Chà Cang trước ngưỡng cửa đạt chuẩn Nông thôn mới
Thời gian đăng: 26/08/2017 09:18:05 PM

 

Xã Chà Cang là một trong 2 xã được lựa chọn làm xã điểm trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Nậm Pồ. Sau 4 năm nỗ lực triển khai, hiện nay xã đã đạt 9/19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn mới ở Chà Cang đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, Chà Cang đang đối mặt với thách thức mang tên “3 bản vùng cao” trước ngưỡng cửa đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Chà Cang, huyện Nậm Pồ là trung tâm cụm xã Ba Chà trước đây, do vậy Chà Cang có nhiều tiềm năng phát triển, vừa là trung tâm giao thương, đầu mối mua bán hàng hóa của vùng, cũng là trung tâm giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc Thái vùng Ba Chà. Xã có diện tích tự nhiên 10.868,48ha, gồm 491 hộ với 2.424 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn 49,25%, là nơi sinh sống của 3 dân tộc: dân tộc Thái chiếm 43,48%; dân tộc Mông chiếm 49,79%; dân tộc Kinh chiếm 5,48%.

Ch-Cang-tr-c-ng-ng-c-a-t-chu-n-NTM-1.jpg

Trung tâm xã Chà Cang

          Theo kết quả rà soát mới nhất của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia huyện Nậm Pồ căn cứ theo quyết định số 455 ngày 25/5 của UBND Tỉnh Điện Biên ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2017-2020, xã Chà Cang đạt 9/19 tiêu chí gồm: quy hoạch; thủy lợi; Điện; cơ sở hạ tầng thương mại; thông tin và truyền thông; Nhà ở; Lao động có việc làm; Giáo dục và đào tạo; Quốc phòng – an ninh. Ông Lèng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Chà Cang cho biết: Xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng của xã được đầu tư khá đồng bộ: Trụ sở, nhà văn hóa, nhà thi đấu đa năng xã, mở mới các tuyến đường giao thông đi các bản vùng cao, bê tông hóa đường giao thông nội bản, kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi, 100% các bản được sử dụng điện lưới quốc gia… Là xã điểm xây dựng NTM của huyện, cấp ủy, chính quyền xã Chà Cang xác định, xây dựng NTM thực chất là đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Do đó, những năm qua, xã luôn tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Trước là để giúp xã hoàn thành 2 tiêu chí khó: Tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo, sau nữa là xây dựng xã NTM Chà Cang bền vững, đúng như mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đề ra.

Để thực hiện 2 tiêu chí này, trước hết, xã Chà Cang thực hiện chủ trương giảm diện tích canh tác trên nương, đẩy mạnh khai hoang tăng diện tích lúa ruộng, lúa 2 vụ, tăng tính ổn định, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã khai hoang được trên 5ha lúa một vụ, duy trì khoảng 70 ha lúa 2 vụ. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, xã Chà Cang tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc, xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc tập trung, xây dựng các mô hình trang trại kết hợp vườn – ao – chuồng. Cùng với đó, xây dựng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao như: Lợn rừng, vịt sinh học, nhím… Đến nay, xã Chà Cang đã xây dựng được 20 trang trại chăn nuôi đại gia súc với quy mô từ 100 con trâu, bò trở lên; quy hoạch vùng trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc với gần 5ha. Năm 2016, xã Chà Cang đã xây dựng thành công 3 mô hình chăn nuôi lợn rừng và vịt sinh học. Đến nay, các mô hình đang hoạt động tốt, cho hiệu quả kinh tế khá.

Ch-Cang-tr-c-ng-ng-c-a-t-chu-n-NTM-2.jpg

Một góc bản Hô Hài

 

Chà Cang muốn đạt chuẩn NTM phải vượt qua thách thức mang tên “ 3 bản vùng cao” (Huổi Chá, Hô Hài, Nậm Hài) do 3 bản này có số hộ nghèo chiếm 81 % tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã. Ở 3 bản có 218 hộ, 1.244 nhân khẩu đều là dân tộc Mông, đời sống phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy. Trong đó, bản Hô Hài 100% là hộ nghèo; bản Nậm Hài có 98,9% là hộ nghèo; bản Huổi Chá có 87,5% hộ nghèo. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu vào 3 bản này còn thiếu và yếu: đường giao thông chưa cứng hóa; chưa có nhà văn hóa bản, chỉ duy nhất bản Huổi Chá có đường nông thôn nội bản.

Trước thách thức lớn như vậy, cấp ủy, chính quyền xã Chà Cang đang tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân 3 bản vùng cao chung tay xây dựng nông thôn mới. Trước tiên là vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư: vệ sinh làng bản sạch sẽ, có nhà tiêu hợp vệ sinh; bài trừ các hủ tục lạc hậu. Vận động nhân dân tự nguyện tham gia vào các hoạt động tu sửa sơ sở hạ tầng như: đường xá, kênh mương... Hiện nay, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa của xã Chà Cang chưa đạt do 3 bản: Huổi Chá, Nậm Hài, Hô Hài chưa có nhà văn hóa bản. Với điều kiện khó khăn của 3 bản, xã Chà Cang chủ trương xây dựng nhà văn hóa dưới hình thức nhà sinh hoạt cộng đồng. Qua đó, sẽ giúp xã hoàn thành tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa.

Ch-Cang-tr-c-ng-ng-c-a-t-chu-n-NTM-3.jpg

1 đoạn đường vào bản Nậm Hài

 

Khó khăn lớn nhất trong xây dựng NTM của 3 bản: Huổi Chá, Nậm Hài, Hô Hài là mức thu nhâp thấp kéo theo tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm đa số hộ nghèo của xã). Vì vậy, muốn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, trước tiên, xã Chà Cang tìm cách thúc đẩy phong trào sản xuất ở 3 bản vùng cao để nâng cao đời sống nhân dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Hướng đi mà Chà Cang lựa chọn để thúc đẩy phát triển kinh tế ở 3 bản vùng cao là: vận động nhân dân khai hoang ruộng bậc thang và phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đồng thời, vận động người dân phát huy thế mạnh của địa phương như: có đồng cỏ rộng, nhiều khu chăn thả và nguồn thức ăn dồi dào… để phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Đối với những hộ nghèo chưa có vốn để mua con giống thì xã sẽ ưu tiên hỗ trợ trâu, bò giống theo các chương trình 30a/CP; 135/CP hoặc tạo điều kiện để vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội huyện.

Ngoài ra, xã Chà Cang chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển hiệu quả diện tích rừng hiện có. Hàng năm, vận động người dân đăng ký trồng rừng theo kế hoạch của huyện hoặc các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Đồng thời, phát huy hiệu quả giá trị môi trường rừng thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Hiện nay, xã Chà Cang khoanh nuôi bảo vệ rừng hơn 5.000ha rừng. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt nên thu nhập từ rừng của người dân liên tục tăng qua các năm. Năm 2015, thu nhập bình quân từ dịch vụ môi trường rừng đạt 9 triệu đồng/ hộ/năm, năm 2016 tăng lên thành 12 triệu đồng/hộ/năm. Chi trả đợt 1 năm 2017, thu nhập trung bình đạt xấp xỉ 13 triệu đồng/hộ/năm.

Ch-Cang-tr-c-ng-ng-c-a-t-chu-n-NTM-4.jpg

Những đứa trẻ thiếu cả sự chăm sóc về tinh thần lẫn vật chất ở Nậm Hài

 

Song song với việc phát triển nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã Chà Cang cũng rất chú trọng đến việc tiêu thụ, tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Những năm qua, xã Chà Cang luôn ưu tiên, lồng ghép các nguồn kinh phí để nâng cấp, cải tạo, sắp xếp lại các gian hàng tại chợ Trung tâm Chà Cang để người dân thuận tiện mua bán, trao đổi hàng hóa. Mặc dù chợ trung tâm Chà Cang hoạt động hàng ngày song vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu mua bán của người dân. Năm 2016, xã Chà Cang tự cân đối nguồn kinh phí để xây dựng chợ phiên Chà Cang hoạt động trong các ngày: 5, 15 và 25 hàng tháng với 14 gian hàng phục vụ nhu cầu mua bán của người dân, đặc biệt là người dân đồng bào vùng cao.

Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, hy vọng rằng, xã Chà Cang sẽ cán đích nông thôn mới đúng lộ trình.

 

Thanh Bình
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên