Sáng 12/9, UBND huyện Nậm Pồ tổ chức Hội nghị tuyên truyền cây Mắc ca và giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn huyện bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu 15 xã. Đồng chí Bùi Văn Luyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị các điểm tại xã Si Pa Phìn.
Đồng chí Bùi Văn Luyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị các điểm tại xã Si Pa Phìn
Theo kế hoạch huyện Nậm Pồ triển khai thực hiện 02 Dự án cây Mắc ca với quy mô gần 15.800ha trên địa bàn. Tính đến tháng 8, năm 2022, 02 nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Điện Biên thực hiện trồng 5.868,56ha cây Mắc ca đã đo đạc, quy chủ thực hiện dự án trồng cây Mắc ca với diện tích 350,03ha và Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Tây Bắcthực hiện trồng 9.987ha cây Mắc ca trên địa bàn, mới đo đạc để quy chủ thực hiện dự án trồng cây Mắc ca với diện tích 350ha. Xác định Mắc ca là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Tính đến tháng 8 năm 2022, đã rà soát, hoàn chỉnh giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn huyện Nậm Pồ với tổng diện tích là 57.399,25ha, đo được 9.835,32ha theo Quyết định số 607.
Tai hội nghị, đại biểu tham dự ở điểm các xã đã được đồng chí Bùi Văn Luyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện thông qua cơ chế chính sách phát triển cây Mắc ca và trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Các hộ dân tham gia Dự án trồng cây Mắc ca sẽ được lựa chọn 01 trong 02 hình thức sau: hình thức thứ nhất: Nhà nước cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca theo quy định người dân trong vùng dự án sẽ được hưởng các lợi ích như: được hỗ trợ đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo diện tích người dân đang quản lý, nhưng không quá 5ha/gia đình/cá nhân; được nhà đầu tư hỗ trợ 15 triệu đồng/ha công khai hoang, cải tạo đất để Nhà nước thu hồi đất cho nhà đầu tư thuê theo quy định; được ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương, với mức 5 triệu đồng/người/tháng và được trả công lao động từ 150 - 200 nghìn/ngày. Hình thức thứ hai: Người dân hợp tác với nhà đầu tư thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca theo hợp đồng liên kết sẽ hưởng các lợi ích như: Được hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu, đảm bảo tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm khi thu hoạch theo hợp đồng liên kết; được ưu tiên tuyển dụng lao động tại địa phương, với mức 5 triệu đồng/người/tháng và được trả công lao động từ 150 - 200 nghìn/ngày. Ngoài 02 hình thức trên người dân và nhà đầu tư có thể thống nhất thực hiện dự án theo hình thức nhà đầu tư góp vốn của người bằng giá trị sử dụng đất (giữa người dân và nhà đầu tư sẽ phân chia giá trị sản phẩm theo thỏa thuận hợp đồng).
Đại biểu tại điểm cầu xã Si Pa Phìn tham gia ý kiến
Một số ý kiến của các đại biểu tham dự ở các điểm cầu đã được lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan chuyện môn huyện giải trình tại hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Văn Luyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện - Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hàng tháng UBND huyện sẽ tổ chức họp. Đề nghị các cơ quan lien quan tăng cường công tác phối hợp thực hiện đo đạc, quy chủ (dễ làm trước, khó làm sau); yêu cầu các xã tổng hợp những khó khăn vướng mắc gửi về UBND huyện; Văn phòng HĐND và UBND huyện biên tập tài liệu trình UBND huyện trước ngày 14/9; bắt đầu từ ngày 19/9 UBND các xã trực tiếp phối hợp với các tổ công tác, các tổ dân vận xuống từng bản tuyên truyền cho bà con nhân dân về chính sách phát triển cây Mắc ca và xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể phù hợp./.