Thảo nguyên Khau Sao thuộc thôn Suối Mạ A (Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn) là nơi chăn thả hơn 1.700 con ngựa trong đó có gần 700 ngựa bạch thuần chủng nguồn gốc từ Việt Nam. Nơi đây, đồng bào người Tày và Nùng sinh sống chủ yếu nhờ chăn nuôi.
Những ngọn núi cao gần 1.000 mét nối tiếp nhau là nơi mọc nhiều cỏ cùng nguồn nước trong, khí hậu thoáng mát khiến loài ngựa bạch sinh sôi nhanh. Trung bình một năm số ngựa bạch của vùng tăng lên khoảng 25%.
"Ngựa được chăn thả hoàn toàn tự nhiên mà không tốn công chăm sóc. Sáng người dân lên thả ngựa, chiều dắt ngựa về nơi uống nước và buộc ngựa vào khu riêng của từng gia đình để tiện theo dõi tình trạng sức khoẻ", anh Nông Văn Hải, thôn Suối Mạ A cho biết.
Ngựa được thả rông từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, sống theo đàn và được đánh dấu riêng bằng tiếng chuông ở cổ. Mỗi nhà sẽ có tiếng chuông khác nhau.
"Mỗi gia đình trong xã nuôi từ 2 đến 15 con ngựa bạch, số lượng ngựa luôn được khống chế để tiện cho việc chăm sóc. Ngựa được chăn thả ở đây rất ít khi bị bệnh, người dân chỉ phải phòng tránh bệnh tiêu hoá trong mùa mưa và mùa đông", anh Trần Văn Quân, cán bộ thú y huyện Chi Lăng nói.
Ngựa bạch thuần chủng ở Lạng Sơn có thân hình nhỏ, trọng lượng từ 70 đến 100kg. Lông màu trắng, mắt, mũi, móng màu màu hồng. Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt và nấu cao.
Ôg Nông Quang Đảm, chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cho biết: "Ngựa bạch tự phát từ nguồn gốc ngựa thường từ năm 1965. Thời điểm đó, vài con xuất hiện lác đác, sau đó cứ nhân lên tới gần 700 con. Ngựa bạch dễ nuôi, dễ tiêu thụ nên mang lại kinh tế ổn định cho các hộ gia đình. Bốn con ngựa xây được cái nhà, sáu con ngựa mua được ôtô".
"Ngựa nhỏ 6 tháng tuổi có giá 20 triệu, ngựa cái 40 triệu, ngựa đực có thể bán đến 70 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chính là Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nội...", bà Nguyễn Thị Định vui vẻ nói.