Dưới những cánh rừng xanh bạt ngàn trải khắp xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ là những cây chè rừng mọc tự nhiên đã nhiều năm nay. Phát huy tiềm năng được thiên nhiên ban tặng này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Pa Tần đã và đang phát triển thương hiệu chè sạch của xã hưởng ứng theo chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai.
Theo chân người dân địa phương không lâu, chỉ cần đi qua một con suối ngay gần bản, lên ngay bìa rừng là đã thấy rất nhiều cây chè. Gần như, cây chè có hầu khắp ở các bản của xã Pa Tần, người dân nơi đây thường gọi là chè rừng hoặc chè cây cao. Cây chè rừng, có chiều cao khoảng gần chục mét và theo người dân địa phương ở đây cho biết, đây là loại chè mọc tự nhiên dưới những tán rừng. Ông Vàng Văn Chiêng, bản Pa Tần, xã Pa Tần cho biết: Tôi ở bản Pa Tần này từ những năm 1960 thì đã thấy có sự xuất hiện của cây chè này. Chúng tôi thì cho rằng cây chè này có là do mọc tự nhiên, vì hầu hết các bản trong xã đều có. Hiện nay có 6/9 bản trong xã có cây chè mọc tự nhiên rải rác ở bìa rừng, trong rừng, ở các đồi thấp...Cây chè mọc thành từng khóm, có cây cao trên chục mét, có cây to với đường kính khoảng 15 cm.”
Cây chè mọc thành từng khóm trong rừng
Tuy nhiên, cũng theo một số người cao tuổi cho rằng: những cây chè này là dấu ấn từ thời Pháp thuộc để lại. Một số cụ cao niên kể lại: vào những năm trước năm 1920 một số thanh niên trai tráng của vùng Ba Chà được gọi đi để đào đường, vận chuyển lương thực cho Pháp. Ngày đó Pháp làm con đường chiến lược này để ngựa thồ hàng hóa, lương thực, súng đạn và cũng là nơi để Pháp rút rui vì đường núi xa xôi không có mai phục. Ở địa phận của xã Pa Tần, con đường bắt đầu từ đồi Pom Lung, đoạn km 120 của Quốc lộ 4H kéo dài qua các bản Nậm Thà Nà, Huổi Tre, Huổi Púng… kéo lên tận Mường Toong rồi sang Phong Sa Ly. Nơi đây cũng chính là đường Pháp rút lui qua bên Lào. Do vậy, người dân sở tại ở đây cũng đã đặt giả thuyết, cây chè có thể là do người Pháp đem đến trồng khi mở đường vào thời Pháp thuộc. Ngày nay, chè xuất hiện ở 6/9 bản trên địa bàn xã Pa Tần với trữ lượng lớn. Phát huy lợi thế này, đồng thời cũng là hưởng ứng chương trình “ Mỗi xã một sản phẩm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Pa Tần đã và đang phát triển thương hiệu Chè khô để bán ra thị trường. Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết:“Trên địa bàn xã Pa Tần chúng tôi xác định đưa cây chè tự nhiên sơ chế thành sản phẩm hàng hóa. Đến thời điểm này chúng tôi đã cho rà soát các khu rừng, nương, vườn trên địa bàn. Xây dựng vườn ươm giống được hơn 1 nghìn cây. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn bảo tồn những cây chè đang có, tiến hành tỉa cành để cây chè phát triển búp chè mới”.
Nhân dân sao chè để bán ra thị trường
Thực hiện chương trình“ Mỗi xã một sản phẩm” trong chương trình xây dựng nông thôn mới, sản phẩm chè khô được cấp ủy và nhân dân xã Pa Tần đồng thuận cao chọn làm thương hiệu đặc trưng của xã. Hiện nay, cùng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ về máy móc từ phía huyện Nậm Pồ, xã Pa Tần đã sao được những mẻ chè đầu tiên. Tuy nhiên để thực sự phát triển thương hiệu chè khô cấp bán ra thị trường, đem lại thu nhập thêm cho bà con nhân dân thì trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích chè để tạo nguồn cung ổn định. Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết thêm: “Qua rà soát, chúng tôi ước tính mỗi năm có thể thu gom, sơ chế được khoảng 100 kg chè khô. Về trước mắt thì chúng tôi tiếp tục quảng bá sản phẩm của địa phương mình để nhiều người cùng biết đến. Xã sẽ triển khai mô hình trồng chè với khoảng 2 ha tại 2 bản Pa Tần và Huổi Sâu. Song song với đó, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng chè, tạo nguồn sản phẩm ổn định cấp ra thị trường, tăng thêm thu nhập cho bà con nhân dân.”
Hơn 1 nghìn cây giống được ươm để trồng
Nhưng búp chè được người dân chăm sóc, bảo vệ từ cây chè mọc tự nhiên
Trong khoảng thời gian này, bà con nhân dân đã và đang thu hoạch vụ chè xuân và thực hành sao chè để đảm bảo được độ tươi, ngon nhất của giống chè rừng. Không lâu nữa, thương hiệu chè Pa Tần sẽ được cấp bán ra thị trường, trở thành sản phẩm thương hiệu riêng của xã, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập thêm cho bà con nhân dân./.