Hoa của núi rừng
Thời gian đăng: 06/11/2017 08:07:27 PM

 

Tôi lên với điểm trường Huổi Anh, một điểm trường xa xôi và khó khăn nhất của Trường Mầm non Chà Tở, xã Chà Tở - Huyện Nậm Pồ vào một ngày cuối thu, tiết trời se se lạnh, cái lạnh đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc bốn mùa có trong một ngày tạo cho ta cảm giác giống như cái lạnh của mùa đông đến sớm. Con đường về bản hôm nay ì ầm trong tiếng máy xúc, máy ủi đang rẽ rừng, bạt núi mở đường. Con đường hứa hẹn sẽ mang ánh sáng của thế giới văn minh vào với bản làng, xóa nghèo nàn tăm tối, giúp nhân dân trong bản kết nối, giao lưu với xã hội bên ngoài. Đi hết đoạn đường mới mở chúng tôi gửi xe máy vào lán công trình, từ đây vào bản vẫn còn gần 10 km nữa là đường mòn nhỏ xíu chiều rộng khoảng 50cm, băng qua núi, rừng, đồi nương, rậm um tùm bởi lau sậy hai bên, đó là con đường duy nhất vào bản của bà con từ khi khai thiên lập địa tại nơi này.

Dừng chân nghỉ trên đỉnh một quả đồi, thở bằng cả hai tai, gió heo may se sắt, sương mù lãng đãng làm cho con đường vốn đã vắng vẻ lại càng thêm hiu quạnh. Tôi vẫn không thể tin nổi đây là con đường mà hàng chục năm qua, từ khi trường bắt đầu được thành lập biết bao cô giáo chân yếu tay mềm, từ thành phố hay miền xuôi lên đây dãi nắng dầm mưa hết ngày này sang tháng khác, năm nọ sang năm kia cặm cụi trèo đèo, lội suối, vượt núi băng rừng để gieo cái chữ cho các em nhỏ trong bản sâu hun hút này.

Nghe các đồng nghiệp kể về những giai thoại của các cô giáo trẻ trên hành trình mang cái chữ đến với Huổi Anh, những chuyện kể vừa mới hôm nào, hay năm ngoái, năm kia thôi mà tôi ngỡ như đang ngược về miền nào xưa lắm. Nào là ngày trước lối này chưa thông đi từ trường lên bản phải đi vòng qua mấy xã khác hết 67 km đường rừng mới đến nơi. Nào là đường đi đèo dốc, nhỏ hẹp, rậm rạp các cô gái phố mới vào không quen lối, ngã xe đến bầm dập cả người, vỡ hết cả gương, cả yếm xe vẫn cười vang núi rừng rồi đứng dậy đi tiếp. Mỗi khi trời mưa không vác nổi xe vào các cô đi bộ cả ngày đường, có hôm tận 10 giờ đêm mới đến nơi, rồi thì chuyện đi đường gặp rắn vứt cả đồ chạy bán sống bán chết hay chuyện rủ nhau đi lối tắt cho nhanh chẳng ngờ bị lạc phải ngủ nhờ trên lán nương... Ấy vậy nhưng chưa tùng có một cô giáo nào vì thế mà bỏ cuộc, vì thế mà nản lòng. Vui các cô sẽ cười, lúc buồn tủi cô đơn thì khóc nhưng vẫn quyết tâm bám trường bám lớp, hoàn thành tốt nhiệm vụ của trường, của ngành giao phó.

Ch-u-Giang-chuy-n-b-i-nh-n-c-t-c-ng-t-c-vi-n-2.jpg

Cô giáo Đinh Thị Ánh Tuyết, Trường MN Chà Tở

Trong các câu chuyện kể về các cô giáo trẻ đã từng sống và cống hiến tại điểm trường Huổi Anh, tôi ấn tượng mạnh nhất về một cô giáo trẻ có dáng người nhỏ thó, rất nhanh nhẹn, hoạt bát hiện vẫn đang là giáo viên giảng dạy tại Trường Mầm non Chà Tở, đó là cô giáo Đinh Thị Ánh Tuyết đến từ một miền quê rất xa xôi của huyện Minh Hóa - tỉnh Quảng Bình. Nhiệt huyết, tận tâm với công việc, chan hòa với bạn bè đồng nghiệp, tần tảo, chăm lo vun vén cho gia đình đó là những phẩm chất tốt đẹp mà chúng tôi những người đồng nghiệp luôn cảm nhận được về cô.

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Bình trong một gia đình thuần nông, năm 2006 sau khi tốt nghiệp PTTH vì tình yêu với con trẻ mà cô đã chọn đăng ký thi vào trường Đại học sư phạm Đà Nẵng hệ trung cấp sư phạm, chuyên ngành Giáo dục mầm non. Năm 2009 cô giáo trẻ Đinh Thị Ánh Tuyết tốt nghiệp ra trường. Thật không may những năm đó do tại quê hương của cô không có nhu cầu tuyển dụng viên chức ngành mà cô đã theo học. Với phẩm chất của một cô thôn nữ đã quen với vất vả nơi đồng ruộng phụ giúp cha mẹ từ khi còn nhỏ nên cô không ngại khó khăn một mình khoác ba lô đi theo tiếng gọi con tim, chấp nhận cuộc sống xa gia đình, xa quê hương, mang tuổi thanh xuân, lòng nhiệt huyết của mình lên vùng Tây Bắc xa xôi lập nghiệp và cống hiến nơi đất khách quê người.

