Đến Nậm Pồ (Điện Biên) vào một buổi chiều mùa xuân, đập vào mắt chúng tôi là những đồi rau đang lên xanh ngút ngàn. Ít ai biết, đây là nguồn rau sạch cung ứng cho toàn bộ hệ thống trường học trên địa bàn huyện biên giới phía tây tỉnh Điện Biên với tiêu chí xanh-sạch và an toàn.
Vựa rau xanh trên đất cằn sỏi đá
Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ nằm ngay bên ven tỉnh lộ. Đây là mô hình đầu tiên và cũng là duy nhất trên địa bàn huyện ứng dụng công nghệ, khoa học, kỹ thuật hiện đại trong trồng và chăm sóc các loại rau, củ, quả sạch với quy mô trên 30ha.
Thấy khách tò mò, anh Bùi Văn Ần, cán bộ quản lý Hợp tác xã liền lấy chiếc xe máy đã cũ, chở chúng tôi ngược con dốc đứng để lên với “vườn”. Ngay khi vừa tới nơi, không khí ngọt lành ùa thẳng vào lồng ngực của người phương xa. Trải ra trước mắt chúng tôi là những triền đồi mướt xanh màu của su su đang lên giàn, cải bắp đang cựa mình cuốn bắp… Từng khu được quy hoạch san sát nhau như những ô bàn cờ được sắp xếp, tính toán kỹ lưỡng và chi li. “Đây là các nhà màng, nhà lưới phục vụ cho trồng dưa chuột và cà chua. Hệ thống được đầu tư đồng bộ để bảo đảm cây phát triển khỏe mạnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Khu vực trồng su su thì nằm ở phía đồi xa trên cao nhằm tận dụng nước tưới gốc”, anh Ần giới thiệu, mặt ngời lên sự tự hào.
Hiện Hợp tác xã đang sản xuất hơn 20 loại rau, củ, quả phổ thông trên diện tích đất nhà màng rộng 5.000m2; nhà lưới 2ha và ngoài trời. Thực hiện canh tác theo hình thức luân canh để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Vườn rau cho em và những hạnh phúc trên cao nguyên Si Pa Phìn nắng, gió
Điểm đặc biệt nhất, thị trường của hợp tác xã chủ yếu cung cấp rau sạch, an toàn cho các trường học giá bằng với giá thị trường và mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh lân cận. Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện, Nậm Pồ là một trong những huyện còn rất khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao, vườn rau Si Pa Phìn đã được ra đời nhằm “gỡ khó” phần nào cho ngành giáo dục địa phương trong việc đưa thực phẩm sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tới các trường học.
Để bảo đảm nguồn rau sạch cung ứng cho bữa ăn bán trú, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ cũng như các trường đã tiến hành giám sát chặt chẽ về chất lượng, xuất xứ và nguồn gốc thực phẩm, chủng loại, định lượng. Công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của các trường.
Theo thống kê, hiện nay, trung bình một ngày, hợp tác xã thu hoạch và đưa từ 1,5-2 tấn rau, củ quả sạch cung ứng cho 42 trường học trên địa bàn huyện với hơn 16 nghìn học sinh ăn bán trú.
“Khi những sản phẩm đầu tiên vào “bếp ăn nhà trường”, tất cả học sinh, giáo viên đều rất phấn khởi”, ông Chiến thông tin thêm.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ cũng chỉ đạo các trường có học sinh bán trú tăng gia sản xuất, trồng rau cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Mô hình vườn rau bán trú được xây dựng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường và công sức của em học sinh, sự hướng dẫn, hỗ trợ tận tình của các thầy cô giáo. Từ những bãi đất trống, đầy cỏ dại nay đã được cải tạo thành vườn rau xanh tốt.
Không chỉ học sinh, nhiều lao động địa phương cũng đã được hưởng lợi từ vườn rau trên đá cằn. Chị Lò Thị Lưu (40 tuổi) vốn là nông dân ở xã vùng ven thành phố Điện Biên Phủ. Tháng 10/2023, chị cùng chồng quyết định lên Si Pa Phìn… học cách làm nông nghiệp công nghệ cao. Gia đình chị được bố trí một căn nhà trên ngọn đồi cao nhất để hằng ngày tiện chăm tưới vườn xu hào, bắp cải ngay kế bên.
“Ban đầu thì bỡ ngỡ, nhưng làm dần chúng tôi đã quen. So với làm ruộng ở nhà thì ổn định hơn rất nhiều”, chị Lưu vừa tỉa lại luống cà chua, vừa nói.
Có thể thấy rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Nậm Pồ; đặc biệt là sự nỗ lực của từng thành viên hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn đã góp phần biến những vùng đất khô cằn, hoang hóa trở nên xanh hơn, tạo việc làm cho người dân địa phương. Và cũng từ đây, những cuộc "đổi đời hạnh phúc" trên rẻo cao sẽ được bắt đầu./.