Dấu ấn con đường lịch sử và Chè Pháp
Thời gian đăng: 20/11/2017 04:05:24 PM
Pa Tần – mảnh đất tiềm năng, nơi đây vẫn còn những ký ức về thời Pháp thuộc với con đường mở đi qua vùng này. Nhân dịp huyện Nậm Pồ triển khai khôi phục sản phẩm chè do Pháp trồng từ thời kỳ làm đường qua địa bàn, chúng tôi đã có dịp qua xã tìm hiểu về nguồn gốc cây Chè cùng với lịch sử con đường này.

Con đường lịch sử - Con đường Chè

 che-1.jpg

Chè được người dân địa phương chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên

Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện bài viết này vì những già làng biết về lịch sử con đường này đều đã không còn nữa. Trước năm 1920, những thanh niên trai tráng của vùng được gọi đi để đào đường, vận chuyển lương thực cho Tây (cách gọi lính Pháp). Những thanh niên ngày đó, có người đã mất, người còn thì đã lên chức cụ, ông. Duy nhất cụ Lường Văn Sin, năm nay đã gần 90 tuổi, người từng được nghe và được đi trên con đường mà Pháp mở năm xưa. Cụ kể lại: Trước năm 1920, bố tôi được gọi đi để đào đường, vận chuyển lương thực cho Tây, ngày đó Tây làm con đường chiến lược này để ngựa thồ hàng hóa, lương thực, súng đạn, cũng là nơi để Pháp rút rui vì là đường núi xa xôi không có mai phục. Ở địa phận của xã Pa Tần, con đường bắt đầu từ đồi Pom Lung, đoạn km120 kéo dài qua các bản Nậm Thà Nà, Huổi Tre, Huổi Púng… kéo lên tận Mường Toong rồi sang Phong Sa Ly. Nơi đây cũng chính là đường Pháp rút lui qua bên Lào. Ngày xưa Pháp còn để lại những hòm đựng đồ được chôn dưới đất nhưng lâu quá rồi có nơi thì dân đào lại được, có nơi thì không xác định được vị trí chôn.

che-2.jpg

Dấu tích còn lại của con đường Pháp năm xưa

Nhờ một người dân hiểu rõ con đường Pháp năm xưa dẫn chúng tôi đến đây. Thời gian qua đi, nhưng những dấu tích của con đường này vẫn còn nguyên. Con đường có chiều rộng mặt đường 1,5m, taluy dương có nơi cao 2m, con đường bằng phẳng được đào uốn lượn qua những ngọn núi cao, nhưng hiếm lắm chúng tôi mới tìm được khúc cua, đoạn dốc. Đứng ở đây có thể quan sát được hết địa phận của bản Huổi Tre, Huổi Púng, Nậm Thà Nà thuộc xã Pa Tần và bản Huổi Tang của xã Nậm Tin. Hiện con đường này vẫn sử dụng được và phục vụ cho giao thương của 2 bản Huổi Tre, Huổi Púng và người dân địa phương.

che-3.jpg

Đứng trên con đường có thể quan sát được các bản: Huổi Tre, Huổi Púng, Nậm Thà Nà, Huổi Tang

Quá trình làm đường, người Pháp đã mang theo một loại Chè. Tại địa phận của bản Nậm Thà Nà vẫn còn được nhân dân địa phương gọi với cái tên “Săn Che” (Tức là đồi chè). Trước năm 1998, bản Nậm Thà Nà chưa có dân sinh sống nên đồi chè vẫn còn những cây cổ thụ. Cụ Lường Văn Sin nhớ lại: tại Gốc Bưởi (tên gọi khác của bản Nậm Thà Nà), bản có đường Pháp đi qua có hẳn một đồi chè. Hồi đó có cụ Chăn (nay đã chết) là người sao chè giỏi nhất vùng. Chè cụ hái hàng bao tải, có Bộ đội tận A Pa Chải xuống mua hàng bao tải chè của cụ để về uống dần. Do không được lưu truyền lại nên hiện nay ở vùng này không còn người sao chè ngon nữa. Sau 1999, người dân bản Nậm Thà Nà di cư về đây sinh sống, do không được khoanh vùng nên người dân đã chặt phá để lấy đất làm nhà, đất để sản xuất. Hiện nay chỉ còn những khóm chè rải rác ở các đồi.

Và nâng cấp con đường, khôi phục sản phẩm chè

Năm 2013, huyện Nậm Pồ được thành lập và đi vào hoạt động. Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội thì huyện cũng đã cho xây dựng và mở mới con đường vào bản Huổi Tre, Huổi Púng của xã Pa Tần. Con đường mới mở có tổng chiều dài tuyến: L 7.097,02 m, chiều rộng mặt đường 2,0 m, bề rộng nền 3,0 m, bề rộng lề 2×0.5 m, tổng mức đầu tư xây dựng công trình: 14.950.000.000 đồng thuộc nguồn vốn Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình 135. Con đường này được mở đã đưa nhân dân ở bản khó khăn nhất của xã: bản Huổi Tre, Huổi Púng có dịp giao lưu với các địa phương khác trên địa bàn, các em học sinh ở 2 bản khó khăn trên đã có thể đến lớp học, các thầy cô giáo đi lên bản đã thuận lợi, hàng hóa nông sản vận chuyển dễ dàng.

