Ấm no nhờ ruộng bậc thang
Thời gian đăng: 16/10/2017 05:39:04 PM
Người Mông ngày xưa chỉ biết phá rừng trồng lúa nương... bởi vì như vậy mà cái đói, cái nghèo cứ bám lấy mỗi gia đình từ năm này qua năm khác. Những năm trở lại đây, người Mông đã nghe theo Đảng, làm theo Nhà nước khai hoang ruộng bậc thang để trồng lúa nước nên cuộc sống đã no ấm rồi. Đó là những chia sẻ rất phấn khởi giữa một vụ mùa vàng bội thu của gia đình anh Vàng A Ký ở bản Pháng Chủ, xã Phìn Hồ.

1.jpg

Ruộng bậc thang đem lại ấm no ( ruộng bậc thang ở xã Phìn Hồ)

          Đứng trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng, mấy anh em nhà anh Vàng A Ký đang thu hoạch những bông lúa trĩu vàng. Những tiếng cười nói giòn giã át đi không khí mệt nhọc của ngày gặt, bởi đây đã là mùa lúa bội thu thứ 2 kể từ khi khai hoang được ruộng bậc thang. Anh Vàng A Ký phấn khởi nói: Ba anh em nhà tôi chung nhau làm đám ruộng này, ngoài chỗ này thì còn khai hoang ở nhiều chỗ khác nữa, cứ có nguồn nước là mình khai hoang thôi. Từ khi khai hoang ruộng bậc thang thì cả ba gia đình không năm nào lo thiếu gạo ăn nữa, mỗi năm riêng gia đình tôi cũng thu được từ 70 bao trở lên, trước đây làm lúa nương chỉ được khoảng 20 bao thóc thôi, không đủ ăn. Mình làm ruộng bậc thang còn được hỗ trợ tiền khai hoang nữa, rất cám ơn Đảng và Nhà  nước.

2.jpg

Niềm vui được mùa của vợ chồng anh Vàng A Ký trên những thửa ruộng bậc thang

Niềm vui được mùa của đại gia đình anh Vàng A Ký chỉ là số ít trong số rất nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nậm Pồ. Ông Hồ Chử Dung, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ khẳng định: Trong 2 năm trở lại đây, nhân dân xã Phìn Hồ đã khai hoang được gần 13ha ruộng bậc thang, nhờ chuyển từ canh tác lúa nương sang canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang, nhiều hộ gia đình đã không còn thiếu gạo ăn. Khai hoang ruộng bậc thang và chăn nuôi đàn đại gia súc là hướng đi chắc chắn đưa nông dân thoát nghèo. Đó cũng chính là hướng đi mà xã chúng tôi đã và đang định hướng cho nhân dân làm theo để đưa kinh tế xã hội xã nhà phát triển.

3.jpg

Lúa nương phát triển kém do đất đai cằn cỗi, bạc màu

          Chúng tôi đã thăm một cánh đồng của bà con người Mông từ Nậm Nhừ xuống làm ở Nà Hỳ. Anh Thào A Phú tâm sự: Người Mông đến đây gần 30 năm rồi, phá rừng làm nương thì ngày càng nghèo đói; chỉ làm ruộng nước, ruộng bậc thang thì không nghèo. Bây giờ không đốt rừng làm nương nữa.

          Từ năm 2013 đến nay, huyện Nậm Pồ đã khai hoang được 314ha ruộng bậc thang, phục hóa 42ha đất canh tác lúa ruộng và hoa màu. Thực hiện chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp theo Nghị quyết 30a/CP, từ năm 2013 - 2016 huyện Nậm Pồ cũng đã hỗ trợ gần 4,9 tỷ cho bà con nhân dân có diện tích khai hoang, phục hóa. Tại một số xã như: Nậm Tin, Nà Bủng, Si Pa Phìn, Na Cô Sa và Nà Khoa, chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như, vụ đông xuân năm 2016 – 2017, nhờ khai hoang ruộng bậc thang mà 3 xã: Nà Bủng, Nậm Tin và Na Cô Sa lần đầu tiên hoàn thành và vượt kế hoạch sản xuất vụ đông xuân huyện giao. Đối với diện tích phục hóa, người dân đã chuyển đổi từ cây ngô, sắn sang trồng chuối tây ở xã Nậm Tin; đậu tương, lạc ở xã Nà Bủng, Nà Hỳ…

4.jpg

Nông dân Nậm Pồ đưa máy móc vào khai hoang thay sức người

Để phong trào tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, hàng năm, huyện Nậm Pồ đã đưa chỉ tiêu khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang vào phong trào thi đua của toàn huyện. Kỳ họp HĐND huyện cuối năm, huyện giao chỉ tiêu khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang năm tiếp theo cho từng xã. UBND các xã căn cứ chỉ tiêu để xây dựng kế hoạch triển khai tại các thôn bản, dưới sự quản lý, giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Kết thúc năm, chính quyền xã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đi nghiệm thu và chi trả tiền hỗ trợ cho người dân theo đúng quy định. Đối với mức kinh phí hỗ trợ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết 30a/CP. Cụ thể: Giai đoạn năm 2013 – 2015, mức hỗ trợ khai hoang là 10 triệu đồng/ha, phục hóa 5 triệu đồng/ha. Từ năm 2016 đến nay, mức hỗ trợ khai hoang 15 triệu đồng/ha, phục hóa 10 triệu đồng/ha. Khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang bước đầu cho thấy hiệu quả, không chỉ cho năng suất, sản lượng cây trồng cao, ổn định, thay đổi tư duy sản xuất của người dân mà còn nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng phá rừng trên địa bàn.

Ruộng bậc thang đã và sẽ đem đến ấm no cho đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân từ bỏ canh tác lúa nương sang canh tác lúa lước, quan tâm đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi để nhân dân tích cực khai hoang, từng bước xóa đói giảm nghèo./.

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên