Luật Quốc phòng năm 2018 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 gồm 7 chương, 40 điều (giảm 2 chương, 11 điều so với Luật Quốc phòng 2005) có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Đây là Luật rất quan trọng, chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật về quốc phòng, tác động đến hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và đối ngoại. Luật Quốc phòng năm 2018 có nhiều quy định mới, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, hình thái chiến tranh tương lai có nhiều thay đổi, phát triển mới.
Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 987/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Quốc phòng mới. Theo Kế hoạch, trong năm 2018 Chính phủ sẽ xem xét để ban hành 7 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc phòng, gồm:
Nghị định về phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ; (theo khoản 3 điều 8 và khoản 4 điều 9 của Luật)
Nghị định về tổ chức xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện động viên quốc phòng; (theo khoản 3 điều 11)
Nghị định về phòng thủ dân sự; (khoản 4 điều 13, điểm e khoản 2 điều 24)
Nghị định về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; (theo khoản 3 điều 15)
Nghị định về công tác quốc phòng ở bộ, ngành trung ương và địa phương; (theo khoản 4 điều 16)
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm; (theo khoản 3 điều 18, khoản 10 điều 21, khoản 6 điều 22)
Nghị định thay thế Nghị định số: 77/2010/NĐ-CP về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; (theo khoản 4, điều 26 của Luật).
Cũng trong năm 2018, Chính phủ sẽ ban hành đề cương, tài liệu tuyên truyền phổ biến Luật Quốc phòng năm 2018 đến tất cả tầng lớp nhân dân./.