Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm qua, Huyện ủy Nậm Pồ luôn chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch đội ngũ cán bộ; xác định đây là một nội dung trọng yếu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã cụ thể hóa, ban hành hướng dẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và đề ra nhiều giải pháp đồng bộ về công tác cán bộ. Vì vậy, công tác cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, qua đó, đội ngũ cán bộ các cấp trong huyện không ngừng trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng bộ huyện ngày một vững mạnh.
Quy hoạch đội ngũ cán bộ đảm bảo đủ phẩm chất, năng lực và uy tín
Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã chỉ đạo thực hiện đúng quy định xây dựng quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ mới vào năm thứ hai của nhiệm kỳ đại hội đảng; định kỳ hằng năm đều tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch của cả nhiệm kỳ mới và nhiệm kỳ hiện tại. Việc xây dựng quy hoạch được thực hiện một cách đồng bộ từ cấp cơ sở đến cấp huyện, lấy kết quả quy hoạch cấp dưới làm cơ sở cho quy hoạch cấp trên. Cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng quy hoạch cán bộ cấp mình, đảm bảo các yêu cầu, nguyên tắc, phương châm, nội dung, quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ. Trong cơ cấu quy hoạch luôn chú ý đảm bảo tính kế thừa và phát triển; phấn đấu giảm tuổi bình quân, đạt tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số đã đề ra trong Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 30-11-2004 của Bộ Chính trị.
Các bước quy hoạch được thực hiện đúng quy định
Đề án quy hoạch cán bộ huyện xác định rõ mục đích yêu cầu, tiêu chuẩn xác định nguồn quy hoạch, nội dung, phương pháp thực hiện; cụ thể hóa các bước tiến hành xây dựng quy hoạch; định hướng cơ cấu, số lượng đưa vào quy hoạch của huyện theo Hướng dẫn số 03 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.Các cấp ủy đảng, các cơ quan, phòng, ban, MTTQ các đoàn thể trực thuộc huyện đã bám sát yêu cầu của Đề án quy hoạch cán bộ huyện; thực hiện các quy định, hướng dẫn xây dựng quy hoạch cán bộ cấp cơ sở, phát hiện nguồn và thực hiện các bước giới thiệu cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.
Công tác quy hoạch cán bộ đã gắn với các khâu khác trong công tác cán bộ. Cán bộ trong quy hoạch được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ; từng bước thực hiện việc bổ nhiệm và giới thiệu nhân sự theo quy hoạch.
Đào tạo đội ngũ cán bộ đạt chuẩn về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ
Công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức, viên chức được đặc biệt coi trọng và thực hiện tích cực.Trong 5 năm qua các cấp uỷ, chính quyền đã tăng cường cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong diện quy hoạch, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở, chú trọng ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc… Tính từ năm 2014 đến nay: huyện đã chọn, cử đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ cho hơn 5.544 lượt cán bộ, công chức, trong đó số cán bộ Dân tộc thiểu số chiếm khoảng trên 75%, cán bộ nữ chiếm khoảng trên 25%. (Cụ thể: nâng cao trình độ văn hoá cấp II, cấp III trên 150 người; nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ trên 758 người); Lý luận chính trị 325 người (Trong đó: Cao cấp 15, chuyên ngành 01; Trung cấp 309 người); đào tạo bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính cho 135 người; đào tạo, bồi dưỡng khác hơn 1.250 người.Do vậy, cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cơ sở thực hiện được những nội dung ĐTBD đạt trên 92%; 65% cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được ĐTBD nghiệp vụ; khoảng 75% công chức, viên chức cấp huyện thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm; khoảng 77% công chức lãnh đạo cấp phòng thuộc huyện và lãnh đạo chủ chốt cấp xã được ĐTBD theo chương trình quy định; có khoảng 82% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; gần 95% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Đối với những người hoạt động không chuyên trách, trên 50% được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: 100% được bồi dưỡng trang bị kiến thức, kỹ năng theo chương trình quy định.
Huyện ủy hàng năm đều lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc xây dựng kế hoạch về ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện và cơ sở xã; công tác ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức đã được tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cấp ủy đảng các xã quan tâm. Chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện phối hợp với trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức về lí luận chính trị, quản lý nhà nước và nghiệp vụ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong giai đoạn mới, để làm tốt công tác quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cấp ủy từ huyện đến cơ sở, Huyện ủy xác định cần tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ; chủ động xây dựng quy hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ; chú trọng việc tạo nguồn cán bộ. Đối với cán bộ diện quy hoạch đào tạo lâu dài, cần xem xét lựa chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch là những nhân tố trẻ, điển hình của các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các lĩnh vực công tác. Định kỳ rà soát, bổ sung cán bộ đủ tiêu chuẩn, có triển vọng đưa vào diện quy hoạch. Thực hiện tốt phương châm “động” và “mở”, kết hợp quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cán bộ chuyên môn nghiệp vụ… Xây dựng và hoàn thiện các quy định, kế hoạch luân chuyển cán bộ. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo các tiêu chuẩn chức danh; gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn đối với từng chức danh, ở từng lĩnh vực công tác; chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý, trang bị kiến thức hội nhập quốc tế, pháp luật, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí cho trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện./.