“Xá hô” chiều 30 Tết
Thời gian đăng: 24/01/2020 08:48:18 PM

 

“Ba Chà” là cách gọi chung của người dân địa phương cho cả 3 xã Chà Nưa, Chà Tở, Chà Cang của huyện Nậm Pồ. Trước đây thuộc huyện Mường Chà của tỉnh Lai Châu (cũ). Cư dân Ba Chà chủ yếu là người dân tộc Thái, ngành Thái trắng và có chung một nền văn hóa lâu đời. Cùng với văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống hay các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, dân tộc Thái ở Ba Chà ngày nay vẫn còn lưu giữ phong tục gội đầu chiều 30 Tết để cầu may mắn trong năm mới.

 37image001.jpg

Người Thái trắng bản Mới 1, bản Mới 2, xã Chà Cang xuống suối

Hô Bai làm lễ gội đầu chiều 30 Tết nguyên đán Canh Tý 2020

Từ trưa ngày 30 Tết Nguyên Ðán Canh Tý 2020, già trẻ, trai gái ở bản Mới 1, xã Chà Cang cùng nhau ra dòng suối Hô Bai để thực hiện nghi thức gội đầu,  theo tiếng Thái gọi là “xá hô”.  Đây là một nghi lễ đặc biệt đối với người Thái trắng ở “Ba Chà. Ông Khoàng Văn Trâm, Bản Mới 1, xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ cho biết: Buổi chiều ngày cuối cùng của năm, nhà tôi chọn giờ đẹp rồi gia đình xuống suối làm lễ gội đầu, gột rửa những xui xẻo, không may mắn của năm cũ và cầu năm mới cả đại gia đình có sức khỏe, làm ăn phát đạt. Như ngày xưa sau nghi lễ “ xá hô” sẽ gội đầu tại suối luôn. Nhưng bây giờ suối bẩn, ô nhiễm nhiều nên không thể dùng gội đầu được, chỉ xuống làm lễ xong về nhà gội nước ở nhà….

 37image002.jpg

Lễ gội đầu của gia đình ông Khoàng Văn Trâm bên bờ suối Hô Bai gồm: Nén hương, bát nước bồ kết và cây kiếm

 Nước gội đầu được chuẩn bị sẵn và nấu bằng những hương liệu tự nhiên như: Bồ kết, lá sả và một số nguyên liệu lá thơm được lấy từ rừng. Họ thường chọn những tảng đá lớn bên bờ suối để làm lễ. Phần nghi lễ được thực hiện theo từng gia đình hoặc theo dòng họ. Theo đó, người trưởng họ, hoặc người có vai trò chính trong gia đình, có thể là ông nội, bà nội, hoặc cha mẹ, tùy theo từng gia đình. Người thực hiện nghi lễ sẽ thắp một nén nhang trên bờ suối, tay nhúng bát nước gội đầu đã nấu vẩy lên đầu của từng người. Người chủ lễ vừa thực hiện hành động vẩy nước vào đầu từng người vừa khấn với nội dung xóa bỏ những điều xui xẻo, ốm đau trong năm cũ, cầu cho một năm mới sức khỏe, bình an, may mắn…Sau đó mỗi người chải tóc, gội đầu trên dòng suối và nói lời cầu mong cho một năm mới cho chính bản thân mình. Người Thái ở đây quan niệm rằng: Tắm gội trên dòng suối Hô Bai là sẽ gột rửa được những điều không may mắn trong năm cũ để chào đón một năm mới an lành, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Cùng với nghi lễ “ xá hô” người đàn ông, người chủ gia đình sẽ đem theo một thanh kiếm hoặc con dao quý là vật gia truyền, ngày thường họ vẫn để ở một nơi trang trọng nhất trên bàn thờ tổ tiên. Khi ra bờ suối, họ thực hiện một số nghi thức để rửa thanh kiếm được coi như một thứ bảo bối để bảo vệ cả gia đình được bình an và may mắn. Ông Lèng Văn Lả, Bản Mới 1, xã Chà Cang cho biết thêm: Trước khi đi gội đầu, tùy theo tổ tiên từng gia đình, mỗi gia đình phải sắp xếp hết bàn thờ, bánh kẹo, hoa quả lên, rồi mới đi gội đầu.  Gội đầu về mới mổ gà, mổ lợn  làm mâm cơm cúng tổ tiên. Đây là tục lệ không thể thiếu cuả người Thái ở đây.

 37image003.jpg

Ông Lèng Văn Lả đang làm lễ gột rửa xui xẻo cho 2 con trai của mình

Gội đầu chiều 30 Tết là một phong tục truyền thống, một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, ngành Thái trắng ở “Ba Chà” còn được gìn giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay./.

 

 

Mắn On
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên