Nậm Pồ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa
Thời gian đăng: 02/06/2017 09:52:10 PM
Nhằm đưa chăn nuôi trở thành hình thức sản xuất chính trong nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nậm Pồ đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HU về chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025. Huyện đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhất là chăn nuôi đại gia súc như là trâu, bò.. Nhờ đó, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, tận dụng tiềm năng đồi cỏ, khí hậu phù hợp, nhiều hộ gia đình ở huyện đã mạnh dạn tập trung đầu tư chăn nuôi trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

1.jpg

Đàn trâu, bò tại cánh đồng xã Nà Hỳ sau mùa gạt

Theo đó, trong thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo quy mô gia đình, trang trại. Giai đoạn 2013 – 2015, bằng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình 30a, 135, Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” đã thực hiện hỗ trợ gần 500 con bò giống, trên 2.000 con dê giống và 03 mô hình nuôi vịt được triển khai thực hiện đến từng hộ dân; ngoài ra huyện còn hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi... Nhờ vậy, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều hộ dân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tập trung vào phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại. Tiêu biểu như ông Ngải Củ Lỷ, xã Phìn Hồ, thu nhập khoảng 250 triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi trâu, bò, dê kết hợp chăn nuôi gia cầm, sản xuất; hộ ông Hồ Chử Vàng, xã Phìn Hồ, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm  triệu đồng từ chăn nuôi trang trại trâu bò; hộ anh Tao Văn Vấn, xã Chà Tở, thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi, sản xuất kết hợp bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong một chia sẻ của Ông Hồ Chử Vàng, ở bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ về quá trình gây dựng mô hình trang trại chăn nuôi trâu, bò của mình: Khu nhà tôi ở chủ yếu là đồi cỏ gianh nên có trồng lúa, ngô thì năng suất cũng rất thấp, lại theo tục tập quán trồng lúa, hoa màu 1 vụ, nên có những năm gia đình còn không đủ thóc, gạo ăn, chứ chưa nói đến có thực phẩm bán, tôi nghĩ gia đình phải thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phù hợp, nên từ năm 2004, tôi bắt đầu chăn nuôi trâu bò theo hướng lẻ tẻ dựa vào nguồn cỏ tự nhiên, mỗi năm gia đình tôi đầu tư mua thêm 1 đến 2 con bò giống địa phương, nhưng do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, đàn trâu bò tôi bị dịch chết gần hết. Quyết tâm, không nản chí, tôi tiếp tục tìm hiểu trên internet và học hỏi kinh nghiệm thực tế qua các mô hình, đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư xây dựng trang trại, khoanh nuôi tập trung. Sau nhiều năm chăn nuôi, cùng với kinh nghiệm thực thế trong quá trình chăn nuôi và học học được từ nhiều địa phương khác cũng như trên mạng internet thì hiện nay, trang trại của gia đình tôi đã có hơn 70 con trâu, bò. Nhờ chăn nuôi đàn trâu, bò phát triển sinh trưởng tốt nên năm 2016 tôi đã bán 30 con để mua xe ô tô phục vụ gia đình đi lại, cũng nhờ có đàn trâu, bò mà gia đình tôi đã làm được nhà cửa khang trang, các con điều được đi học, có công ăn việc làm.

2.jpg

3.jpg

4.jpg

Trang trại bò của gia đình Ông Hồ Chử Vàng, Bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ

Qua những mô hình chăn nuôi thành công, có thể thấy người dân ở Nậm Pồ bước đầu đã chuyển hình thức chăn nuôi tự do, phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Đàn gia súc, gia cầm được chăn nuôi ở các vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học, không sử dụng thức ăn công nghiệp. Do đó, sản phẩm chăn nuôi được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Thực tế cho thấy, số lượng đàn trâu, bò của huyện trong vài năm trở lại đây ng lên đáng kể,tính đến tháng 5/2017 tổng đàn trâu, bò của huyện đã có trên 60.732 con, đạt 97,7% kế hoạch, tăng 3.824 con so với năm 2016; Đàn dê 8.876 con;  Đàn ngựa 263 con. Tổng đàn gia cầm là 132.550 con, đạt 96,4% kế hoạch giao, tăng 8. 362 con so với năm 2016; Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 119,3 ha, đạt 103,9% kế hoạch, tập trung ở các xã Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Vàng Đán, Nà Bủng và Nà Hỳ.

Huyện Nậm Pồ ra chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi đóng góp trên 45% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân trên 4%/năm, gia cầm đạt 7%/năm; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc đạt 60 ha; mỗi xã có từ 10 – 20 điểm chăn nuôi tập trung theo quy hoạch; 100% các bản có thú y viên có kỹ thuật cơ bản trong tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; mở rộng diện tích nuôi thả cá theo mô hình VACR ngay trong từng hộ gia đình tập trung ở một số xã như Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Nà Bủng, Chà Nưa, nâng diện tích chuyên nuôi cá toàn huyện từ 81 ha năm 2014 lên trên 87 ha vào năm 2020.

5.jpg

6.jpg

Đàn trâu của một số hộ gia đình ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ

 Ông Thùng Văn Siêng, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ cho biết: Để đạt được các chỉ tiêu mà Nghị quyết đề ra, huyện chủ trương quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với điều kiện tự nhiên thực tế sẵn có của từng xã. Đàn trâu, bò, ngựa sẽ nuôi tập trung ở các xã: Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Nưa, Nà Hỳ, Nà Bủng, Vàng Đán gắn với quy hoạch trồng cỏ, trồng trọt nhằm phát huy lợi thế so sánh và tạo sản phẩm đặc trưng, chủ lực của vùng; lợn, dê sẽ nuôi các xã như Chà Cang, Nậm Tin, Pa Tần, Na Cô Sa, Chà Nưa, Chà Tở gắn với quy hoạch phát triển sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày để tận dụng phụ phẩm từ sản phẩm trồng trọt và các xã Chà Tở, Nà Hỳ, Nậm Chua, Chà Nưa, Nậm Tin quy hoạch chăn nuôi đàn gia cầm. Vì đây là  những địa phương tập trung dân cư, có thị trường tiêu thụ tại chỗ tương đối lớn, mặt khác các địa phương này có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển dịch vụ hỗ trợ như thức ăn chăn nuôi, thú y. Đồng thời nhân rộng các mô hình liên kết hộ trong chăn nuôi, thực hiện quy ước, hương ước tại các bản về khu vực  quy hoạch chăn nuôi, hạn chế tối đa thả rông gia súc, gia cầm dẫn đến tình trạng khó kiểm soát dịch bệnh và không đảm bảo vệ sinh môi trường.

9.jpg

10.jpg

Đồi cỏ Non xanh biếc ở xã Phìn Hồ cung cấp nguồn thức ăn chính cho trâu bò, Dê của các hộ gia đình

 Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi của huyện Nậm Pồ chưa tương xứng với tiềm năng và thiếu tính bền vững. Tình trạng các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, thả rông gia súc, gia cầm phổ biến hầu hết ở các địa phương. Việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho ngành chăn nuôi còn hạn chế, dẫn đến việc gắn liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Đó là những hạn chế mà huyện cần khắc phục để ngành chăn nuôi phát triển bền vững./.

Mắn On
Đài Truyền thanh -TH
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên