Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn.
Với các khu vực miền núi, dân tộc thiểu số thì được đào tạo nghề với bà con như được trao chiếc “cần câu”, giúp đồng bào có việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Sau 2 lần đầu tư thất bại với nghề trồng nấm được đào tạo, gia đình bà Lò Thị Yêu đành bỏ dở, chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ khác. |
Thế nhưng, ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn lại đang có nhiều bất cập, khi nhiều lao động chưa sống được bằng ngành nghề đào tạo.Việc đào tạo nghề vẫn nặng tính hình thức, chưa sát với thực tế điều kiện của huyện, gây lãng phí thời gian, kinh phí và tạo ra nhiều hệ luỵ không mong muốn.
Năm 2015, sau khi kết thúc khóa học nghề trồng nấm kéo dài 3 tháng, bà Lò Thị Yêu ở bản Nà Hỳ 1, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đầu tư hơn 10 triệu đồng để làm lứa nấm sò đầu tiên. Bước đầu thành công, nấm sinh trưởng tốt, nhưng sản phẩm làm ra không bán được, ngày nhiều cũng chỉ bán được khoảng 5 đến 6kg. Số tiền bán được không đủ trả tiền giống nấm và công cước thuê chở nguyên vật liệu về.
Sau 2 năm cầm cự, 2 lần đầu tư thất bại với cả nghìn bịch nấm không bán được, gia đình đành bỏ dở và chuyển sang kinh doanh nhỏ lẻ khác. Hàng trăm bịch nấm với vốn đầu tư cả chục triệu đồng nay nằm chỏng chơ dưới nhà kho.
“Đợt ban đầu thì làm thử 500 bịch, cũng năng suất nhưng tiêu thụ rất kém, coi như là không tiêu thụ được. Lần 2 thì 1.000 bịch nhưng tiêu thụ không được đủ vốn vì đầu tư ban đầu, cước vận chuyển về rất cao mà tiêu thụ rất kém. Cho nên bây giờ gia đình không làm nữa”, bà Lò Thị Yêu nói.
Tiếng là có nghề trồng nấm nhưng gia đình chị Quàng Thị Hiên nghèo vẫn hoàn nghèo, chuyển về nghề truyền thống làm ruộng, trồng rau để mưu sinh. |
Trường hợp của chị Quàng Thị Hiên, ở bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ cũng là một câu chuyện buồn. Cuối tháng 12 năm 2017, khi cầm được chứng chỉ chứng nhận đào tạo nghề trồng nấm, chị đã tưởng đó là chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế gia đình.
Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu vốn đầu tư, cộng với tâm lý e dè do chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, nên chị cũng không mặn mà để bắt tay vào làm. Hơn 1 năm trôi qua, kiến thức được đào tạo mai một, chị đành quay trở lại với nghề truyền thống là làm ruộng, trồng rau, kiếm sống qua ngày. Tấm bằng chứng nhận đào tạo nghề giờ chỉ được cất trong tủ làm kỷ niệm. Tiếng là có nghề, nhưng gia đình chị nghèo vẫn hoàn nghèo.
Theo lời chia sẻ của chị Hiên, 31 học viên khác cùng khoá học với chị cũng trong tình cảnh cũng tương tự: “Năm 2017, thầy giáo đào tạo cho lớp Nấm thì không làm được tại vì điều kiện khó khăn. Trồng nấm mà không có điều kiện thì mình lấy gì làm, muốn làm chứ nhưng không có. Đi bán rau bán cỏ thì mỗi ngày chỉ được 50.000 đồng nhưng làm nấm thì phải bỏ vốn ra 3 đến 4 triệu đồng mới làm được”.
Bà Yêu, chị Hiên chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bỏ nghề, hoặc đầu tư nhưng nghề được đào tạo không phát huy hiệu quả. Riêng trong năm 2018, hiệu quả từ đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Nậm Pồ được đánh giá gần như con số không, khi cả huyện có duy nhất 1 trường hợp trong tổng số 199 trường hợp được đào tạo phát huy được ngành nghề đào tạo.
Hàng trăm bịch nấm với vốn đầu tư cả chục triệu đồng nay nằm chỏng chơ dưới nhà kho. |
Ông Lò Văn Nọi, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do trình độ, nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhiều học viên chưa học hết tiểu học, chưa nhận thức rõ về chính sách học nghề cũng như ý thức tự vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào nhà nước.
Thêm vào đó, do là địa bàn miền núi khó khăn, giao thông cách trở, nên sản phẩm làm ra từ các ngành nghề được đào tạo không tìm được thị trường tiêu thụ hoặc tiêu thụ rất nhỏ lẻ, dễ gây tâm lý chán nản cho người dân khi không có thu nhập ngay.
“Sau khi đào tạo các học viên ra thì khó tìm việc làm. Khi đào tạo ra được thì một số mô hình không mang lại hiệu quả thực sự cho lắm là do phong tục tập quán, khi làm ra sản phẩm thì thị trường nó khó tiêu thụ để mà lấy được, cung cấp được những con giống hoặc những cây giống vận chuyển về đây rất khó khăn. Để đào tạo một cái ngành nghề, chúng tôi cũng cố gắng tuyên truyền nhưng mà hiện tại đơn vị không đăng ký được nghề mà liên kết đào tạo thì các cơ quan đến thời điểm không đăng ký được nghề không dạy được những nghề mà học viên mình muốn học”, ông Lò Văn Nọi nói.
Không đăng ký được nghề liên kết đào tạo theo nhu cầu của người dân, nên trong năm 2018, dù dự kiến mở 17 lớp đào tạo với khoảng 540 học viên, nhưng Trung tâm dạy nghề huyện Nậm Pồ chỉ thực hiện được 37% kế hoạch với 6 lớp, 199 học viên. Các ngành nghề đào tạo cũng mới chỉ dừng ở kỹ thuật trồng, bảo quản, chế biến nấm và kỹ thuật xây dựng vốn là những nghề được cho là không đem lại hiệu quả trên địa bàn trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, phần lớn người dân trên địa bàn vẫn giữ tập quán sản xuất trên nương, việc vận động người dân tăng cường sản xuất lúa ruộng vẫn còn khó khăn, chưa nói đến chuyển đổi cây trồng, sản xuất theo các ngành nghề được đào tạo. Do đó, đào tạo nghề cho lao động sao cho hiệu quả hiện thực sự là bài toán khó, chưa có lời giải ở địa phương.
“Bây giờ chỉ có vận động để mà tăng cường sản xuất lúa ruộng đã là khó, chưa kể đến là bây giờ thay đổi cái tập quán, thay đổi loại cây trồng, thay đổi sản phẩm sản xuất để có thu nhập cao là rất khó. Cho nên ngành nghề tại địa phương khó. Những ngành nghề phi nông nghiệp lại càng khó vì các lĩnh vực phi nông nghiệp chưa phát triển vào đến đây. Vì thế cho nên chỉ được một số nghề cơ bản cho địa phương như chăn nuôi gà, lợn, trâu bò, phòng chống dịch bệnh… thế còn vẫn chưa phát triển được”, ông Nguyễn Văn Thái chia sẻ.
Đáng lo ngại là do không có việc làm, thu nhập ổn định, nên không ít người dân ở Nậm Pồ đã bất chấp nguy hiểm, vượt biên ra nước ngoài để làm thuê, lao động trái pháp luật. Điều này đang dẫn đến nhiều hệ lụy rất khó lường./.
Còn tiếp...