Nậm Pồ là huyện vùng cao, biên giới khó khăn của tỉnh Điện Biên, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn. Từ khi có Chính sách hỗ trợ đối với học sinh DTTS nghèo, vùng đặc biệt khó khăn của Ðảng và Nhà nước đã giúp các em có thêm điều kiện đến trường, an tâm học tập, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Nhằm tiếp thêm nguồn lực cho các em học sinh khu vực khó khăn đến trường học tập, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với đồng bào các dân tộc và con em họ, đặc biệt là Nghị định số 116/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 116) ngày 18/7/2016 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định số 20/2017/QĐ-UBND quy định về khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Quy định mới này của tỉnh đã rút ngắn khoảng cách, địa bàn căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày: Khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 4km trở lên đối với học sinh tiểu học, từ 7km trở lên đối với học sinh THCS và 10km trở lên đối với học sinh THPT. Đặc biệt, đối với trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Học sinh đi học phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá có khoảng cách quãng đường đi từ nhà tới trường từ 2,0 km đến dưới 4,0 km đối với học sinh tiểu học, từ 4,0km đến dưới 7km đối với học sinh THCS. Cách giải bài toán vận động học sinh ra lớp và duy trì tỉ lệ đi học chuyên cần ở những địa bàn khó khăn của huyện Nậm Pồ đã mở ra.
Anh Hờ A Di, dân tộc Mông, ở bản Vàng Lếch (Nhóm 2), xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ có con là Hờ A Dênh đang theo học lớp 8 ở Trường PTDTBT TH Nậm Tin cho biết: “Nhà mình ở ngay đằng sau trường chỉ cách một con suối, trời mưa không qua suối được vì không có cầu. Những năm trước con mình không được hưởng chế độ gì, năm vừa rồi các thầy cô cho chế độ, con đi học có chỗ ăn, chỗ ở, có người nấu cho ăn nên gia đình rất yên tâm. Cuối tuần được nghỉ, các cháu về thăm nhà, cứ như những năm trước thì cháu Dênh đã phải nghỉ học rồi’’.
Năm học 2016-2017, huyện Nậm Pồ có hơn 6.300 học sinh là người DTTS học tiểu học và THCS được hưởng các chế độ hỗ trợ tiền ăn, nhà ở, gạo,…Học sinh học ở các trường bán trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung; đối với học sinh tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ thêm bằng 10% mức lương tối thiểu chung; đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú còn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm và được hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh.Năm học 2017 - 2018, theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo, toàn huyện ước tính sẽ có hơn 6.600 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 30 tỷ đồng và hàng trăm tấn gạo.
Cô giáo Bùi Thị Hòa, Hiệu trưởng trường PTDTBT TH Nậm Tin chia sẻ:Trước kia nhà trường rất vất vả khi huy động học sinh các nhóm bản cách xa trường trên 2, 3 km để ra lớp. Vì những bản đó mặc dù ở gần trường nhưng lại khó khăn vì học sinh đi học phải qua suối, không có cầu, cộng với việc các em không được hưởng chế độ vì quy định khoảng cách chưa đủ điều kiện. Năm học mới 2017-2018, chính sách hỗ trợ được thực hiện theo Quyết định số 20 của UBND tỉnh Điện Biên quy định cụ thể khoảng cách được rút ngắn với trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn và những trường hợp đặc biệt khác nên nhà trường đã rất thuận lợi khi vận động các em học sinh đi học và ăn ở bán trú tại trường.
Trong những năm qua, chính sách đối với học sinh DTTS nghèo, cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn được huyện Nậm Pồ tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả đã tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống, nâng bước các em đến trường. Hiện nay, trên địa bàn huyện hầu như không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng như trước, học sinh yên tâm bám trường, bám lớp. Đây là điều kiện để ngành giáo dục thực hiện đồng bộ chính sách về phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn như Nậm Pồ./.