Sau một thời gian triển khai thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã mang một diện mạo mới khang trang hơn: Các con đường vào bản phần lớn đã được được bê tông hóa; những ngôi nhà sàn mọc lên san sát, đời sống của nhân dân được cải thiện. Xây dựng nông thôn mới ở Chà Nưa đã trở thành phong trào lớn được nhân dân đồng tình ủng hộ và cùng chung tay hành động. Nhờ đó hiện nay, Chà Nưa đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên để cán đích xã nông thôn mới thì Chà Nưa thực sự cần một “đòn bẩy” đủ lực.
Những thành quả đạt được
Nhìn từ điểm xuất phát thì so với các xã khác trong huyện Nậm Pồ, Chà Nưa có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM bởi: phần lớn các bản trong xã nằm dọc Quốc lộ 4H; xã sớm có điện lưới Quốc gia; sản xuất lúa 2 vụ; nhân dân cần cù chịu khó, chăm chỉ; xã có sự nghiệp giáo dục phát triển, học vấn trong xã khá cao, nhận thức của nhân dân khá đồng đều, không khí thi đua sản xuất, xây dựng Nông thôn mới rất cao... Biết phát huy những lợi thế này, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa đã đổi mới trong cách lãnh đạo, chỉ đạo. Hàng năm, Đảng ủy xã đều ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, trong đó chỉ rõ mục tiêu, giải pháp để thực hiện các tiêu chí. Cùng với đó, các đồng chí trong BTV, BCH Đảng ủy xã đều được phân công phụ trách từng bản để giúp nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua. Và yếu tố then chốt nhất là, các ban, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó mới huy động nhân dân làm lực lượng chính trong XD NTM. Theo thống kê, chỉ tính riêng năm học 2016 – 2017, thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, nhân dân xã Chà Nưa đã đóng góp mỗi hộ 370 nghìn đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, tôn tạo cảnh quan, khuôn viên sư phạm. Với khoảng 570 hộ đóng góp, Chà Nưa đã huy động được khoảng 200 triệu để góp phần thực hiện tiêu chí về giáo dục.
Nhân dân Chà Nưa đóng góp ngày công lao động tôn tạo khuôn viên Trường Tiểu học Chà Nưa
Bên cạnh đó, nhân dân xã nhà còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng cảnh quan, khuôn viên trường học, làm đường tuần tra bảo vệ rừng, làm đường nội đồng, làm hơn 100 lò đốt rác thải theo nhóm hộ đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt của nhân dân 8 bản vùng thấp. Cũng nhờ sức dân, Chà Nưa đã có 32km đường tuần tra bảo vệ rừng. Cùng với đó, đã có rất nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Nhiều hộ tự phá dỡ các công trình phụ trợ, hoa màu trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi mà không đòi hỏi đền bù. Với họ, những công trình được xây dựng không chỉ làm thay đổi diện mạo của bản, mà được đi trên những con đường bê tông, con cháu được học trong trường lớp khang trang chính là một niềm vui không gì sánh được.Ông Khoàng Văn Tấm - Bản Hô Bai, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Nhà mình đã hiến hơn 100 mét vuông để làm điểm trường mầm non trong bản, bây giờ điểm trường ở ngay trước nhà, con cháu nhà mình và trẻ em trong bản đi học rất thuận tiện. Bản thân gia đình tôi hoàn toàn vui lòng hiến đất để phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng”
Đồng chí Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa ( áo xanh ở giữa) tham gia làm đường nội đồng cùng nhân dân bản Cấu
Để Chà Nưa đạt chuẩn xã NTM
Tính đến thời điểm hiện tại, Chà Nưa đã đạt 11/19 tiêu chí. Để hoàn thành các tiêu chí còn lại, Chà Nưa cần đầu tư đồng bộ về điện; đường giao thông vào bản Nậm Đích - bản vùng cao còn nhiều khó khăn của xã Chà Nưa; đầu tư xây dựng 01 nhà văn hóa xã và 06 nhà văn hóa bản; bê tông hóa đường nội đồng; san ủi mặt bằng để giãn dân tại bản Cấu. Hiện nay bản Cấu có 96 hộ gia đình, do diện tích đất ở khá chật hẹp nên ít quỹ đất để xây dựng các công trình như: nhà vệ sinh; chuồng trại chăn nuôi...
Cũng giống như nhiều địa phương khác, khó khăn lớn nhất ở Chà Nưa trong xây dựng nông thôn mới là thực hiện tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Chà Nưa đạt khoảng 15 triệu đồng/người/năm, nhưng thu nhập bình quân đầu người của Tỉnh đạt 26 triệu đồng/ người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở Chà Nưa vẫn còn cao 34,73% hộ nghèo (để đạt xã nông thôn mới tỷ lệ hộ nghèo đạt trên dưới 12%). Trên thực tế, xã Chà Nưa phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp trên 2 mũi nhọn: trồng trọt; chăn nuôi gắn với bảo vệ và phát triển rừng. Như vậy để nâng cao thu nhập của người dân, theo ông Lò Văn Qúy, Quyền chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết giải pháp tốt nhất là tìm đầu ra ổn định cho nông sản: Chà Nưa rất cần đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản như: ngô, sắn, chuối, lợn thịt... Bởi nhân dân xã Chà Nưa đại đa số phát triển kinh tế nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Nếu không có đầu ra cho sản phẩm thì không khuyến khích được nhân dân thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi. Một giải pháp nữa có thể nâng cao thu nhập cho người dân là phát triển lâm sản phụ gắn với bảo vệ rừng bền vững như: sa nhân, nghệ đen...
Bản Nậm Đích, xã Chà Nưa còn nhiều khó khăn vì chưa có điện, đường giao thông
Xây dựng nông thôn mới là chương trình mà Đảng, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước và những đóng góp về tiền của, sức lực của người dân, Chà Nưa hiện đang nằm trong tốp đầu của huyện Nậm Pồ trong xây dựng NTM. Tuy nhiên với cơ sở hạ tầng còn thiếu, Chà Nưa rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa để cán đích xã nông thôn mới vào năm 2018 theo kế hoạch./.