Bảo vệ rừng và làm giàu rừng là một hướng đi hiệu quả
Thời gian đăng: 22/06/2018 08:37:01 AM

Nậm Pồ là huyện biên giới tiếp giáp với nước CHDCND Lào, có diện tích tự nhiên là 149.559,00 ha; diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp: 122.175,23 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 58.906,08 ha, độ che phủ 39,4%.Với lợi thế có diện tích đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên lớn, người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sản xuất chủ yếu Nông - Lâm nghiệp và bảo vệ rừng, đó là điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn huyện.

t9image028.jpg

Bảo vệ rừng bền vững ở xã Nậm Khăn

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện các chính sách ưu tiên, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng bảo vệ và phát triển rừng. Qua các chương trình như Nghị quyết 30a/CP, Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 đã từng bước hỗ trợ nhân dân tăng thu nhập kinh tế, hưởng lợi từ rừng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

t9image029.jpg

Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn nước, tạo an ninh sinh kế cho cộng đồng cư dân

Trên địa bàn huyện Nậm Pồ, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong 5 năm qua đã được các cấp, các ngành và người dân đặc biệt quan tâm. Với tiềm năng lợi thế của huyện và giá trị kinh tế từ rừng mang lại đối với phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã giải quyết cho hàng chục nghìn lao động nông thôn có công ăn việc làm ổn định, thu nhập từ trồng rừng, dịch vụ môi trường rừng, bình quân mỗi năm mỗi hộ thu từ 5 đến 6 triệu đồng, có nơi từ 18 đến 25 triệu đồng, từ đó giúp nhân dân ổn định sản xuất, phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ là một chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với lòng dân. Trong 4 năm qua, nhân dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng đã chi trả cho các chủ rừng trên địa bàn huyện trên 130 tỷ đồng.

t9image030.jpg
Quản lý rừng bền vững đòi hỏi các tổ chức tham gia cần xác nhận vai trò và quyền lợi của cộng đồng trong hoạt động quản lý rừng              

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện đã có những tác động tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Môi trường rừng đã từng bước được tái tạo phục hồi rừng, cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì các nguồn nước phục vụ cho con người, khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất, chăn nuôi, tăng cường nguồn nước cho các cơ sở sử dụng thủy điện. Thực hiện chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính còn góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường rừng. Đây là những hiệu quả thiết thực mà chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại.

t9image031.jpg

Cộng đồng cư dân địa phương, các chủ rừng là những người đầu tiên hưởng lợi trong các hoạt động quản lý rừng bền vững

Với phần lớn diện tích rừng ở Nậm Pồ là rừng già tự nhiên nên thảm thực vật dưới tán rừng phát triển mạnh, cung cấp cho con người nguồn lâm sản phụ đa đạng, phong phú, như: Sa nhân, thảo quả, măng, nấm, mộc nhĩ, lá dong, mật ong, nguyên liệu sản xuất hàng thủ công, dược liệu... Nhận thấy nguồn lợi lớn từ lâm sản phụ, ngày 15/8/2017, UBND huyện Nậm Pồ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về bảo vệ và khai thác nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng. Chỉ thị yêu cầu chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức của nhân dân về quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Từ đó, đổi mới và có nhiều cách làm hay, sáng tạo để bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả nguồn lâm sản phụ dưới tán rừng. Nhiều mô hình trồng các loại lâm sản ngoài gỗ được nhân rộng, điển hình như: Mô hình trồng Sa Nhân xanh dưới tán rừng ở xã Nậm Khăn, Chà Nưa, Chà Tở, Pa Tần; Mô hình trồng Chít tại xã Nậm Nhừ, Nậm Chua, Nà Khoa; Mô hình trồng cây thảo quả ở xã Na Cô Sa,… hàng năm mang lại cho nhân dân hàng chục tỷ đồng. Việc tiếp cận với tài nguyên rừng đã giúp các hộ dân đa dạng hoá sinh kế của họ và giảm khả năng hứng chịu rủi ro để phát triển bền vững. Theo đó, người dân đã dần nhận thức được về lợi ích, hiệu quả kinh tế từ lâm sản ngoài gỗ với giá trị kinh tế của tài nguyên rừng và sự đa dạng sinh học nên đã có ý thức bảo vệ, bảo tồn và phát triển, khai thác một cách hiệu quả và bền vững.

Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, nên vào mùa khô nguồn nước cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Huyện đãđầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt; củng cố, tăng cường công tác quản lý, vận hành các công trình nước sinh hoạt tập trung; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong sử dụng và bảo vệ các công trình nước sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 65 công trình thủy lợi, 108 công trình nước sinh hoạt, trong đó 17 công trình hoạt động bền vững (chiếm 15,7%), 40 công trình hoạt động mức trung bình (chiếm 37%).

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng tài nguyên rừng mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã thực sự gắn bó với rừng, sống dựa vào rừng. Với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và những nguồn lợi quý giá từ rừng đã từng bước nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của nhân dân, phát triển lâm nghiệp, khai thác tài nguyên rừng hiệu quả, bền vững. Từ những kết quả đạt được và lợi ích tài nguyên rừng mang lại có thể nói rằng bảo vệ rừng và làm giàu rừng là hướng đi hiệu quả.

Từ thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng trên địa bàn, trong thời gian tới, công tác quản lý, bảo vệ rừng cần được cải tiến trên cơ sở phương thức lâm nghiệp xã hội với sự tham gia của người dân được hưởng lợi ích trực tiếp từ rừng, sẽ góp phần phát huy vai trò tự chủ của cộng đồng dân cư tại chỗ trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tăng cường sự phối hợp giữa chủ rừng, lực lượng Kiểm lâm và chính quyền địa phương để đảm bảo hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị, phải tham gia, chỉ đạo giải quyết các vấn đề đất đai, sinh kế, an sinh xã hội, đồng thời có biện pháp răn đe, giáo dục, phòng ngừa hành vi vi phạm phá rừng, đốt rừng.

Nhằm làm giàu rừng cần xây dựng mô hình trồng rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, đẩy mạnh việc khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp đặc sản, đặc trưng của vùng; nghiên cứu những loại cây, con giống có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời kết hợp canh tác dưới tán rừng hoặc những loại cây ngắn ngày trồng xen trong giai đoạn đầu rừng chưa khép tán như các loại cây dược liệu, nuôi ong rừng v v...

Cần đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trang bị các tư trang, thiết bị cần thiết cho lực lượng bảo vệ rừng; tuyên truyền việc hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên, khuyến khích sử dụng sản phẩm gỗ rừng trồng và các sản phẩm khác ngoài gỗ. Tăng cường hiệu lực, kỷ cương pháp luật trong công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xâm hại đến tài nguyên rừng./.

 

 

Đồng chí Hạng Nhè Ly - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên