Đảng viên tiên phong ở vùng biên
Thời gian đăng: 04/08/2024 01:05:30 PM

          Nậm Pồ - huyện nằm trong khu vực biên giới Việt - Lào của tỉnh Điện Biên dù có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp đặc biệt tuy nhiên sản xuất nông nghiệp của Nậm Pồ vẫn nhỏ lẻ, chưa phát triểnthành vùng nguyên liệu nên chưa thể thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhiều diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả đã và đang là thực trạng lãng phí lớn tài nguyên đất đai.

          Chủ động khắc phục thực trạng lãng phí tài nguyên đất, đầu năm 2023 Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã giao nhiệm vụ đến từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt phải thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện một mô hình sản xuất cụ thể. Kết quả thực hiện mô hình được coi là tiêu chí cứng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cũng như xem xét xếp loại thi đua của từng cá nhân trong toàn năm công tác.

          Theo sự giới thiệu của đồng chí Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa, chúng tôi về Si Pa Phìn mục sở thị vườn mô hình sản xuất rau sạch do đồng chí Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khởi xướng, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện. Xe dừng bánh trước con đường bê tông dẫn lên các triền đồi, mọi người trong đoàn đều vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt thấy những vườn rau, vườn bí phủ kín các quả đồi mà trước đó từng được mệnh danh "đồi trọc" Si Pa Phìn. Đưa chúng tôi thăm vườn bí, nhà lưới, nhà màng, anh Ngô Xuân Chiến, cho biết: Ngay khi Ban Thường vụ ra chủ trương gắn trách nhiệm cán bộ, đảng viên với ít nhất một mô hình sản xuất, tôi liền nghĩ đến mô hình trồng rau ở Phìn Hồ. Thế nhưng khi khảo sát thực tế lại không thấy điểm nào có diện tích liền thửa đến chục héc-ta, vậy nên tôi đặt vấn đề với anh Lò Văn Chơi, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Si Pa Phìn thì được anh Chơi nhận lời và nhiệt tình giúp đỡ. Khi đã tạm yên tâm với việc có người địa phương hỗ trợ tìm quỹ đất, anh Chiến lại ngược xuôi tìm nhà đầu tư thực hiện mô hình song không ai mặn mà. Ngay cả doanh nghiệp Toàn Hương - đơn vị nhiều năm cung ứng thực phẩm cho các trường học trên địa bàn huyện Nậm Pồ khi nghe anh Chiến đặt vấn đề đã tức thì từ chối khéo với lý do "nhiều dự án đầu tư vào Si Pa Phìn đã thất bại, đất Si Pa Phìn khô hạn lấy đâu nguồn nước trồng cây gì…?"! Tưởng phải bỏ dở ý tưởng ngay đoạn đầu vậy nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ anh Chiến đã tìm được giải pháp… khá mạo hiểm. Đem toàn bộ giấy tờ nhà đất đi thế chấp ngân hàng vay được 3 tỉ đồng, anh Chiến lại đến trụ sở doanh nghiệp Toàn Hương thuyết phục: "Là trọng trách huyện giao cán bộ, đảng viên không thực hiện không được. Em đã vay 3 tỉ đồng để tạo quỹ đất, mong anh chị bỏ vốn cải tạo đất làm vườn. Toàn bộ rau, củ làm ra sẽ đưa vào phục vụ nấu ăn cho học sinh các trường, nếu còn dư em sẽ hỗ trợ tìm địa bàn tiêu thụ". Phần do nể, phần do cảm phục nhiệt huyết của cán bộ với vùng đất nghèo, ông chủ của doanh nghiệp Toàn Hương đã nhận lời hợp tác đầu tư cải tạo, xây dựng vườn rau trên diện tích 30ha ở bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn.  

          Những tưởng các việc khó đã xong vậy mà đến khâu cải tạo đất bằng cách san gạt, hạ độ cao, bón phân chuồng, đào ao trữ nước trên đồi thì khó khăn cứ theo nhau chồng chất khiến nhà đầu tư lại… muốn dừng thì anh Chiến lại lựa lời động viên. Thấy anh Chiến quyết tâm như thế, nhà đầu tư lại tiếp tục dốc sức cải tạo đất, thuê thiết kế hệ thống dẫn nước, trữ nước, quy hoạch khu vườn rau sản xuất theo mùa. Tròn 7 tháng sau khi bắt tay thực hiện, tháng 1/2024 vườn rau Si Pa Phìn đã cho lượt thu hoạch đầu tiên với hàng trăm tấn su hào, bắp cải, cà chua, bí, su su đảm bảo cung cấp rau xanh mỗi ngày cho hơn 15 nghìn học sinh nội trú, bán trú trong huyện Nậm Pồ. "Có nguồn rau, củ sạch đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho học sinh, mô hình trồng rau ở Si Pa Phìn còn làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của mọi người về một vùng đất; đồng thời làm thay đổi thói quen sản xuất, trồng trọt của người dân bản địa và mở ra triển vọng mới về tương lai xanh trên cao nguyên Si Pa Phìn"- anh Ngô Xuân Chiến vui vẻ nói với chúng tôi như thế.

50.jpg

Toàn cảnh vườn rau Si Pa Phìn từ trên cao

          Cũng ở Si Pa Phìn, mô hình trồng chanh leo được bắt đầu bằng sự vào cuộc trực tiếp của đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Bùi Văn Luyện, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện (hiện là Phó Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên), đồng chí Vàng A Chính, Trưởng công an huyện và đồng chí Bùi Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy. Trực tiếp liên hệ nhà cung cấp cây giống, liên hệ đơn vị bao tiêu sản phẩm, cả bốn đồng chí đều mang tiền nhà để trồng hơn chục héc-ta chanh leo tại Si Pa Phìn. Vừa làm, các đồng chí vừa thông tin đến cán bộ, nhân dân trong xã về giá trị, tác dụng quả chanh leo với mong muốn bà con nhân dân dần hiểu và làm theo.  Đến nay, ngoài mô hình chanh leo do bốn đồng chí lãnh đạo chủ chốt thực hiện, ở Si Pa Phìn có 37 hộ dân đăng ký tham gia trồng 40,98 ha chanh leo theo hình thức liên kết sản xuất.

130.jpg

Đồng chí Lê Khánh Hòa, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện thăm mô hình Chanh leo tại xã Si Pa Phìn

          Là lãnh đạo xã tâm huyết, trách nhiệm với cuộc sống người dân trên địa bàn, đồng chí Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), đã cất công đi các huyện: Mường Nhé, Mường Chà (tỉnh Điện Biên); Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La) học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn bằng việc luân canh cây trồng trên cùng diện tích. Trở về Chà Nưa, đồng chí Khoàng Văn Van đến các gia đình có ruộng một vụ vận động người dân làm giàn trồng cây bí xanh, trồng lạc, trồng đỗ… vậy nhưng hầu hết người nghe đều… hờ hững bởi họ lo sản phẩm làm ra không có người mua. Hiểu điều bà con lo lắng, đồng chí Khoàng Văn Van đã bàn với đồng chí Thùng Văn Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cùng góp đất, góp vốn thực hiện mô hình trồng bí xanh trên toàn bộ diện tích của hai gia đình. Cuối năm 2022 mô hình trồng bí xanh đầu tiên được thực hiện ở Chà Nưa, với tổng diện tích 3,5 ha. Vụ đầu thu hoạch, bí xanh trên mô hình của đồng chí Van cho sản lượng 15 tấn quả/ha; mô hình của đồng chí Ánh cũng thu được gần 15 tấn quả/ha. Toàn bộ sản lượng bí xanh thu hoạch được các đơn vị về cân mua tại ruộng với giá 10.000 đồng/kg; người dân trong xã Chà Nưa vui mừng lắm. Từ thành công ấy, Bí thư Khoàng Văn Van, Chủ tịch Thùng Văn Ánh không còn phải đến từng nhà vận động mà bà con các bản Nà Ín, Nà Sự cứ ùn ùn kéo đến nhà hai ông hỏi kinh nghiệm trồng và nhờ kết nối người thu mua. Đến thời điểm này, toàn xã Chà Nưa đã có gần 20ha trồng bí xanh; hàng chục héc-ta trồng lạc, đỗ trên các chân ruộng bấy lâu chỉ cấy một vụ lúa trong năm. Anh Thùng Văn Ngoãn, người dân bản Nà Ín, xã Chà Nưa cho biết, nhóm hộ của anh có 12 gia đình tham gia trồng bí xanh. Tuy nhiên trồng bí xanh đòi hỏi phải chăm sóc thường xuyên song mọi người đều rất phấn khởi vì giá trị thu được cao hơn hẳn so với cấy lúa và các cây trồng khác.

22.jpg

Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa Khoàng Văn Van động viên người dân chuyển diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây bí xanh.

          Đánh giá cao quyết tâm, trách nhiệm của các đồng chí đảng viên, đặc biệt đảng viên là lãnh đạo chủ chốt huyện, xã đã triển khai thành công các mô hình sản xuất, đồng chí Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, cho biết: Từ thành công của các mô hình do đảng viên là cán bộ, lãnh đạo chủ chốt thực hiện, ngày 8/8/2023 Ban Thường vụ Huyện uỷ Nậm Pồ đã ban hành Nghị quyết 56 về việc "Phát triển vùng nguyên liệu triển khai mô hình trồng cây chanh leo, cây quế và vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn". Căn cứ nội dung Nghị quyết, tháng 2/2024 Ủy ban nhân dân huyện đã phát động thành phong trào "Mỗi cán bộ, công chức, viên chức thực hiện ít nhất một mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi" triển khai đến 100% xã trong toàn huyện. Hưởng ứng phong trào, 100% cán bộ. lãnh đạo chủ chốt các xã và bí thư chi bộ thôn, bản, trưởng các bản cùng đông đảo nhân dân đã đăng ký thực hiện 119 mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi. Riêng năm 2024, toàn huyện Nậm Pồ có hàng nghìn gia đình đã đăng ký thực hiện gần 100 mô hình liên kết trồng cây quế với diện tích gần 2.000ha từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ giảm nghèo.

41.jpg

Đồng chí Lý Thanh Tiềm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện thăm mô hình trồng Quế của gia đình ông Chớ A Dơ, bản Tàng Do, xã Nậm Tin

          Nói thêm về nội dung Nghị quyết 56-NQ/HU ngày 8/8/2023 của Huyện uỷ Nậm Pồ, đồng chí Lê Khánh Hoà, Bí thư Huyện uỷ Nậm Pồ, cho rằng: Thành công từ các mô hình do cán bộ, lãnh đạo huyện thực hiện đã tiếp thêm luồng gió mới thôi thúc sự nhập cuộc trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, đảng viên từ huyện về các xã và từ các xã về từng thôn, bản. Đó là điều căn bản nhất để Nghị quyết 56 thành công, từ đó tạo thành vùng trồng cây chanh leo, vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn tập trung tại Si Pa Phìn; còn 12 xã gồm: Nà Hỳ, Vàng Đán, Nà Bủng, Nà Khoa, Nậm Chua, Nậm Nhừ, Nậm Tin, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Khăn, Pa Tần, Na Cô Sa hình thành vùng trồng cây quế tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường./.

Thành Đạt
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên