“Khảng Bem” – vật dụng có linh hồn của người Thái Ba Chà
Thời gian đăng: 24/05/2018 05:07:47 PM

 

Trong văn hóa của người Thái nói chung và người Thái Ba Chà nói riêng, mỗi gia đình dù kinh tế khá giả hay khó khăn thì đều có ít nhất từ hai “Khảng Bem” – vật dụng được đan bằng mây tre dùng để đựng, được ví như của hồi môn mà cha mẹ sắm sửa cho con cái chuẩn bị về nhà chồng và được dùng để làm lý “Hẹ thảu” ( Đựng những đồ quan trọng như vải vóc, trang sức… sử dụng khi tổ chức tang lễ cho người chết). Đây là quan niệm vẫn còn được người Thái lưu giữ.

 “Khảng Bem” trong tiềm thức của người Thái Ba Chà

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái, “Khảng Bem” tồn tại như những vật dụng có linh hồn. Văn hóa sử dụng Bem của người Thái đã có từ lâu đời, người Thái quan niệm rằng: Nhà nào có nhiều con gái đến tuổi lấy chồng thì tùy điều kiện nhà gái đều phải sắm sửa cho mình ít nhất từ hai “Khảng Bem”. Trong Bem có đựng các loại trang sức, quần áo, vải thổ cẩm… có giá trị. Khi nhà trai đến nhà gái rước dâu, nhà gái mang theo nhiều Bem càng thể hiện được sự đầy đủ về vật chất, vừa mang theo hy vọng con gái về nhà chồng được yêu quý, có tiếng chăm chỉ, biết vun vén cho gia đình.

Trong văn hóa hôn nhân, nếu như dân tộc Kinh coi trang sức có giá trị là của hồi môn thì trong văn hóa của người Thái, Bem được ví như là của hồi môn được cha mẹ sắm sửa cho con gái đi lấy chồng.

517image001.jpg

Trong ngôi nhà sàn truyền thống, “Khảng Bem” được đặt trang trọng ngay trên đầu buồng ngủ, thứ tự bắt đầu từ chiếc đặt gần “Khọ lọ hóng” (Nơi thờ cúng tổ tiên)

Thông thường, mỗi thành viên trong gia đình đều sở hữu một “khảng Bem” cho riêng mình để đựng đồ cá nhân. Khi già đi, mỗi người đều tự sắm sửa cho Bem của mình nhiều của cải, vật chất có giá trị  như vải vóc, trang sức, quần áo …để khi chết đi có thể mang theo sang thế giới bên kia. Điều đặc biệt là Bem thường kiêng kị mở cho đến khi chủ nhân của nó nhắm mắt xuôi tay. Khi trong nhà có người qua đời thì đêm đầu tiên khi phát tang, các thành viên trong gia đình sẽ mở Bem của người vừa qua đời để lấy vải (vải trắng, vải đen được dệt thủ công) để tẩm liệm thi thể của người chết, lấy bộ váy, áo cóm, áo sở luông (áo dài thân chấm gót, màu đen dùng để mặc cho người chết), lấy các đồ trong Bem để người chết mang theo. Người Thái thường gọi đó là làm lý “Hẹ thảu”, tức là đựng đồ dùng dành cho người chết. Nắp Bem được sử dụng làm “Hạn Cho” (Khi nhà có tang, nắp Bem được tháo rời để ngay cạnh quan tài, khi cúng vật phẩm cho người chết thì đặt vào nắp Bem, sau đó đại diện gia đình thông báo với người đã khuất về những vật được cúng). Khi chôn cất người đã chết, nắp Bem thường được đặt riêng ở trục đường chính, gần đường vào mộ để con cháu đi qua có thể cúng đồ ăn hay đồ dùng gửi cho người đã khuất. Đồng thời thân Bem sẽ được đặt ở ngay mộ của người chết nhằm ý nghĩa để người chết mang theo nhiều của cải, phù hộ cho con cháu được yên ổn, không quấy nhiễu con cháu trong gia đình và dòng họ.

517image003.jpg

 Bem được đan bằng mây rừng, là của hồi môn cho con cái về nhà chồng, đồng thời là vật để làm lý “Hẹ thảu” cho người đã khuất

Giá trị truyền thống được bảo tồn và phát huy

Bem gắn với người Thái từ lâu đời. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể đan được. Nguyên liệu để đan được Bem đẹp thì sử dụng sản phẩm có sẵn trong tự nhiên như mây, tre, giang… Có tay nghề đan Bem hơn ba chục năm nay, ông Lèng Văn Quyết, bản Pa Tần, xã Pa Tần cho biết: Để đan được Bem thì trước hết phải chọn những sợi mây già bánh tẻ chắc, được kéo vào khoảng thời gian từ tháng 5 cho đến tháng 8. Mùa đông nông nhàn có thời gian để đan. Để đan được một Bem thì cần chẻ mây, vót mây cho mượt nếu nhanh thì có thể mất một tuần. Để mây giữ được lâu, không bị mọt thì khi chẻ xong thường để gần bếp lửa để tạo độ bóng, tránh mối mọt, sau khi chẻ xong mây thì có thể trong 3 ngày là đan xong. Bem mây được đan thành 4 phần: Khung, thân, nắp, quai đeo. Chiều ngang dài 25cm, chiều rộng đáy dài 9cm, được đan từ đáy lên theo cách vắt chéo sợi mây. Phần thân được đan thành 2 lớp, có lót lá rong bên trong nhằm tạo độ dày. Phần nắp được đan như phần thân nhưng không đan kín. Khung được làm bằng tre vừa được đan bằng mây vừa để trang trí vừa để tạo mắt làm móc quai dây. Tuổi thọ của Bem tùy thuộc vào chất lượng vật liệu, tay nghề của người đan.

517image005.jpgHơ qua lửa tạo độ bóng hoặc đặt trên gác bếp chống mối mọt là cách để tăng tuổi thọ cho “Khảng Bem”

Người Thái Ba Chà không quy định tiêu chuẩn người đan là nam hay nữ. Nếu có đủ nguyên liệu thì một năm có thể đan được khoảng trên 10 chiếc/người. Ông Tao Văn Vinh – Chủ tịch UBND xã Chà Tở cho biết: Với giá bán mỗi “khảng Bem” khoảng 700-900 nghìn đồng/chiếc đã đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Nhiều khách hàng đến địa bàn để hỏi mua sản phẩm mây tre đan. Nhân dịp huyện thành lập hợp tác xã mây tre đan thì trong thời gian tới, xã sẽ vận động nhân dân tích cực tham gia hợp tác xã, đóng góp các sản phẩm mây tre đan như: Bem, ghế mây, mâm, coóng khẩu, ép khẩu, giỏ, tính tẩu… vừa để tăng thu nhập cho hộ gia đình vừa lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc.

“Khảng Bem” – vật dụng có linh hồn trong cộng đồng người dân tộc Thái ở huyện Nậm Pồ. Các giá trị văn hóa có trong vật dụng này sẽ được các thế hệ trẻ lưu giữ, phát huy, hòa quyện với nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trên quê hương Nậm Pồ./.

 

 

Thiện Thơ, VP. HĐND-UBND huyện
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên