Anh Giàng A Phổng, một người nông dân ở bản khó khăn bậc nhất của huyện ( bản Pắc A 1, xã Na Cô Sa) đã bán trâu để đầu tư phát triển mô hình kinh tế mới là trồng cây sa nhân, trồng chuối và đào ao thả cá. Anh Phổng là một trong những điển hình tiêu biểu đại diện cho một bộ phận nông dân Nậm Pồ đã và đang tự lực vươn lên để phát triển kinh tế, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Anh Phổng kỳ vọng sẽ đổi đời nhờ vườn chuối và sa nhân
Tài sản có giá trị nhất của gia đình anh Phổng chính là đàn trâu gồm 6 con, nếu vẫn theo hướng phát triển đàn trâu như vậy, mỗi năm sẽ cho thu nhập khoảng 20 triệu nếu “thuận buồm xuôi gió” không bị dịch bệnh, hay tai nạn gì khác. Mặc dù cũng là mức thu nhập khá ổn với những người nông dân ở bản nghèo Pắc A 1, nhưng thay vì chấp nhận mức thu nhập ổn định này, anh Phổng quyết định bán hẳn 3 con trâu lấy tiền làm số vốn khởi đầu cho một mô hình phát triển kinh tế mới. Với số vốn này, anh bắt tay vào trồng sa nhân và trồng chuối. Anh cho biết: Làm lúa nương cũng nhiều năm rồi, chỉ đủ ăn thôi, trâu bò thì mình không có nhiều tiền để mua con giống mà nuôi nhiều, cứ nuôi được thì mỗi năm lại bán 1, 2 con lấy tiền cho con đi học. Mãi như thế, bao nhiêu năm nay cũng mới chỉ thoát khỏi diện hộ nghèo thôi. Vì vậy, năm ngoái mình quyết tâm bán 3 con trâu đi để mua cây sa nhân, cây chuối và đào ao thả cá. Mình quyết tâm theo mô hình kinh tế này và hy vọng sẽ thay đổi được cuộc sống.
Với số tiền nhờ bán trâu, anh Phổng đi mua 1.500 gốc cây sa nhân và 160 gốc chuối Tây về trồng xem kẽ lẫn nhau. Sau 1 năm, chuối đã cho thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ cho thu nhập được 800 nghìn. Còn cây sa nhân, sau một năm trồng đã phát triển tốt. Đứng giữa vườn chuối và cây sa nhân anh Phổng kỳ vọng: Bình thường giá sa nhân bán tại Na Cô Sa được khoảng 700 nghìn một kg. Vườn sa nhân mà phát triển tốt, mỗi năm mình sẽ có một khoản thu nhập. Từ số tiền này, mình sẽ tiếp tục mua cây sa nhân về trồng nữa, dần dần như vậy để mở rộng diện tích trồng sa nhân.
Anh Phổng chăm chút từng gốc cây sa nhân
Bên cạnh đó, với số tiền bán trâu, anh Phổng còn thuê máy xúc để đào ao thả cá. Với diện tích ao trên 1 nghìn mét vuông, anh Phổng đã đầu tư nhiều giống cá như: rô phi; chép; mè; trôi... Anh trồng thêm nương sắn, cỏ voi ngay cạnh ao để tiện thức ăn cho cá. Mặc dù mới đào ao năm ngoái, nhưng với lứa cá đầu tiên, anh đã thu về được 20 triệu đồng với 5 tạ cá xuất bán tại địa phương. Chia sẻ thêm lý do quyết tâm đào ao thả cá, anh Phổng nói: xã Na Cô Sa mình, đi ra chợ để mua được một con cá thì khó lắm, gần như còn chưa có ai bán cá, mà gần như cả xã chưa ai nuôi nhiều cá để mang ra chợ bán. Thấy thế này, tôi quyết tâm nuôi cá để bán. Khả năng lớn là sẽ bán được thôi.
Ao cá nhà anh Phổng với kỳ vọng cung cấp cá tươi cho chợ trung tâm xã Na Cô Sa
Sau một năm bắt tay vào phát triển kinh tế với mô hình trồng cây sa nhân, trồng chuối và đào ao thả cá đem lại những thành quả bước đầu làm động lực để anh tiếp tục mở rộng quy mô. Đồng thời, không chỉ dừng lại ở đây, anh sẽ tiếp tục thử sức với những giống mới như: chè; cánh kiến. Anh cho biết: Trong thời gian tới, với mỗi lợi nhuận đem lại từ cây sa nhân, cây chuối và nuôi cá, mình sẽ tiếp tục mua cây giống về trồng, trong năm 2018 này, gia đình dự định trồng thêm 2 nghìn gốc chuối lên toàn bộ diện tích nương, không làm nương nữa. Mình trồng chuối lên để tạo bóng cây, sau đó mới tiếp tục trồng thêm cây sa nhân dưới những gốc chuối.
Câu chuyện anh Phổng bán trâu để mua các loại cây con giống mới về phát triển mô hình kinh tế gia đình trở thành sự kiện nổi bật nhất năm 2017 ở xã nghèo Na Cô Sa. Một bộ phận người dân lấy đó làm gương để định hướng con đường phát triển kinh tế. Tin tưởng rằng, với sự tự tin, sự chủ động chịu khó tự nghiên cứu, học hỏi, anh Phổng sẽ sớm “đổi đời” từ mô hình kinh tế mà anh là người đầu tiên của xã dám thử nghiệm./.