Chính sách hỗ trợ gạo đối với học sinh dân tộc thiểu số nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của Ðảng và Nhà nước đã giúp các em học sinh ở huyện Nậm Pồ vượt qua khó khăn của cuộc sống thường ngày, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Gạo hỗ trợ đến với học sinh nghèo
Học kỳ I năm học 2017-2018, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ được phân bổ 564.745 kg gạo cho 28 trường với 7.601 học sinh Tiểu học, THCS, THPT theo quy định tại Nghị định 116/NĐ-CP định mức hỗ trợ là 15kg gạo/học sinh/tháng, thời gian là 5 tháng của học kỳ I năm học 2017-2018. Để gạo kịp thời đến với các em học sinh nghèo, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc đã khẩn trương, nhanh chóng lên kế hoạch xuất cấp gạo cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã tiếp nhận và cấp phát gạo hỗ trợ cho các em học sinh vùng khó khăn trong học kỳ I năm học 2017-2018 trên địa bàn huyện. Ngay khi tiếp nhận gạo hỗ trợ từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản, quyết định hướng dẫn các trường thực hiện quy trình cấp phát gạo đúng đối tượng theo danh sách đã được phê duyệt, cấp phát đầy đủ số lượng gạo hỗ trợ cho học sinh 1 lần (5 tháng của học kỳ I năm học 2017-2018, 60kg/1HS) ngay sau khi gạo được vận chuyển về tới trường. Học sinh trực tiếp ký nhận vào danh sách cấp phát gạo hỗ trợ.
Hình ảnh tiếp nhận gạo hỗ trợ
Chuyến gạo đầu tiên của học kỳ I, năm học 2017-2018 đã đến với học sinhtrường PTDTBT TH Na Cô Sa. Thầy Nguyễn Văn Quân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Là xã khó khăn nhất của huyện, Na Cô Sa có địa hình đồi núi, giao thông hiểm trở, đi lại khó khăn, đời sống của bà con nơi đây đa phần đói nghèo, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Trường PTDTBT TH Na Cô Sa tiền thân là Trường Tiểu học Na Cô Sa được thành lập theo Quyết định số 745/QĐ-UBND của UBND huyện Mường Nhé. Kể từ khi có mô hình trường bán trú, học sinh ở xa không phải đi về trong ngày, được hỗ trợ gạo ăn ở tại trường, được hỗ trợ chi phí học tập... Tại trường, các em được chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập. Ngoài giờ học, các em cùng thầy giáo, cô giáo tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hằng ngày, cho nên không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng theo các năm.
Nhận bao gạo hỗ trợ của Nhà nước anh Khá A Pao, ở bản Huổi Po, xã Na Cô Sa (cách trường khoảng 14 km) phụ huynh em học sinh Khá Thị Lú, học sinh lớp 3A2 đã không giấu được sự xúc động nói: Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm đến cái chữ mà còn quan tâm đến cái ăn cho các cháu. Mình mừng lắm, xin hứa sẽ cho con gái mình đi học, học để biết cái chữ mới mong nó thoát được cái nghèo.
Đây không chỉ là niềm vui của các em học sinh của Trường PTDT BT TH Na Cô Sa mà còn là niềm vui chung của học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn khắp cả nước. 15kg gạo - với nhiều người số gạo này không lớn nhưng với các em học sinh ở vùng khó như Nậm Pồ thì đây thực sự là “món quà” nâng bước các em đến trường.
“Động lực” trẻ em đến trường
Là một huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, Nậm Pồ có 15 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó 08 xã biên giới và hầu hết các xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao thứ 2 trong toàn tỉnh, chiếm 67,95% (năm 2016), nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp chính vì vậy con đường tới trường với nhiều em là muôn vàn gian khó. Thế nhưng từ khi có chính sách hỗ trợ gạo con đường đến trường đã bớt gian truân hơn, tỷ lệ học sinh đi học ngày càng được cải thiện.
Hình ảnh bữa ăn học sinh nội trú
Con đường đến trường gập ghềnh, đèo dốc cheo leo không làm chùn bước bàn chân nhỏ của học sinh huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ. Các cháu hào hứng cho biết “động lực” vượt núi cao đi học cái chữ: Đi học đường rừng xa nhưng cháu thích lắm vì đến trường được ăn no, có chỗ ngủ nghỉ, học 2 buổi/ngày; học ngoại khóa, văn nghệ, thể thao vui lắm...
Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc, tiếp sức cho học sinh đến trường mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống an sinh xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn./.