Trong nhịp sống hiện đại, cộng đồng dân tộc Thái Ba Chà (nay là địa bàn huyện Nậm Pồ) vẫn còn bảo tồn được nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc. Trong đó lý “Khoen tạy” vẫn còn được lưu giữ trong những nếp nhà của trưởng các dòng họ. Đây là một phong tục đẹp, không chỉ thực hiện việc quản lý các đầu đinh của dòng họ mà còn thể hiện được sức mạnh của dòng họ người Thái nơi đây trong việc xây dựng và phát triển dòng họ, cộng đồng lớn mạnh; góp phần giữ vững một dải biên cương của Tổ Quốc.
Không gian “khoen tạy” trong nếp nhà sàn
Trước tiên, “Khoen tạy” chỉ được thực hiện ở nhà của người giữ chức trưởng dòng họ. Bởi vậy, dấu hiệu để nhận biết nhà của trưởng họ cũng chính nhờ vào không gian lưu giữ “hộ khẩu” đầu đinh này. Thông thường, ở gian để thờ cúng trong nếp nhà sàn, đồng bào người Thái gọi là “Hoóng”, phía trên sà vượt chính là không gian để treo các chùm “hộ khẩu”. Mỗi hộ gia đình tương ứng với 01 chùm, mỗi chùm bao gồm: 01 chiếc quạt nan tre, 01 chiếc cung, 01 túi vải, 01 chiếc giỏ nhỏ gọi là “Ko pó”. Bởi đặc điểm này cho nên người giữ chức trưởng dòng họ phải là người có uy tín, am hiểu về văn hóa tâm linh của dân tộc và nhất định phải là người ở trong nếp nhà sàn.
Ông Tao Văn Bun – Trưởng dòng họ Tao giới thiệu về “Khoen tạy”
Theo như ông Tao Văn Bun, trưởng dòng họ Tao (bản Cấu, xã Chà Nưa) cho biết về ý nghĩa các vật phẩm trong “Khoen tạy” như sau: Chiếc quạt nan biểu trưng cho ấm no sung túc. Xuất phát từ nếp sống sinh hoạt hàng ngày, người Thái cổ thường ăn xôi nếp quanh năm, khi đồ xôi xong, để xôi khô, dẻo thì người phụ nữ thường lấy quạt nan để quạt xôi cho nguội rồi mới cất vào Coóng (vật dụng để đựng xôi). Bởi vậy, chiếc quạt nan tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Chiếc cung tượng trưng cho ý chí kiên cường của người đàn ông dân tộc Thái; đồng thời thể hiện ý chí sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ cộng đồng, làng bản khỏi những điều xấu. Còn chiếc tủi vải có đựng một ít tiền và thẻ gỗ khắc tên của nam đinh trong nhà. “Ko pó” là một chiếc giỏ nhỏ có hình như chuôi dao được đan bằng tre, nứa dùng để đựng xôi, gà... khi làm lý thay đổi nhân khẩu nam đinh trong nhà.
“Khoen tạy” không quy định thời gian cụ thể để thực hiện, tuy nhiên cứ có nhiều bé trai sinh ra, chọn được ngày đẹp theo lịch của người Thái, nhiều nhà sẽ rủ nhau đến nhà trưởng họ để làm lý này, nhập tên của đứa trẻ thêm vào hộ gia đình. Khi làm lý, mỗi đầu đinh là một con gà, mổ ra cúng tổ tiên để xin phép nhập họ. Tương tự như vậy, nếu có người mất thì cũng sẽ làm lý bỏ tên ra khỏi chùm “hộ khẩu” của gia đình đó. Qua tìm hiểu thêm về “Khoen tạy” ở một số dòng họ lớn khu vực Ba Chà (Chà Nưa, Chà Cang, Chà Tở), phần lớn các công đoạn thực hiện; ý nghĩa đều khá giống nhau. Chỉ có một chút sự khác nhau đó là: ở một số dòng họ (ở dòng họ Khoàng), cứ mỗi đầu đinh là mang một chùm lý, chứ các nam đinh trong cùng một nhà không chung nhau một chùm “Khoen tạy” như dòng họ Tao.
