Mặc dù Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Nậm Pồ đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các xã thực hiện nghiêm túc việc phòng chống đói rét cho gia súc, nhưng hiện nay nhiều xã triển khai thiếu quyết liệt, cùng với đó là tâm lý chủ quan trong phòng chống đói, rét cho gia súc vẫn còn ở nhiều hộ dân, đặc biệt là tình trạng chăn thả rông gia súc khi nhiệt độ ngoài trời dưới 100c còn khá phổ biến, hậu quả đã có 232 con gia súc bị chết. Đây là điều các xã cần khắc phục ngay, bởi hiện nay theo dự báo thời tiết rét đậm, rét hại tiếp tục kéo dài đến giáp Tết Nguyên đán.
Chỉ tính riêng trong tháng 01/2018, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh, thời tiết trên địa bàn huyện Nậm Pồ có nhiều bất lợi, nhiệt độ xuống thấp đã gây ra 2 đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa, nền nhiệt ngoài trời phổ biến ở 10 - 120c. Tại các xã biên giới như Si Pa Phìn, Phìn Hồ nhiệt độ về đêm và sáng thường xuống dưới 50c. Song việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc tại nhiều xã thực hiện thiếu quyết liệt, nhất là khâu đôn đốc các hộ dân che chắn chuồng trại, nuôi nhốt gia súc tại chuồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân vẫn còn thờ ơ trong việc phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Tình trạng chăn thả rông gia súc trong thời tiết giá lạnh vẫn còn khá phổ biến. Gia đình ông Vàng A Pánh ở bản Nậm Đích, xã Chà Nưa nuôi 5 con trâu, do không dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi, ông đã thả trâu lên rừng trong khi nhiệt độ ngoài trời chỉ 50c. Ông Pánh cho biết: nhà mình chỉ thả mấy con trâu cái và 2 con trâu đực, còn con trâu đực to thì mang về nhà. Nhà chỉ có 2 vợ chồng, các con đi học hết không có người cắt cỏ cho nó ăn. Cả bản có 180 con trâu bò, có hộ nuôi 17 đến 18 con không đủ sức đi lấy cỏ cho trâu ăn nên hầu như là thả rông hết, đợt rét vừa rồi đã làm chết 7 con bò và 2 con trâu. Hiện giờ đã có một số gia đình mang về nhốt ở nhà, còn một số hộ đông con trâu, con bò thì lại không nhốt được hết, vẫn thả bình thường.
Không có chuồng nuôi nhốt, anh Pánh đã thả 4 con vào rừng khi nhiệt độ ngoài trời chỉ 50c
Tâm lý chủ quan của người dân không chỉ ở bản Nậm Đích, tại xã Si Pa Phìn hầu hết tại các sườn đồi, bãi chăn thả đều thấy trâu, bò được người dân thả rông ngoài trời trong khi nhiệt độ xuống thấp. Và điều đáng nói là tại các hộ gia đình, phần lớn người dân vẫn chủ quan trong phòng chống rét cho gia súc, các hộ chỉ che chắn tạm bợ cho chuồng trại. Nuôi 8 con trâu, nhưng chuồng nuôi nhốt gia súc của gia đình ông Màng Văn Thức ở bản Chiềng Nưa 2 chỉ chôn 4 cột gỗ, bên trên lợp tấm Proximăng, không che chắn gió, nền chuồng ẩm ướt không đảm bảo giữ ấm cho vật nuôi trong những ngày giá rét. Khi được hỏi gia súc là tài sản lớn của gia đình, tại sao gia đình không có biện pháp phòng chống rét cho gia súc, Ông Thức cho biết: tôi chỉ đốt lửa cho con nghé sưởi và cho trâu vào gầm sàn nhà khi trời quá rét. Mấy hôm nay rét quá, thời tiết dưới 100c, con cá rô trong ao cũng chết, đến bây giờ nhà tôi bị chết một con nghé, sau này tôi sẽ có cách chăm sóc tốt hơn.
