Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề tại chi bộ
Thời gian đăng: 16/04/2024 11:27:33 PM

          Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nói chung, chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyên đề nói riêng là nội dung quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

64.jpg

Đảng bộ huyện Nậm Pồ không ngừng quan tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng

          Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới và Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã xây dựng Kế hoạch số 25-KH/HU, ngày 23/5/2021 về thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giai đoạn 2021-2025, xác định việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là một nhiệm vụ đồng thời là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, yêu cầu cấp thiết, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và từng đảng viên; được Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn là việc “điển hình” trong công tác xây dựng Đảng của huyện.

          Sau hơn ba năm thực hiện Kế hoạch, chất lượng sinh hoạt chi bộ đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, qua khảo sát, thấy rằng việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại nhiều chi bộ còn hạn chế. Báo cáo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, chỉ rõ: “Một số cấp ủy, chi bộ chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức sinh hoạt chi bộ chuyên đề; nội dung sinh hoạt chi bộ chuyên đề chưa sát với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của cơ quan, đơn vị…”. Một số hạn chế các chi bộ thường mắc phải là: Không xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề; lựa chọn chủ đề sinh hoạt chuyên đề chưa phù hợp; chưa tuân thủ các bước của kỳ sinh hoạt chuyên đề; cách thức điều hành kỳ sinh hoạt chuyên đề chưa đúng hướng dẫn; chưa ban hành kết luận sau sinh hoạt chuyên đề…

          Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, các cấp ủy cần nghiên cứu kỹ Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí Trần Đình Nhuận -UV BTV, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Các cấp ủy cần xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề ngay từ đầu năm, trong đó ít nhất mỗi quý phải có một kỳ sinh hoạt chuyên đề. Kế hoạch phải thể hiện rõ chủ đề sinh hoạt hằng quý, nghĩa là phải có ít nhất 4 kỳ sinh hoạt chuyên đề trong một năm; Phân công cá nhân chuẩn bị nội dung, báo cáo kế hoạch với cấp ủy cấp trên trực tiếp để theo dõi, chỉ đạo. Lựa chọn chủ đề sinh hoạt chuyên đề phù hợp với chi bộ mình. Sau đó, Chi bộ phân công đảng viên có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề chuẩn bị dự thảo. Nội dung dự thảo phải thông qua bí thư chi bộ và gửi đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề: Bí thư chi bộ cần đánh giá việc chuẩn bị chuyên đề, ý nghĩa tác dụng của chuyên đề với chi bộ, đảng viên. Kết luận các nội dung cần tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo. Chuyên đề đã hoàn thiện phải gửi đến đảng viên để nghiên cứu, học tập và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.

65.jpg

Chi bộ bản Cấu, xã Chà Nưa không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ

          Thực tế cho thấy, việc lựa chọn chủ đề sinh hoạt chuyên đề là việc khó nhất, cần phải được nghiên cứu, bàn bạc cụ thể trong cấp ủy trước khi đưa vào kế hoạch của chi bộ. Trong Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương cũng đã gợi ý một số nhóm vấn đề: (1) Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương, tổ chức đảng cấp trên. (2) Triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ. (3) Các giải pháp phòng, chống, khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (3)Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…(4) Giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống của cơ quan, đơn vị, địa phương cho cán bộ, đảng viên. (5) Các nội dung khác theo đặc điểm của loại hình chi bộ…Theo đó, cấp ủy chi bộ cùng bàn bạc lựa chọn các chuyên đề để tổ chức sinh hoạt, làm sao vừa đảm bảo tính đảng vừa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và vị trí việc làm của từng cán bộ, đảng viên, để qua đây nâng cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong nhận thức và hành động, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh.

66.jpg

Các đồng chí Thường vụ Huyện uỷ, chuyên viên các Ban xây dựng đảng dự sinh hoạt thường kỳ với Chi bộ trường PTDTBT THCS Phìn Hồ, xã Phìn Hồ

          Đồng chí Nguyễn Văn Công – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Nà Khoa cho biết: Bí thư chi bộ cần nắm vững các bước sinh hoạt chuyên đề để điều hành. Mở đầu bí thư chi bộ phải nêu mục đích, yêu cầu buổi sinh hoạt chuyên đề. Tiếp theo, đảng viên được phân công chuẩn bị trình bày dự thảo. Bí thư chi bộ chủ trì, điều hành đảng viên phát biểu, nêu nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân; liên hệ với chi bộ, cơ quan, đơn vị,…, trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thành dự thảo chuyên đề. Quá trình điều hành sinh hoạt chuyên đề phải dân chủ, cởi mở, phát huy trí tuệ của đảng viên, khơi dậy được sự tham gia góp ý của toàn thể đảng viên. Đảng viên được phân công chuẩn bị tiếp thu ý kiến để hoàn thiện nội dung.

          Có nhiều yếu tố quyết định thành công của buổi sinh hoạt chuyên đề. Trước hết là vai trò của cấp ủy trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức sinh hoạt chuyên đề trong chi bộ phải chặt chẽ, nghiêm túc, duy trì được nề nếp sinh hoạt. Ngoài việc lựa chọn nội dung chuyên đề sát thực tế, trong tổ chức điều hành phải linh hoạt, dẫn dắt và khơi gợi vấn đề để cuốn hút đảng viên cùng tham gia đóng góp ý kiến.Việc chuẩn bị đề dẫn sinh hoạt chuyên đề cần phải được đầu tư kỹ lưỡng; có sự hướng dẫn, phối hợp giữa chi ủy và đảng viên trực tiếp tham gia. Điều quan trọng nữa là tinh thần, ý thức và thái độ tích cực của đảng viên trong tham gia đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề. Và đôi khi sinh hoạt chuyên đề chưa phải là những vấn đề từ thực tiễn đơn vị mình mà từ thực tiễn chung để qua đó phòng ngừa, cảnh báo và răn đe những điều có thể xảy ra ngay trong chính nội bộ chi bộ, cơ quan mình.

          Sinh hoạt chuyên đề là yêu cầu bắt buộc đối với các chi bộ. Vì vậy, để duy trì nề nếp sinh hoạt chuyên đề trong sinh hoạt chi bộ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã ban hành Kế hoạch số 177-KH/HU, ngày 29/3/2024 tổ chức sinh hoạt chuyên đề “mẫu”, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4/2024. Từ kinh nghiệm buổi sinh hoạt chuyên đề chi bộ “mẫu” ở 4 cụm, tới đây sẽ được nhân rộng trong toàn huyện Nậm Pồ./.

Vi Minh
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên