Mô hình học sinh bán trú tại các huyện vùng cao nói chung và huyện Nậm Pồ nói riêng không những giúp duy trì sĩ số học sinh mà còn từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt mô hình này còn giúp học sinh tạo cho mình tính tự lập khi các em sống xa nhà. Mỗi ngôi trường trên địa bàn huyện đều có những cách làm hay để giúp các em hòa mình với cuộc sống tập thể, trong đó, việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cho các em thêm hứng khởi để học tập.
Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng sự nghiệp giáo dục luôn được huyện đặc biệt quan tâm chú trọng. Hiện nay, toàn huyện có 26/37 trường Tiểu học và THCS có học sinh ăn, ở tại trường; 21 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú. Ngoài việc thực hiện chương trình giáo dục theo quy định, các trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện còn làm tốt việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, lao động tăng gia sản xuất như nuôi lợn và trồng rau xanh…
Từ nhiều năm nay, trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Nà Khoa đã thực hiện mô hình nuôi lợn và trồng rau sạch, tạo nguồn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của học sinh bán trú. Thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2017 -2018, trường có 657 học sinh, trong đó học sinh bán trú là 606 em. 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Hoàn cảnh gia đình các em đều rất khó khăn nên ngoài chế độ hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước dành riêng cho học sinh bán trú thì rất khó kêu gọi phụ huynh đóng góp thêm. Từ thực tế đó, Ban giám hiệu nhà trường quyết định xây dựng kế hoạch tăng gia sản xuất, tạo nguồn thực phẩm bổ sung vào bữa ăn hàng ngày cho các em.
Theo đó, nhà trường đã huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục để mua 14 con lợn giống. Tận dụng lượng thức ăn thừa, nhà trường giao cho nhân viên nuôi dưỡng, giáo viên chủ nhiệm và học sinh nội trú chăm sóc. Vào những dịp lễ như: Ngày 20/11, tổng kết năm học,... nhà trường mổ thịt lợn, tăng thêm khẩu phần ăn cho các em. Số tiền bán lợn nhà trường trích một phần mua đồ dùng học tập và khen thưởng cho học sinh, một phần để mua lợn giống phục vụ cho những năm học tiếp theo. Sang đầu học kỳ 2, Ban giám hiệu nhà trường dự định sẽ mua 10 con lợn giống nữa về nuôi. Đàn lợn sẽ nối nhau duy trì những “bữa cơm có thịt” cho học sinh nghèo nơi đây, thầy Trường chia sẻ.
Học sinh nội trú trường PTDTBT THCS Nà Khoa chăm sóc đàn lợn sau giờ học
Một số trường khó khăn về đất sản xuất và nước sinh hoạt, song ngay từ đầu năm học Ban giám hiệu nhà trường đã có nhiều giải pháp kịp thời khắc phục như: lựa chọn những mảnh đất gần trường, tìm nguồn nước để học sinh có thể tăng gia trồng rau quanh năm. Với diện tích sẵn có, nhà trường đã quy hoạch, chia thành những luống nhỏ và phân công cho các lớp tổ chức trồng và chăm sóc rau. Đây cũng là một trong những tiêu chí để nhà trường bình xét thi đua của các lớp. Những vườn rau của học sinh xanh quanh năm, mùa nào rau nấy, từ rau muống, rau cải, tới su hào, bí đỏ, bí đao, đỗ…
Niềm vui của cô và trò trường PTDTBT TH Nà Hỳ 2 khi chăm sóc và thu hoạch rau
Hàng ngày, thường là vào buổi chiều sau khi hết giờ học, thầy cô giáo và các em học sinh nội trú trường PTDTBT TH Nà Hỳ 2 đã dành thời gian cho việc chăm sóc vườn rau của mình với các công việc như một người nông dân thực thụ, từ cuốc đất, lên luống, gieo hạt, nhổ cỏ, bón phân… Việc nào cũng được các em học sinh thực hiện thuần thục. Em Tảnh A Lâu, lớp 5A, bản Nậm Chua 5 (cách trường xa nhất) cho biết, chúng em rất thích trồng rau tại trường, có nhiều rau, nhiều thịt thì ăn cơm cũng ngon hơn. Chúng em còn thi đua trồng rau xanh nên bạn nào, lớp nào cũng cố gắng chăm sóc vườn rau cho thật tốt.
Cô Lò Thị Thùy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tăng gia sản xuất không chỉ giúp cho các em có thêm bữa ăn ngon miệng, giàu dưỡng chất mà cái được lớn nhất từ việc làm này là đã khơi dậy tính tự lập cho các em, giúp các em có thêm kỹ năng sống và lao động, góp phần không nhỏ vào việc duy trì sỹ số học sinh đến trường.
Có thể nói, việc tăng gia sản xuất ở các trường bán trú là một luồng gió ấm bởi nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần cải thiện bữa ăn cho các em, đặc biệt là với các em đi học xa nhà, có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải ở bán trú. Chính những hoạt động ngoại khóa như thế, đã tạo ra môi trường học tập thân thiện, tích cực; giúp các em rèn luyện sức khỏe, thêm yêu trường, yêu lớp và có động lực để đạt thành tích cao trong học tập./.