Đầu tháng 5/2019, theo nguồn tin của Nhân dân, lực lượng Kiểm lâm huyện Nậm Pồ đã vào cuộc xác minh và giải quyết vụ khai thác gỗ trái phép với khối lượng lớn tại bản Sam Lang thuộc xã Nà Hỳ. Hơn 10 mét khối gỗ đã bị các đối tượng xẻ thành tấm, hộp, để ngổn ngang tại hiện trường. Đến nay, toàn bộ số gỗ khai thác trái phép vẫn chưa đưa được ra khỏi rừng. Quá trình giải quyết vụ việc cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Hiện trường khai thác gỗ trái phép tại bản Sam Lang
Điểm khai thác gỗ trái phép nằm trong thung sâu, cách trung tâm bản Sam Lang 5km đường rừng, nên phải mất hàng giờ đồng hồ, vượt qua những cung đường hết sức nguy hiểm mới đến được hiện trường. Tại hiện trường căn cứ theo lượng mùn cưa để lại, lực lượng chức năng xác định các đối tượng cũng đã xẻ gỗ cách đây ước chừng nửa năm. Cây gỗ đang bị khai thác là cây bị thiên tai quật đổ, thân gỗ đã khô kiệt đến cả phần lõi nên lực lượng chức năng xác định là cây cũng đã chết cách đây khoảng 4-5 năm. Hiện tại thì lực lượng chức năng cũng chưa xác định được đối tượng khai thác gỗ trong vụ việc này là ai. Thêm nữa là điểm khai thác này ít khi có người qua lại nên vụ việc không được phát hiện sớm.
Ông Giàng A Khoa, Trưởng bản Sam Lang, xã Nà Hỳ cho biết: “Bà con thì chưa hiểu luật thì người ta thấy có cây khô chết thì toàn khai thác như thế. Giờ xảy ra vụ việc này thì đây là chỗ không thuộc diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, mà chỗ này thì ở rất sâu, xa xôi, không có người qua lại. Còn chúng tôi vẫn thường xuyên đi tuần tra nhưng chỉ tuần tra ở chỗ được chi trả thôi. Bây giờ bà con suốt ngày nương rẫy, người ta cũng chẳng học hành, người ta cũng không biết lấy gỗ là phải xin giấy khai thác, mà cũng chẳng biết xin thì lo thủ tục ở những đâu nên mới xảy ra hậu quả xẻ trộm như thế này.”
Về vấn đề này, Ông Trần Đức Quyền, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nậm Pồ cho biết: “Đây là vụ khai thác gỗ trái phép, xảy ra tại tiểu khu 512, khoảnh 13 thuộc khu vực quản lý của bản Sam Lang. Xác định ban đầu đây là vụ khai thác gỗ trái phép với trên 7m khối. Đây là gỗ Sấu, nhóm VI, và chúng tôi cũng đã tiến hành đo đếm, xác lập hồ sơ ban đầu để xử lý theo quy định của Pháp luật. Ở khu vực bản Sam Lang quản lý, cách đây 2km đường rừng cũng có một cây gỗ Dâu cũng đã bị chặt hạ thì chúng tôi cũng đã tiến hành đo đếm, xác lập hồ sơ ban đầu để xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay chúng tôi cũng xác định vụ việc vượt quá mức độ xử lý vi phạm hành chính. Đối chiếu thì vụ việc nằm ở điều 232, Bộ luật hình sự nên hiện nay chúng tôi đang phối hợp với lực lượng chức năng như viện kiểm sát và công an để tiến hành kiểm tra và xác minh, lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.”
Hiện nay, lực lượng chức năng chưa xác định được đối tượng khai thác gỗ trái phép của vụ việc này là một khó khăn lớn trong giải quyết và xử lý vi phạm. Bởi trong trường hợp này, sự việc sẽ phát sinh nhiều tình tiết, khiến cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian trong việc xác minh điều tra. Cùng với đó, để vận chuyển được toàn bộ số gỗ, với hơn 11,6 mét khối ở cả 2 vị trí khai thác trái phép ra khỏi rừng cũng vô cùng gian nan. Bởi số gỗ nhiều, với những tấm hộp lớn, trung bình bề mặt mỗi tấm rộng 1m, dày 10cm. Trong khi đó, gỗ này là tang vật nên không thể bổ, xẻ, thay đổi kích thước cho phù hợp để vận chuyển. Bởi vậy, lực lượng chức năng sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức và kinh phí mới có thể giải quyết dứt điểm vụ việc này.
Cây Sấu đã chết bị người dân tận thu trái phép xẻ thành các tấm rộng 1m, dày 10 cm
Qua sự việc này, người dân cần nâng cao nhận thức về pháp luật, không được khai thác cây gỗ đã chết trong rừng. Mặc dù chỉ là khai thác cây gỗ đã chết do thiên tai, nhưng theo Thông tư số 12, ngày 28 tháng 11 năm 2017 của Bộ NN&PTNT quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sảnthì dù là tận thu lâm sản, người khai thác vẫn phải thực hiện các thủ tục xin phép khai thác. Trong trường hợp tại bản Sam Lang, các đối tượng đã lén lút cắt xẻ gỗ, vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, được quy định tại Điều 232 - Bộ luật hình sự năm 2015. Vụ việc này xảy ra do nhiều yếu tố, nhưng lí do chính là người dân có nhu cầu lấy gỗ làm nhà. Trong khi đó, hiện nay cũng đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, nên cơ quan chức năng cũng không thể cấp giấy phép khai thác gỗ cho bất cứ trường hợp nào./.