UBND huyện Nậm Pồ vừa ban hành Công văn số 1164/UBND-PYT về chủ động các biện pháp phòng, chống dịch Sởi và Tay Chân Miệng trên địa bàn toàn huyện.
Hiện tình hình dịch Sởi và Tay Chân Miệng trên địa bàn toàn tỉnh đang có diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 29/10/2018, toàn tỉnh có 829 ca mắc Sởi tại 8/10 huyện, thị, thành phố; 223 ca mắc bệnh Tay Chân Miệng tại 9/10 huyện, thị, thành phố. Huyện Nậm Pồ ghi nhận có 02 ca mắc Sởi ở xã Chà Tở (bản Hô Củng và bản Hô He); 65 ca mắc bệnh Tay Chân Miệng, trong đó xã Nà Hỳ đã bùng phát dịch từ ngày 29/9/2018 đến nay với 47 ca. Tại các xã khác cũng đã xuất hiện bệnh Tay Chân Miệng như: Chà Tở 08 ca, Nà Khoa 04 ca, Nậm Chua 03 ca, Si Pa Phìn 03 ca. Dịch đang có xu hướng lan sang các xã giáp ranh với xã, bản đang có dịch.
Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Sởi và Tay Chân Miệng, với mục tiêu phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, không để bùng phát dịch Sởi và Tay Chân Miệng trên địa bàn các xã. UBND huyện yêu cầu:
1. Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện
Chỉ đạo các Phòng khám Đa khoa khu vực, Trạm Y tế xã tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Sởi và Tay Chân Miệng; chủ động điều tra, xác minh, chuẩn đoán sớm, xử lý kịp thời không để lây lan tại cộng đồng; đảm bảo tập trung, cách ly bệnh nhân nghi mắc Sởi và Tay Chân Miệng, không để lây chéo trong các cơ sở điều trị.
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp chủ động phòng chống bệnh Sởi và Tay Chân Miệng bằng việc đưa con em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng thời gian và đủ mũi.
Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, phương tiện và duy trì việc tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tuần với tất cả các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin phòng bệnh Sởi và bệnh Tay Chân Miệng tại tất cả các Trạm Y tế xã nhằm tăng cơ hội cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Thường xuyên nắm bắt thông tin diễn biến tình hình dịch Sởi và Tay Chân Miệng trên địa bàn huyện để tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch trên toàn huyện.
2. Phòng Giáo dục & Đào tạo
Chỉ đạo các Trường học phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, các Trạm Y tế xã tăng cường các hoạt động truyền thông, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Sởi và bệnh Tay Chân Miệng, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn học sinh vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân để phòng tránh dịch.
3. UBND các xã
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh ở người của xã; Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, trưởng bản phối hợp với Trạm Y tế xã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng chống khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh về UBND huyện qua cơ quan đầu mối là Trung tâm Y tế huyện./.