Dịp cuối năm là tháng cao điểm của nhiều đợt rét đậm rét hại kéo dài. Với địa phương miền núi như huyện Nậm Pồ có nơi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp dưới 10 độ C, rất dễ gây ảnh hưởng đến đàn gia súc của người dân. Trước tình hình đó cơ quan chuyên môn huyện, bà con nông dân, đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp trong phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho đàn gia súc trên địa bàn.
Người dân Si Pa Phìn quây kín chuồng trại chăn nuôi
Năm 2020, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện đạt gần 70.000 con, trong đó đàn trâu hơn 23.000 con, bò gần 5.500 con. Chăn nuôi gia súc luôn được Nậm Pồ xác định là chủ lực trong phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững. Nhận định những ngày giá rét là điều kiện dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, vì vậy, ngay từ cuối tháng 10, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống rét, dịch bệnh gia súc, gửi đến các cơ quan chuyên môn, các xã trên địa bàn. Trong đó chú trọng hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chống rét, chống đói cho gia súc. Đặc biệt đối với đàn gia súc ăn cỏ (trâu, bò, ngựa, dê) bằng mọi hình thức, nguồn lực sẵn có tại địa phương: Dự trữ và bảo quản rơm rạ không để bị nấm, mốc; tăng cường chăm sóc diện tích cỏ trồng và các cây thức ăn khác như ngô trồng, cây chuối, tìm kiếm các loại lá cây rừng đảm bảo cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho gia súc ăn cỏ trong mùa đông. Đồng thời, cần bổ sung thêm nguồn thức ăn tinh (cám, bột ngô, bột sắn hoặc cháo ấm…), cho uống nước ấm pha thêm muối loãng để tăng khả năng chống rét. Củng cố chuồng trại, che chắn tránh gió lùa, chống rét bằng các tấm phên đan từ tre nứa hoặc bạt quây quanh chuồng trại. Giữ nền chuồng khô ráo, ấm áp và tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi (đốt củi, trấu gần chuồng trại); lót nền chuồng bằng rơm, rạ, trấu để gia súc ngủ, nghỉ có đủ nhiệt ấm. Cho gia súc về chuồng trại, đồng thời cho gia súc nghỉ làm việc trong những ngày mưa rét, khi nhiệt độ thời tiết dưới 12 độ C. Ngoài ra, các UBND xã phân công cán bộ trực tiếp xuống cơ sở tiến hành tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nhằm đảm bảo đàn vật nuôi khỏe mạnh, phát triển và có sức đề kháng tốt trong mùa đông.
Nếu như trước đây, người dân ở các xã vùng cao của huyện vẫn còn duy trì tập quán chăn thả gia súc tự do, thì giờ đây nhờ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên thói quen này đã dần thay đổi. Cùng với đó, cán bộ thú y, khuyến nông xã, bản đã tích cực thông báo đến các hộ gia đình, khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp chống rét, giảm thiểu tối đa thiệt hại do giá rét đối với đàn gia súc. Ông Cháng A Dè, Chủ tịch UBND xã Nà Bủng, cho biết: Để tránh những thiệt hại về kinh tế không đáng có, UBND xã đã tuyên truyền, vận động bà con khắc phục ngay tâm lý chủ quan trong phòng chống rét cho vật nuôi, không thờ ơ trong phòng chống rét cho gia súc. Ngay từ đầu mùa đông UBND xã đã chỉ đạo cán bộ thú y, các ban ngành đoàn thể đến nhà bà con nhân dân tuyên truyền, vận động sửa và tu bổ lại những trang trại, chuồng trại; hướng dẫn bà con ủ rơm để đảm bảo nguồn thức ăn và bổ sung thêm thức ăn tinh bột, muối khoáng để tăng cường sức đề kháng cho gia súc trong những ngày giá rét. Đến thời điểm này, UBND xã đã cử cán bộ đến 9/9 bản trên địa bàn xã với mục tiêu làm sao để phòng chống rét, dịch bệnh tốt nhất cho gia súc.
Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, khi nhiệt độ xuống thấp, hoặc có sương muối, gia đình chị Lèng Thị Hiền, bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, đã lùa gia súc từ bãi chăn thả về chuồng nhốt để tránh rét. Chị Lèng Thị Hiền, cho biết: Nhà tôi có 30 con bò và trâu. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu mùa đông năm nay, gia đình tôi chủ động tu sửa hệ thống chuồng trại kín đáo và chắn chắn hơn. Không chỉ vậy, gia đình tôi còn chủ động tích trữ rơm rạ, tích cực trồng thêm cỏ voi để bổ sung thêm nguồn thức ăn tươi cho gia súc trong những ngày giá rét. Hôm nào trời rét quá thì không cho trâu bò ra khỏi chuồng mà cắt cỏ về cho ăn hoặc sử dụng thức ăn dự trữ. Khi nào trời ấm lên thì cho trâu, bò ra ngoài để dọn dẹp, chuồng trại sạch sẽ xong mới cho vào.
Với việc chủ động, tích cực trong chỉ đạo của chính quyền địa phương cùng ý thức của người dân trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi sẽ góp phần hạn chế thấp nhất các thiệt hại không đáng có do thời tiết giá rét gây ra, bảo đảm đàn gia súc an toàn và phát triển ổn định theo mục tiêu của huyện đề ra./.