Trời rét chết cả cá, nhưng đây là cách phòng chống rét cho gia súc của gia đình ông Màng Văn Thức, bản Chiềng Nưa 2, xã Si Pa Phìn
Không chỉ tại hai xã nói trên mà hiện nay, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ, nhiều hộ chăn nuôi trâu bò cũng thả rông gia súc như vậy. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng vật nuôi nhiều, các hộ không chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho vật nuôi, dẫn đến không đảm bảo cho việc nuôi nhốt tại chuồng. Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Hanh - Trưởng bản Chiềng Nưa 2, xã Si Pa Phìn nói: Đa số bà con chưa làm được chuồng, thói quen là sáng thì thả đi, đến chiều lại lùa về nhà, riêng cắt cỏ thì không thể đáp ứng được hàng ngày, nhiệt độ xuống quá thấp cho nên là trâu bò, nhất là nghé con bị chết. Hiện tại bản Chiêng Nưa 2 đã có 4 con gia súc bị chết, nhưng chưa thống kê được hết, bởi vì bà con vẫn tiếp tục thông báo cho tôi.
Không làm chuồng nuôi, một gia đình ở bản Chiêng Nưa 2, xã Si Pa Phìn để vật nuôi ngoài trời mặc thời tiết giá rét
Tâm lý chủ quan trong phòng chống rét cùng với tập quán chăn thả gia súc tự nhiên đã lập tức gây ra những thiệt hại. Theo thống kê của các xã, đến thời điểm ngày này, rét đậm, rét hại trong những ngày qua đã làm chết 232 con gia súc, trong đó: trâu là 146 con, bò 68 con và 18 con dê, chủ yếu ở các xã: Si Pa Phìn, Chà Nưa, Chà Tở, Chà Cang, Nà Hỳ, Nà Bủng và Pa Tần. Điều đáng nói ở đây là không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ ở xã cũng có vật nuôi bị chết vì đói rét. Đây là một con số “báo động đỏ” cho các hộ chăn nuôi cũng như các xã về công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Trong đó xã Si Pa Phìn có số lượng gia súc bị chết nhiều nhất với 80 con trâu, 25 con bò và 16 dê. Ông Mùa A Hòa – Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn cho biết: so với các xã khác trong huyện thì Si Pa Phìn là xã có thời tiết rất khắc nghiệt, những ngày rét đậm nhiệt độ có lúc xuống dưới 3 - 40c, thậm chí có một số điểm nước còn đóng băng. Xã đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo quyết liệt các bản phòng chống rét cho gia súc, nhưng nhận thức của bà con còn hạn chế không được như chỉ đạo của xã. Nếu mà đi kiểm tra thực tế thì phải đến 60% các hộ gia đình thả rông, không có chuồng trại, không che chắn. Người dân chủ quan, vẫn theo tập quán xa xưa là thả rông, việc dự trữ thức ăn cho gia súc gần như là không có.
Đã có 146 con trâu, 68 con bò, 18 con dê bị chết vì đói rét. Con số báo động "đỏ" cho các hộ chăn nuôi cũng như 15 xã trong huyện về công tác phòng chống rét cho gia súc
Các xã trong huyện cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi ngay lúc này, không thờ ơ khi thời tiết rét đậm sẽ còn kéo dài đến giáp tết Nguyên đán.
Huyện Nậm Pồ hiện có gần 63.000 con gia súc, trong đó đàn trâu hơn 19.700 con, đàn bò gần 4.300 con, đàn lợn hơn 39.200con, gần 8.500 con dê và hơn 140.600 con gia cầm các loại. Để tổng đàn gia súc trong huyện phát triển ổn định, tăng trưởng từ 5-7%/năm theo kế hoạch chỉ tiêu đã đề ra thì cấp ủy, chính quyền các xã cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong giám sát, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống rét, tiêm phòng cho gia súc. Đặc biệt, để tránh những thiệt hại về kinh tế không đáng có thì mỗi người dân vùng cao Nậm Pồ cần khắc phục ngay tâm lý chủ quan trong phòng chống rét cho vật nuôi, thực hiện nghiêm các biện pháp nuôi nhốt, che chắn chồng trại, bổ sung thêm thức ăn tinh bột, muối khoáng để tăng cường sức đề kháng cho gia súc trong những ngày giá rét, không thờ ơ trong phòng chống rét cho gia súc. Nhất là trong những ngày này thời tiết sẽ còn rét đậm, rét hại kéo dài đến giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018./.