Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nậm Pồ vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam đối tượng Lừu Seo Chẻ về hành vi mua bán người. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã lừa cả người thân để bán qua biên giới, vụ việc cảnh báo sự phức tạp về hoạt động của các đối tượng tội phạm, cũng như nhận thức còn hạn chế trong một bộ phận người dân về loại tội phạm này.
Theo kết quả đấu tranh Chuyên án 218H: trước đó ngày 03/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nậm Pồ tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của Chị Giàng Thị D., sinh năm 1985, trú tại bản Nậm Nhừ 2, xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ về việc bị lừa bán sang Trung Quốc. Ngay sau khi nhận được đơn tố giác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã xác lập Chuyên án, đồng thời khẩn trương xác minh thông tin. Bằng các biện pháp nghiệp vụ điều tra, ngày 07/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nậm Pồ đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, bắt khẩn cấp đối tượng Lừu Seo Chẻ - sinh năm 1992, trú tại Thôn Hố Sáo Chải, xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai về hành vi mua bán người.
Đối tượng Lừu Seo Chẻ lừa cả người thân, bán sang Trung Quốc lấy 18 triệu đồng (Luo Seo hnab siv kwv tij neej tsa, muag rau Suav teb rau 18 lab)
Tại Cơ quan điều tra Công an huyện Nậm Pồ, đối tượng Lừu Seo Chẻ đã khai nhận: tháng 2/2018, hai vợ chồng Chẻ sang Trung Quốc làm thuê và quen 1 người phụ nữ dân tộc Mông khoảng 50 tuổi, đối tượng này cho biết có con trai bị mù, đang cần tìm con dâu. Hai bên đã thỏa thuận tìm và đưa phụ nữ sang Trung Quốc để làm vợ cho người thân, Chẻ sẽ được trả tiền. Tháng 5/2018, chị Giàng Thị D. là dì ruột của vợ Chẻ gọi điện thoại nhờ đưa sang Trung Quốc tìm việc làm. Chẻ nảy sinh ý định đưa chị D. sang Trung Quốc bán lấy tiền trả nợ Ngân hàng. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Chẻ đề nghị chị D. tự đi xe khách lên Lào Cai, đồng thời gọi điện thoại cho đối tượng bên Trung Quốc sẽ dẫn người sang, hẹn xem mặt. Đi xe khách đến Lào Cai, chị D. được Chẻ đưa đến Thôn Na Nốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương rồi vượt biên qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đi bộ khoảng 20km đến điểm hẹn, sau khi xem mặt, người phụ nữ đã trả cho Chẻ 5.800 Nhân dân tệ và đưa chị D. đi. Quay về nhà, Chẻ đổi tiền Nhân dân tệ sang tiền Việt Nam được 18.000.000 đồng. Số tiền này Chẻ mang trả nợ Ngân hàng 10.000.000 đồng, mua một điện thoại OPPO theo hình thức trả góp 2.200.000 đồng cho vợ và chi tiêu cá nhân.
Công việc nhẹ nhàng - thu nhập cao không dành cho những người lao động phổ thông, trình độ tay nghề thấp (Maj ua haujlwm - nyiaj tau siab tsis yog rau cov neeg ua haujlwm, kev txawj ntse tsawg)
Qua lời khai có thể thấy, đối tượng phạm tội coi con người là dạng hàng hóa đặc biệt, dễ kiếm lời. Trước sự cám dỗ của đồng tiền, chúng không từ một thủ đoạn nào để lừa gạt những người nhẹ dạ, cả tin và ngay cả người thân để bán sang Trung Quốc. Và thực tế thời gian qua, thực trạng buôn bán người và tình trạng xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã và đang có những diễn biến phức tạp. Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện, trong năm 2018 đã có 1.266 lượt người xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê, gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Từ năm 2013 đến nay, Công an huyện Nậm Pồ đã phát hiện và triệt phá 5 vụ, bắt 8 đối tượng tội phạm mua bán người qua biên giới. Đây chỉ là những vụ án được phát hiện, số liệu này cảnh báo những rủi ro và hệ lụy khó lường khi xuất cảnh trái phép, cũng như thực trạng gia tăng loại tội phạm buôn bán người nguy hiểm.
Đối tượng Mùa Thị Phếnh - trú bản Pá Kha, xã Nà Bủng bị bắt và đang chịu hình phạt hơn 7 năm tù giam vì tội danh mua bán người năm 2016 (Mua Thi Thinh - Pa Kha zos, Na Bui commune raug ntes thiab raug txim mus rau ntau tshaj 7 xyoo nyob rau hauv tsev lojcuj rau kev lag luam nyob rau hauv cov neeg nyob rau hauv 2016) Thượng úy Lầu A Thắng - Điều tra viên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nậm Pồ cho biết: đối tượng phạm tội mua bán người rất khó phát hiện, hầu hết vụ việc đều không diễn ra trên địa bàn. Bên cạnh đó thì nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chỉ cần qua mạng xã hội là nạn nhân đã tin tưởng và chủ động liên hệ với đối tượng tội phạm, có trường hợp chốn tránh gia đình để đi theo đối tượng. Khi đã bị bán sang bên kia biên giới, các nạn nhân bị các đối tượng tịch thu và ngăn chặn các phương tiện, không thể liên lạc được với gia đình hay cơ quan chức năng, do đó rất khó điều tra và xử lý pháp luật cũng như việc giải cứu nạn nhân, nhất là những đường dây hoạt động có móc mối với đối tượng bên kia biên giới.
Hai anh em Hờ Seo Chùa và Hờ A Quang, trú ở bản Tàng Do, xã Nậm Tin đang chấp hành bản án 32 tù giam tại Trại giam Nà Tấu, một bản án nghiêm khắc cho tội danh mua bán người (Ob tug kwv Hao Seo Chua thiab A Quang, uas nyob hauv lub zos Do Do Zos, Nam Tin Commune, tau ua txhaum rau 32 xyoos nyob rau ntawm Na Tang Holdings Center, tus kab lus loj heev rau kev ua txhaum ntawm tib neeg kev lag luam)
Cần hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các xã trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, cảnh giác trước các thủ đoạn của các loại tội phạm
Thời gian qua, công tác phòng chống, đấu tranh với các loại tội phạm đã được các cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Nhất là công tác tham mưu, phối hợp thực hiện, qua đó đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia, góp phần hạn chế được sự gia tăng của các loại tội phạm. Tuy nhiên, Nậm Pồ là một huyện vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, trình độ dân trí cũng như nhận thức về pháp luật của người dân còn mặt hạn chế, đây là điều kiện thuận lợi để các loại tội phạm hoạt động, đặc biệt là tội phạm mua bán người. Để công tác phòng chống các loại tội phạm có hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng huyện, thì cần hơn nữa sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các xã trong việc nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật đối với người dân, đặc biệt là tại các xã vùng cao, địa bàn biên giới của huyện. Và hơn tất cả - chính người dân là yếu tố quyết định, đồng bào vùng biên giới cần hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm buôn bán người, cùng chung tay ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.
Luật Phòng, chống mua bán người chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2012. Luật có các quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ các hành vi, bổ sung các tình tiết định khung,… về tội mua bán người, tạo tiền đề pháp lý cho các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh đối với các loại tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Điều 151, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định chế tài đối với tội mua bán người dưới 16 tuổi: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo… Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội; đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng… Nếu phạm tội trong trường hợp có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, làm nạn nhân chết… thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. |