Ông Thùng Văn Sin - Trưởng dòng họ Thùng bên không gian tâm linh của dòng họ mình
Cộng đồng người Thái khu vực Ba Chà gồm các dòng họ lớn sau: Họ Thùng có 270 hộ, trên 1.300 nhân khẩu do ông Thùng Văn Sin (bản Nà Ín 1 – Chà Nưa) làm trưởng họ; Họ Lèng gồm 171 hộ, trên 900 nhân khẩu do ông Lèng Văn Đeng (Bản Cấu – Chà Nưa) làm trưởng họ; Họ Tao với 160 hộ, trên 700 nhân khẩu do ông Tao Văn Bun (bản Cấu – Chà Nưa) làm trưởng họ; Họ Khoàng với hơn 100 hộ, trên 700 nhân khẩu do ông Khoàng Văn Pính (bản Hô Bai – Chà Nưa) làm trưởng họ. Những dòng họ lớn này sinh sống tập trung chủ yếu ở các xã: Chà Nưa; Chà Cang; Chà Tở; Nậm Khăn; Pa Tần; Nà Hỳ... (Đây đều là những xã có chung nguồn gốc là xã Chà Cang cũ thành lập từ những năm 1970 theo chương trình sắp xếp dân cư của Tỉnh, đưa người dân về biên giới để giữ vững biên cương Tổ Quốc). Hiện nay, các vị trưởng họ của những dòng họ lớn này đều lưu giữ không gian “Khoen tạy” trong nhà, nó không chỉ giúp trưởng họ quản lý các đầu đinh trong mỗi nhà, trong dòng họ mà còn là không gian tâm linh thể hiện quy mô, sự phát triển lớn mạnh của mỗi dòng họ. Thông qua phong tục đẹp này, cũng là một trong những biện pháp để giáo dục con cháu trong dòng họ sống, học tập, lao động theo đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó trở thành những công dân tốt trong xã hội. Mặt khác, cũng nhờ nét văn hóa này, mà các hộ gia đình trong dòng họ trở nên đoàn kết hơn, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, phát triển dòng họ giàu mạnh. Nét sinh hoạt tâm linh này cũng gắn với quy ước của mỗi dòng họ, đã là người cùng họ và được mang dòng họ ấy, thì mỗi thành viên phải sống có trách nhiệm hơn, tuân theo quy ước của dòng họ, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi họ.
Bởi như vậy, nên về ý nghĩa sâu sa, “Khoen tạy” có sức mạnh như một điều luật bất thành văn nhằm duy trì kỷ cương, nề nếp trong từng dòng họ. Nhờ đó, mà các dòng họ lớn của người Thái Ba Chà đã giáo dục con cháu trưởng thành, là cái nôi sinh ra, nuôi dưỡng những người con ưu tú cho quê hương Nậm Pồ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Trong số đó, phải kể đến những cái tên như: Ông Tao Văn Khứn (Nguyên UVBTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Tỉnh Lai Châu, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Điện Biên; ông Tao Văn Pắn (Phó Giám đốc Sở Điện lực); Ông Tao Văn Piếng (Nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Điện Biên và Mường Chà); ...Ông Thùng Văn Siêng (TUV, Bí thư huyện ủy Nậm Pồ); ông Thùng Văn Thân (UVBTV HU, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nậm Pồ); ông Thùng Văn Lương (nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Chà); ông Lèng Văn Mớ (nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng 413 Chà Cang); ông Vàng văn Ín (nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng 413 Chà Cang); ông Lèng Văn Đăm (nguyên Phó phòng tham mưu BCH quân sự tỉnh Lai Châu); ông Khoàng Văn Xế (nguyên UVBTV, Trưởng BTC Huyện ủy Mường Lay); ông Thùng Văn Pồn (nguyên HUV, Trưởng Ban chỉ đạo biên giới Ba Chà); ông Lò Văn Khằm (nguyên Trưởng Ban chỉ đạo biên giới Ba Chà);... và còn rất nhiều người có uy tín trong cộng đồng dân cư, tích cực cùng cấp ủy, chính quyền các cấp vận động nhân dân phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Ông Khoàng Văn Pính- Trưởng dòng họ Khoàng bên không gian “Khoen tạy”
“Khoen tạy” đã góp phần làm nên sức mạnh của mỗi dòng họ trong cộng đồng dân tộc Thái ở huyện Nậm Pồ. Nét văn hóa tâm linh này chính là nền tảng tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cùng xây dựng dòng họ giàu mạnh; cộng đồng đoàn kết, tương thân tương ái, đồng lòng xây dựng quê hương Nậm Pồ ngày càng tươi đẹp./.