Anh Thào A Chu, trưởng bản Huổi Tre cho biết: Đường vào bản Huổi Tre, Huổi Púng hoàn thành và đưa vào sử dụng đã đưa được nhân dân 2 bản khó: Huổi Tre, Huổi Púng giao lưu với bên ngoài. Nhờ có con đường này mà cuộc sống bà con đã khá hơn rất nhiều. Trẻ em được đến trường đi học. Có đường vào bản nên nhiều hộ trong bản đã đầu tư mua tivi, xe máy. Cuộc sống bà con trong bản khá lên nhiều nên mình vui lắm. Cũng nhờ con đường này mà nhân dân ở bản Pa Tần từ nay không phải cõng thóc trên lưng để đi bộ 2 giờ đồng hồ về nhà nữa.

Hiện nay, tại xã Pa Tần có hơn 500 gốc chè do Pháp mang đến trồng, chè có rải rác ở các bản. Tập trung nhiều nhất ở bản Nậm Thà Nà, bản Pa Tần, bản Huổi Sâu. Chè gần nhà thì được dân chăm sóc, cắt tỉa nên thường xuyên có búp chè non để hái. Còn ở rừng sâu, người dân ít khi lui tới vẫn còn nguyên những cây chè cổ thụ. Tìm đến nhà anh Chảo Sểng Hang, bản Huổi Sâu, anh cho biết: Nhà tôi có hơn 10 gốc chè. Chè này cách đây hơn 20 năm từ khi ông bà tôi chuyển về đây ở thì đã có rồi. Ngày trước chưa dựng nhà nên cây to lắm, sau đó nhà tôi dựng nhà nên đã chặt bớt đi, hiện chỉ còn lại những khóm chè, chè thường xuyên cho búp để chúng tôi hái. Nhà tôi chỉ hái chè ở nhà thôi chứ không mua chè ở ngoài về uống đâu.

che-4.jpg

Vườn chè của hộ gia đình anh Hang, bản Huổi Sâu

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Sin, vừa hay cụ đang phơi chè ngoài sân. Theo cụ Sin, để có ấm chè thơm ngon thì nên hái những búp chè non, sau đó phơi khô, trước khi pha chè thì nên hơ qua lửa (hoặc sao qua chảo) để lá chè được thơm. Để khô khi nào uống thì đun nước sôi đổ vào. Loại chè này có đặc tính thơm, không đắng, khi pha chè không để lại váng chè dính trên cốc chén. Lá chè tươi trung bình có bề rộng từ 3 đến 5 cm, dài từ 6 đến 8 cm. Chè uống vào giúp cơ thể thư giãn, hết mệt mỏi, đau nhức cơ. Ngoài ra thì người dân địa phương thường xuyên hái chè này về để tắm cho trẻ nhỏ để trẻ khỏe mạnh.

che-5.jpg

Cụ Lường Văn Sin, bản Pa Tần hướng dẫn cách sao chè ngon

Chị Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần cho biết: Nhận thấy tiềm năng từ cây chè Pháp, xã đã cho khuyến nông viên tổ chức ươm giống chè này để sắp tới nhân rộng mô hình toàn xã. Còn những cây chè mọc rải rác ở trên địa bàn xã sẽ vận động nhân dân phát quanh, khoanh nuôi bảo vệ. Từ nay đến trước 2020, xã tập trung vào khoang nuôi, bảo vệ, phát triển rừng và lâm sản phụ dưới tán rừng.

che-6.jpg

Đường vào bản Huổi Tre nay đã hiện đại hơn

Con đường Pháp mở năm xưa nay đã được nâng cấp cùng với giống Chè Pháp đã đi vào cuộc sống của người dân địa phương. Những cây chè còn lại đã thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây. Có nên chăng, chúng ta nên bảo tồn nguồn giống và phát triển diện tích trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, chế biến và tiêu thụ loại cây này./.

Thiện Thơ
Văn phòng HĐND-UBND huyện
  • THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Tổng truy cập:

  • Chung nhan Tin Nhiem Mang
  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN NẬM PỒ - Copy
  • Cơ quan chủ quản: UBND huyện Nậm Pồ
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lý Thanh Tiềm - Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ
  • Địa chỉ: Trụ sở HĐND-UBND huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên
  • Điện thoại: 0984315514 - Email: lythanhtiem@gmail.com
  • Số 769/GP-STTTT ngày 28/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên
  • (Ghi rõ nguồn "http://huyennampo.dienbien.gov.vn" khi sử dụng lại thông tin)
  • Thiết kế bởi - Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông tỉnh Điện Biên