Những ngày đầu mới về trường mặc dù vốn kinh nghiệm trong công việc cũng như cuộc sống còn ít ỏi non nớt nhưng cô đã dũng cảm xung phong lên cắm tại điểm trường Huổi Anh cách trường trung tâm 67 km, trong đó hơn 40 km là đường rừng núi rất nhỏ hẹp và hiểm trở. Khi đó cô chưa có điều kiện để mua xe máy vì vậy suốt 2 năm ròng phương tiện đi lại duy nhất của cô là đôi bàn chân Việt. Hôm nào vẫy được xe phụ huynh, dân bản hoặc đồng nghiệp để đi nhờ đó là ngày may mắn của cô. Thời điểm đó điểm trường Huổi Anh là điểm trường sâu xa nhất, giao thông khó khăn nhất, một cô gái trẻ đến từ một miền đất xa xôi nhất một mình lên cắm bản mở lớp. Những tưởng cô sẽ không vượt qua được những khó khăn trong công việc, trong cuộc sống, sự cô đơn buồn tẻ nơi góc rừng heo hút hẻo lánh đó. Nhưng không, ẩn sau con người mảnh mướt chưa đầy 40 kg ấy là một nghị lực sống mãnh liệt, luôn cố gắng vượt khó vươn lên. Với lòng yêu nghề mến trẻ ngày ngày cô đi khắp bản đón học sinh ra lớp, dạy dỗ chăm sóc cho các cháu, sống thân thiện hòa đồng với bà con dân bản vì vậy cô được phụ huynh học sinh và nhân dân rất mực tin yêu.  Hàng tuần cô lại vượt núi băng rừng đi bộ về trung tâm trường để học hỏi, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn.

Ch-u-Giang-chuy-n-b-i-nh-n-c-t-c-ng-t-c-vi-n-3.jpg

Trong suốt những năm cô cắm bản Huổi Anh cũng như những điểm trường khác mà nhà trường phân công cô luôn cố gắng nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Cô đến điểm trường nào cũng làm rất tốt công tác dân vận, xã hội hóa giáo dục để vận động tối đa số trẻ trong độ tuổi ra lớp, xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường lớp học xanh – sạch – đẹp. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại các lớp cô phụ trách hàng năm luôn luôn đạt từ 90% trở lên, 100% trẻ được đảm bảo an toàn tuyệt đối khi ở lớp. Hiệu quả làm việc của cô đã đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng trường chuẩn Quốc gia của nhà trường. Nhiều năm liền cô được UBND Huyện Mường Chà, Nậm Pồ tặng danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua. Nhờ sự nỗ lực cố gắng trong chuyên môn cùng với sự động viên của BGH nhà trường cô đã mạnh dạn đăng ký tham gia các kỳ thi “ Giáo viên dạy giỏi” cấp trường, cấp huyện và đã hai lần liên tiếp cô đạt được danh hiệu “ Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện. Từ đó cô vẫn tiếp tục cống hiến và không ngừng học hỏi, trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ và giữ vững danh hiệu “ Giáo viên dạy giỏi” cấp huyện của mình.

Ghi nhận sự nỗ lực cố gắng cũng như lòng tâm huyết với nghề của cô, Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường đã nhiều năm tin tưởng bầu chọn cô Đinh Thị Ánh Tuyết làm Tổ trưởng chuyên môn phụ trách tổ Nhà trẻ của nhà trường. Với cương vị là một tổ trưởng cô luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, tích cực nghiên cứu, tìm tòi bổ sung kiến thức, phương pháp, biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học để bồi dưỡng chuyên môn, giúp đỡ cho các tổ viên cũng như các đồng nghiệp khác cùng tiến bộ.

Không chỉ là một giáo viên yêu nghề, tận tụy với công việc cô giáo Đinh Thị Ánh Tuyết còn là một người mẹ hiền, vợ đảm trong gia đình. Vì điều kiện gia đình hai bên nội ngoại đều ở xa lại không có khả năng giúp đỡ về kinh tế. Chồng cô làm nghề tự do nên công việc chưa ổn định, con còn nhỏ. Hàng ngày ngoài giờ lên lớp cô lại tất bật chạy ngược chạy xuôi lo toan cho gia đình. Để đảm bảo cho cuộc sống cô dành vốn thời gian ít ỏi còn lại để trồng trọt, chăn nuôi tăng gia sản suất và làm thêm một số nghề phụ tăng thu nhập cho gia đình. Mặc dù cuộc sống còn nhiều gian truân vất vả nhưng cũng không thể khuất phục được cô, sau tất cả là một niềm tin vào tương lai tươi sáng luôn lấp lánh trên gương mặt của cô.

Một người giáo viên có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao, sống ôn hòa, đoàn kết với bạn bè đồng nghiệp, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống cũng như trong công việc, lối sống lành mạnh trong sáng, đơn giản. Cô giáo Đinh Thị Ánh Tuyết luôn dành được tình cảm yêu mến từ đồng nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và nhân dân nơi cô công tác và sinh sống. Những hạt giống như cô giáo Đinh Thị Ánh Tuyết cần được tôn vinh để lòng yêu nghề mến trẻ, nghị lực sống mãnh liệt của cô sẽ lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến những người giáo viên đang ươm mầm trên đá nơi vùng cao biên giới này. Nhân dịp 20/11 xin gửi tới các cô giáo đang ngày đêm miệt mài cắm bản lời tri ân sâu sắc. Các cô giáo như “những bông hoa dại trong núi sâu dù không ai thưởng thức vẫn tỏa ngát hương thơm” dâng cho đời./.

 

Nguyễn Thị Hồng - Trường mầm non Chà Tở
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên