghi chép, báo cáo kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của trạm y tế xã". Tuy nhiên Y tế bản Ma Văn Cấu - bản Huổi Lụ 1 xã Nà Khoa  tháng 4 và tháng 9/2018 không đi giao ban tại Trạm Y tế xã, không nộp các loại báo cáo theo quy định, Trạm Y tế xã đã thông báo nhiều lần yêu cầu Y tế bản Ma Văn Cấu nộp đủ các báo cáo để được thanh toán phụ cấp nhưng đến nay y tế bản Ma Văn Cấu vẫn không nộp báo cáo tháng 4 và tháng 9/2018. Trạm Y tế xã Nà Khoa tạm giữ lại phụ cấp của ông Ma Văn Cấu khi ông Ma Văn Cấu không đến giao ban trạm và không nộp báo cáo là đúng quy định và đảm bảo sự công bằng trong việc chi trả phụ cấp cho y tế bản.

- Ý kiến 64: Cử tri Vàng A Kỷ - Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ: Đề nghị UBND huyện thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tìm người thân cho đối tượng bị tâm thần hiện tại đang sống lang thang trên địa bàn xã Phìn Hồ nhiều năm nay. Nếu không tìm được người thân thì đề nghị huyện đưa về trại tâm thần hoặc Trung tâm bảo trợ xã hội.

Trả lời:Trường hợp 01 người tâm thần (không rõ tên tuổi, địa chỉ) đang sinh sống trên địa bàn xã Phìn Hồ (không phải người dân của xã) phòng Lao động – TB&XH huyện đã nhiều lần đề nghị UBND xã chỉ đạo Công an xã xác minh lý lịch nhân thân để biết tên tuổi, địa chỉ cụ thể thông báo cho gia đình hoặc địa phương đến đón nhưng UBND xã chưa xác minh, báo cáo cụ thể cho phòng Lao động – TB&XH.

UBND huyện yêu cầu UBND xã Phìn Hồ chỉ đạo xác minh ngay và phối hợp với Công an huyện xác minh, tìm hiểu thông tin của người tâm thần trên, chậm nhất trước 31/12/2018 UBND xã Phìn Hồ báo cáo kết quả về UBND huyện (qua Phòng Lao động – TB&XH) để làm cơ sở giải quyết các bước tiếp theo. Giao Đảng bộ xã Phìn Hồ giám sát quá trình thực hiện của UBND xã Phìn Hồ.

Về nội dung đưa người tâm thần về trại tâm thần: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên chưa có Trung tâm Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần. Do vậy, UBND huyện giao Phòng Lao ðộng - TB&XH liên hệ với Trung tâm các tỉnh Sơn La, Phú Thọ để gửi chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần trên khi có kết quả xác minh của xã Phìn Hồ; báo cáo kết quả về UBND huyện.

7. Về quy hoạch, đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, địa giới hành chính

- Ý kiến 65: Cử tri Tao Văn Phóng - Bí thư Chi bộ bản Nà Hỳ 1 xã Nà Hỳ kiến nghị: Việc phân lại đường ranh giới giữa bàn Nà Hỳ 1 với bản Nậm Ngà đã khảo sát phân chia lại trong đó có cắt một phần diện tích rừng của bản Nà Hỳ sang cho bản Nậm Ngà, xã Nậm Chua, song chưa thấy cấp trên có văn bản thông báo tới bản để còn biết quản lý, bảo vệ rừng.

Trả lời: Thực hiện Quyết định 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ Tướng Chính phủ về phê duyệt dự án :" hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính", để giải quyết một số bất cập về địa giới hành chính giữa 2 xã Nà Hỳ với Nậm Chua, Phòng Nội vụ, phòng Tài nguyên - Môi trường phối hợp cùng với lãnh đạo 2 xã, nhân dân 2 bản Nậm Ngà, Nà Hỳ 1 thống nhất điều chỉnh đường địa giới hành chính giữa xã Nậm Chua với xã Nà Hỳ (trong đó có đoạn đường địa giới giữa 2 xã đồng thời là ranh giới giữa 2 bản Nà Hỳ 1 xã Nà Hỳ với Nậm Ngà, xã Nậm Chua). Việc điều chỉnh đã được thống nhất, tuy nhiên thẩm quyền điều chỉnh đường địa giới hành chính cấp xã thuộc UB TV Quốc hội. Vì vậy, UBND huyện tích cực hoàn thiện hồ sơ các tuyến điều chỉnh đường địa giới hành chính trên toàn huyện để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Trước mắt đề nghị 2 xã, 2 bản quản lý và bảo vệ rừng theo tuyến đã thống nhất, khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền thì UBND huyện sẽ thông báo tới nhân dân 2 bản biết, thực hiện.

Trên đây báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7 HĐND huyện khóa II./.


  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên