Chủ động triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024, trong 8 tháng đầu năm, huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, nhân dân trên địa bàn tích cực thực hiện. Đến nay, Nậm Pồ có thêm nhiều dự án hỗ trợ sản xuất nông - lâm nghiệp bước đầu hiệu quả, từng bước thay đổi nhận thức và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn…
Là một trong các hộ dân mạnh dạn tham gia dự án trồng chanh leo ở Si Pa Phìn, anh Vàng A Lồng, bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn, cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô, trồng sắn, tuy cũng chăm chỉ lao động nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Thực hiện theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, từ năm 2023 gia đình tôi trồng 300 gốc chanh leo đến nay đã thu được vài lứa quả với giá bán hiện nay là 10.000 - 26.000 đồng/kg tôi thấy rằng cây chanh leo cho hiệu quả kinh tế hơn các loại cây trồng khác rất nhiều.
Người dân thu hoạch Dứa tại bản Nậm Chua 4, xã Nậm Chua
Cũng trong địa bàn huyện Nậm Pồ, năm 2023 Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Nậm Pồ đã triển khai Dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ Dứa hữu cơ tại xã Nậm Chua đã bước đầu đem lại hiệu quả. Tham gia dự án có 20 gia đình ở bản Nậm Chua 4, Huổi Cơ Mông trồng giống dứa Queen (hay còn gọi là dứa hoàng hậu) đã đem lại hiệu quả kinh tế khác biệt so với các loại cây trồng truyền thống tại địa phương. Anh Thào A Khai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nậm Chua, nói rằng: Nậm Chua nhiều khó khăn lắm; nhân dân chủ yếu trồng sắn dù vất vả nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp, mà chỉ canh tác được 1-2 năm là đất bạc màu, phải chuyển đi canh tác tại khu vực khác. Song với dự án trồng dứa mới được triển khai đã đem lại cho người dân Nậm Chua một loại cây trồng mới và hướng đi mới nhờ thay đổi cây trồng và thay đổi thói quen sản xuất. Anh Thào A Khai, dẫn chứng: Cùng trên đất nương Nậm Chua nhưng 1ha trồng dứa cho thu gần trăm triệu đồng trong khi trồng lúa nương thì nhiều nhất chỉ gần chục triệu đồng mỗi năm. Bởi vậy, người dân Nậm Chua rất tin tưởng và chủ động chuyển đổi dần đất sản xuất sang trồng dứa và các loại cây ăn quả, cây nông nghiệp khác theo chủ trương được huyện hướng dẫn.
Đồng chí Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch UBND huyện thăm mô hình Quế tại xã Nậm Chua
Đồng chí Lý Thanh Tiềm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ, cho biết: Riêng 8 tháng đầu năm, Nậm Pồ đã hoàn thành 16 dự án hỗ trợ trồng quế (trong đó có 13 dự án cộng đồng, 3 dự án liên kết) có tổng diện tích 232,59ha, với 190 hộ dân ở các xã Nà Hỳ, Nậm Chua, Nà Khoa, Nậm Tin, Nậm Khăn, Vàng Đán, Na Cô Sa, Pa Tần, Chà Cang tham gia. Riêng cây chanh leo, ngoài dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây Chanh leo thuộc nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, với tổng diện tích 40,98ha triển khai từ năm 2023 tại các bản: Van Hồ, Pú Đao, Sân Bay, Nậm Chim I, Chế Phù, Long Dạo, Tân Lập, năm 2024 huyện đã phê duyệt thêm Dự án “hỗ trợ cộng đồng bản Long Dạo và Tân Lập trồng chanh leo” với tổng diện tích 4,35ha gồm 7 hộ dân ở bản Long Dạo, Tân Lập tham gia.
Đồng chí Lê Khánh Hòa, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện thăm Dự án Chanh leo tại bản Van Hồ, xã Si Pa Phìn
Thăm, kiểm tra dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây chanh leo tại các bản: Van Hồ, Pú Đao, Sân Bay, Nậm Chim I, Chế Phù, Long Dạo, Tân Lập trên địa bàn xã Si Pa Phìn vừa qua, đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, đánh giá: Cây chanh leo phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, có thể mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân. Đồng chí Lê Khánh Hòa đề nghị cấp ủy, chính quyền xã Si Pa Phìn cần tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất, nhất là đầu ra sản phẩm, từ đó không những giúp người dân tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng mà còn là hướng đi trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các dự án hỗ trợ sản xuất giảm nghèo, thời gian tới Nậm Pồtiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ và nhân dân về các chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt là những cơ chế, chính sách, những quyền lợi và trách nhiệm liên quan trực tiếp đến người dân trong thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị và các dự án hỗ trợ cộng đồng. Triển khai các dự án hỗ trợ trồng cây chanh leo, cây lạc đỏ, cây khoai tây... Tiếp tục tập trung phát triển cây quế, xây dựng kế hoạch, huy động hệ thống chính trị vào cuộc, lấy cán bộ và các hộ gia đình có điều kiện kinh tế làm nòng cốt, lan tỏa dự án trong người dân, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin cho nhân dân về chất lượng, hiệu quả của cây quế; xác định cụ thể các vùng triển khai trồng, phát triển cây quế đối với diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng; huy động các xã, các cơ quan, đơn vị, trường học xây dựng vươn ươm giống quế (theo điều kiện, khả năng của từng cơ quan, đợn vị, địa phương), để hỗ trợ cho người dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu quế trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc tốt các cây trồng, vật nuôi được hỗ trợ; thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, đồng hành hỗ trợ các xã và người dân tham gia dự án./.