Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, Dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trở lại tại xã Pa Tần. UBND huyện Nậm Pồ đang triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống và khống chế dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng trên địa bàn huyện.
Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại xã Pa Tần
Gia đình anh Pòong Văn Bình bản Pa Tần, xã Pa Tần có 12 con lợn bị chết do nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi. Theo anh Bình, vừa qua lợn của gia đình anh có biểu hiện bỏ ăn, ho rồi chết. Ngay sau khi lợn chết, gia đình anh đã báo ngay cho cán bộ Thú y xã đến tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho dương tính với Dịch tả lợn Châu Phi. Hiện nay, gia đình đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy với trọng lượng 726 kg, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và các biện pháp phòng chống dịch bệnh khác theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát trở lại tại 04 xã của huyện, gồm: xã Nậm Nhừ, Na Cô Sa, Si Pa Phìn, Pa Tần. Tổng số lợn chết và tiêu hủy là 93 con với trọng lượng 3.675kg. Dịch tả lợn Châu phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, đây là loại virus có động lực cao, lây lan nhanh, khiến 100% lợn bị nhiễm bệnh đều chết và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi dịch bùng phát sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi, do đó các hộ cần chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng dịch như: phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, không giết mổ, không buôn bán, sử dụng sản phẩm từ lợn mắc bệnh,…
Ông Thùng Văn Lực, chuyên viên - phòng Nông nghiệp - PTNT cho biết: Tính đến 10/9/2021, tổng đàn lợn toàn huyện có 42.737 con. Để khống chế và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát trở lại trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã đang xảy ra dịch tả lợn Châu Phi tăng cường theo dõi, giám sát, khoanh vùng dập dịch, kiên quyết tiêu hủy vật nuôi mắc bệnh, tránh lây lan sang các vùng khác. Thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; có trách nhiệm tổ chức tiêu huỷ lợn mắc bệnh, lợn chết do Dịch tả lợn Châu Phi; tổ chức thực hiện phun hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, khoanh vùng dập dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; yêu cầu các hộ chăn nuôi lợn không được tái đàn khi chưa công bố hết dịch trên địa bàn.
Đối với các xã chưa xuất hiện dịch bệnh, kịp thời nắm bắt thông tin, tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ, diễn biến, tác hại của các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên đàn vật nuôi, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Ông Phạm Trần Trường, Phó Giám đốc phụ trách - Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cho biết thêm: Để khống chế và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tái phát trở lại trên địa bàn, Trung tâm đã và đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở, thường trực tại các khu vực xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi; phối hợp với UBND các xã tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh; tổ chức tiêu hủy lợn, sản phẩm từ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; hướng dẫn người dân chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Khi cần thiết tham mưu cho UBND huyện thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời trên các trục đường giao thông chính để kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra - vào địa bàn huyện theo quy định. Xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn./.