Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua huyện Nậm Pồ đã cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số và giao cho từng phòng, ban, đơn vị triển khai. Với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, chuyển đổi số ở huyện Nậm Pồ đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của huyện Nậm Pồ
Hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật nền hành chính công là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính được huyện Nậm Pồ tập trung chỉ đạo thực hiện, bởi đây là bước đệm để xây dựng chính phủ điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Đến nay, huyện Nậm Pồ cũng đã triển khai có hiệu quả trong sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chữ ký số. Toàn huyện có 13 phòng chuyên môn, 5 cơ quan đơn vị sự nghiệp và 15/15 xã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và trao đổi văn bản trên môi trường mạng. Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước cấp huyện, xã đạt 100%. 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành TD Office; tỷ lệ văn bản điện tử được ký số quý I/2023 cấp huyện đạt 98,22%, cấp xã đạt 96,5%. Số dịch vụ công trực tuyến của huyện hiện đang cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh là 88 thủ tục... đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và doanh nghiệp.
Ông Thào A Pủa, bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa cho biết: Tôi là người dân thường xuyên mang giấy tờ cá nhân của mình và gia đình đến bộ phận một cửa huyện để chứng thực. Đến đây chúng tôi được các cán bộ hướng dẫn tận tình và giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh gọn, đỡ cho người dân không phải đi qua nhiều khâu nên rất thuận tiên, do đó đã giảm bớt thời gian để tôi đi làm việc khác.
Không chỉ trong các hoạt động hành chính, chuyển đổi số còn thể hiện rõ nét trong các hoạt động phát triển kinh tế. Vài năm trở lại đây, tại nhiều cửa hàng buôn bán trên địa bàn huyện, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang thanh toán hàng hóa bằng hình thức quét mã QR Code. “Đây là một hình thức thanh toán tiện lợi, nhanh chóng, an toàn”, đó là cảm nhận của nhiều người dân đã và đang sử dụng dịch vụ này.
Tiện ích thiết thực từ việc trả tiền mua hàng theo hình thức chuyển khoản thanh toán không dùng tiền mặt.
Là một trong những tiểu thương đi đầu trong triển khai thanh toán số, hoạt động kinh doanh của chị Nguyễn Thị Xuân (chủ cửa hàng tạp hóa Xuân Hòa trên địa bàn xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ) đến nay ngày càng suôn sẻ thuận lợi. Tiết kiệm đáng kể thời gian kiểm kê, xuất hàng, nhập hàng kinh doanh. Chị Xuân chia sẻ: Khách hàng nhiều khi đi chợ không mang theo tiền mặt nhiều, mua hàng xong thanh toán qua mã quét luôn rất tiện. Tôi nhập hàng dưới xuôi lên hết bao nhiêu cũng chuyển khoản thôi không cần phải xuống tận dưới đó như ngày trước nữa. Bây giờ có mạng wifi, 4G, nhà dân nào hết ga, mắm muối... cũng có thể gọi điện cho cửa hàng ship đến tận nhà.
Là một trong những người nông dân ở xã khó khăn nhất huyện được hưởng lợi ích của chuyển đổi số, chú Sùng Quán Tùng ở bản Tàng Do, xã Nậm Tin phấn khởi cho biết: Những ngày đầu bán cam tôi phải chở đi khắp nơi chào hàng mất rất nhiều thời gian mà tiếp cận được khách hàng không nhiều. Từ ngày có chiếc điện thoại thông minh cứ đến mùa cam là các thương lái gọi điện đến đặt hàng, các con tôi cũng đăng bán trên facebook để tiếp cận khách mới nữa, nên công việc buôn bán cũng thuận lợi hơn. Rất tiện lợi khi có thể buôn bán và bàn chuyện làm ăn qua chiếc điện thoại thông minh, nó giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và rút ngắn khoảng cách địa lý. Có thể thấy rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là “chìa khóa” để sản phẩm vùng cao tận dụng được những cơ hội tiếp cận khách hàng, vừa hướng tới sự phát triển một cách bền vững, giúp cho những sản vật đặc sản miền núi đến được với những thị trường lớn.
Đối với địa bàn vùng cao như huyện Nậm Pồ, khoảng cách địa lý luôn là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.Vì vậy, việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng giúp rút ngắn khoảng cách địa lý. Nhờ các chính sách vào cuộc mạnh mẽ đến nay hạ tầng bưu chính, viễn thông ở huyện Nậm Pồ cũng đã có bước phát triển mạnh. Toàn huyện có 16 điểm phục vụ bưu chính, gồm 1 bưu cục cấp III tại Trung tâm huyện và 15 điểm bưu điện văn hóa xã. Tổng số thuê bao điện thoại trên địa bàn huyện là 39.693, đạt 66,2 thuê bao/100 dân; 112/121 bản có sóng điện thoại di động, trong đó79bản có sóng di động 3G trở lên. Dịch vụ internet có 2.430 thuê bao, đạt 4,05 thuê bao/100 dân; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cố định đạt 21,8%; 65/121 bản có đường truyền internet băng rộng cố định; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% các xã. Còn một số bản vùng caodo chưa được phủ sóng internet, phí 3G, 4G khá đắt đỏ nên hạn chế tham gia các hoạt động chuyển đổi số, nhất là sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến của chính quyền. Để khắc phục khó khăn đó, huyện Nậm Pồ đã tổ chức lễ phát động ủng hộ sim cho người nghèo và tổng số tiền ủng được là 247 triệu đồng tương đương hơn 4.100 sim điện thoại dành cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện. Đây là một việc làm ý nghĩa và thiết thực trong công cuộc đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn huyện Nậm Pồ.
Đồng chí Bùi Văn Luyện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và đồng chí Thượng tá Vàng A Chính, Trưởng Công an huyện trao tặng Sim điện thoại cho các hộ dân nghèo
Theo ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Nậm Pồ: Thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua huyện Nậm Pồ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; chỉ đạo 100% xã, khối bản thành lập và đi vào hoạt động 121 tổ công nghệ số cộng đồng với 650 thành viên là những cán bộ chủ chốt, quan trọng, có sức ảnh hưởng của các xã, khối bản nhằm đưa các nền tảng số, công nghệ số đến người dân nhanh hơn, thường xuyên hơn. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác chuyển đổi số. Đồng thờiđẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng phục vụ cho Chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, hạn chế... Song, với quyết tâm từng bước tháo gỡ khó khăn, nỗ lực Chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, huyện Nậm Pồ đang từng bước đưa Chuyển đổi số vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân./.