Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Chà Nưa vui mừng, phấn khởi khi Chà Nưa là xã đầu tiên của huyện Nậm Pồ được công nhận cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Trong niềm vui này, Chà Nưa cũng đã và đang nỗ lực tiếp tục thực hiện 2 tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo để xã thực sự cán đích nông thôn mới. Trên tinh thần đó, Chà Nưa đã triển khai các mô hình kinh tế dựa vào rừng coi đây là hướng phát triển kinh tế lâu dài bền vững.
Xuất phát từ điều kiện thực tế Chà Nưa là xã có diện tích rừng tự nhiên khá lớn với hơn 5.259 ha. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 53%. Làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng cũng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Phát huy lợi thế về rừng, cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm triển khai thêm các mô hình kinh tế dựa vào rừng, coi đây chính là mũi nhọn phát triển kinh tế lâu dài của xã. Ông Thùng Văn Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Đối với xã Chà Nưa, mũi nhọn phát triển kinh tế phù hợp nhất là dựa vào rừng. Nghĩa là vừa bảo vệ rừng, hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển thêm các mô hình kinh tế dựa vào rừng. Qua nghiên cứu thực tế: sa nhân và ong đã có manh mún một số hộ gia đình triển khai cho hiệu quả kinh tế lại không cần quá nhiều nguồn vốn đầu tư, nên xã chúng tôi quyết tâm nhân rộng mô hình này để tăng thu nhập cho bà con nhân dân.
Theo chân cán bộ xã đến gia đình có vườn cây sa nhân phát triển tốt và đẹp vào bậc nhất nhì trong xã. Chúng tôi gặp ông Thùng Văn Lé, ở Bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa đang làm cỏ và xới đất cho vườn Sa nhân của gia đình. Ông Lé cho biết: Năm ngoái, khi xã vận động nhân dân tự bỏ vốn để phát triển mô hình trồng cây Sa nhân, ông đã mạnh dạn mua hơn 2 nghìn cây sa nhân giống về trồng thử nghiệm tại các chân đồi, ven rừng ở gần nhà. Sau gần 1 năm trồng thử nghiệm, cây sa nhân phát triển tốt với tỷ lệ sống đạt trên 90%. Chia sẻ thêm về lý do trồng thử nghiệm giống mới này ông cho biết: Dưới những tán rừng tại địa phương có nhiều cây sa nhân mọc tự nhiên, hàng năm bà con nhân dân nơi đây đều chăm sóc, bảo vệ để hái quả. Bên cạnh đó, giá mỗi kg quả sa nhân khô bán ra thị trường từ 500 nghìn đến 800 nghìn đồng một kg tùy theo từng loại sa nhân. Nhận thấy đây là lâm sản quý giá, phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương nên khi cấp ủy, chính quyền xã vận động nhân dân tự bỏ vốn mua cây giống, gia đình ông ủng hộ ngay và nếu cây bói quả cho năng suất gia đình ông vẫn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích đối với loại cây trồng này.
Ông Thùng Văn Lé bên vườn cây Sa nhân của gia đình
Trong triển khai thực hiện mô hình trồng cây sa nhân, xã Chà Nưa đã vận động bà con nhân dân của 9 bản trong toàn xã trồng khoảng 93.350 cây tương đương với 9,3 ha. Tỷ lệ cây sinh trưởng đạt trên 70%. Bên cạnh đó, Chà Nưa còn triển khai mô hình nuôi ong rừng lấy mật. Hiện nay, toàn xã có 206 thùng ong, trong đó chủ yếu là các thùng ong do bà con nhân dân tận thu cây gỗ trong rừng để hút ong mật. Gia đình ông Thùng Văn Công là một trong số hộ có kinh nghiệm nuôi ong rừng lấy mật. Mỗi năm gia đình ông chế tạo khoảng 10 thùng ong để dụ ong rừng về làm tổ sau đó khai thác mật để bán ra thị trường. Ông Công khẳng định: Gần như không mất một đồng vốn nào mà mỗi năm gia đình tôi thu nhập cả chục triệu từ việc nuôi ong rừng. Tất nhiên không phải một nguồn thu nhập lớn, nhưng mình không phải bỏ vốn, không mất quá nhiều công sức thì đây là một nguồn thu nhập quá lãi, quá nhàn. So với nuôi gà, nuôi lợn, nuôi ong dễ hơn nhiều.
Ông Thùng Văn Công trao đổi kinh nghiệm cùng cán bộ xã về kỹ thuật nuôi ong rừng
Trong quá trình vận động nhân dân thực hiện 2 mô hình kinh tế mới là trồng cây sa nhân và nuôi ong rừng lấy mật, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa cũng đã khoanh vùng nuôi trồng cụ thể; tập huấn kỹ thuật cho bà con nhân dân; đồng thời liên hệ với nhà cung ứng giống để lấy được giống cây trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ông Thùng Văn Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết thêm:Chúng tôi đã xin hỗ trợ từ Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh - là đơn vị giúp xã Chà Nưa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới mở lớp tập huấn kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây sa nhân và kỹ thuật nuôi ong cho bà con nông dân. Sau đó, xã cũng đã liên hệ với đơn vị cung ứng giống cây, thùng ong để đặt mua cho bà con. Hiện nay, xã vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chăm sóc, theo dõi để hai mô hình kinh tế này đạt được hiệu quả cao nhất.
Ngoài hai mô hình kinh tế dựa vào rừng là trồng cây sa nhân và nuôi ong rừng lấy mật, hiện nay Chà Nưa đã và đang tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế khác như: trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; mô hình rau sạch; mô hình chăn nuôi đàn đại gia súc và đàn gia cầm. Bên cạnh đó, sắp tới, Chà Nưa sẽ triển khai thí điểm mô hình trồng cây thảo quả, nếu phù hợp sẽ cho nhân rộng trên diện tích lớn. Có thể khẳng định rằng, với những việc làm cụ thể, Chà Nưa đang tiến rất gần đến đích nông thôn mới nhờ chính sức mạnh nội lực của địa phương./.