Nghệ thuật Xòe Thái vừa chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tự hào nhưng cũng đặt ra những nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước bằng văn hóa.
Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa. Xòe có ba loại chính: xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Có một điều đáng mừng là tuy điều kiện xã hội có nhiều thay đổi nhưng nghệ thuật Xòe Thái đã được trao truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm với nhiều hình thái khác nhau, đặc biệt là nhờ niềm tự hào hãnh diện và ý thức của đồng bào Thái.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, việc UNESCO ghi danh di sản nghệ thuật Xòe Thái có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản: “Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người Thái ở 4 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái mà còn là niềm vinh dự tự hào chung cho cả dân tộc chúng ta. Điều này càng chứng minh sự đa dạng phong phú của kho tàng di sản đất nước, đồng thời cũng cho thấy nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc giữ gìn phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc. Việc gìn giữ giá trị văn hóa chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa và bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng văn hóa” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Xòe Thái là tiết mục không thể thiếu trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái. Ảnh: Báo Điện Biên
Theo các nhà nghiên cứu, Xòe mang tính biểu tượng thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan, tâm tư, tình cảm của người Thái và có nhiều ý nghĩa, chức năng đối với cuộc sống tinh thần của người Thái. Xòe Thái có tính kết nối cộng đồng, là sự thể hiện tình cảm, tạo nên sự thăng hoa cũng như cộng cảm, sự gần gũi thân thiện giữa con người với con người. Khi đã vào vòng Xòe, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo, quan hay dân đều bình đẳng với nhau, nắm tay nhau cùng Xòe.
GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người đã nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật Xòe Thái cho rằng, để bảo tồn di sản này phải bắt đầu từ chính cộng đồng của di sản: “Mọi di sản phải được thực hành sống động tại cộng đồng. Đối với Xòe Thái trước hết cần đầu tư phát triển các đội văn nghệ, các câu lạc bộ văn nghệ tại cộng đồng. Bởi ở đó không chỉ là họ biểu diễn mà còn giao lưu với nhau, giao lưu với các cộng đồng khác. Đó là cách để bảo tồn và quảng bá di sản đối với các cộng đồng rộng hơn”.
GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Đài PT-TH Hưng Yên
Một trong những cách bảo tồn truyền thống hữu hiệu đã được khẳng định đó là tổ chức truyền dạy bởi các nghệ nhân cho cộng đồng và cho các thế hệ tiếp nối, cho các bản, các đội văn nghệ, các CLB cộng đồng. Cùng với đó, trong những năm gần đây, việc bảo tồn di sản nghệ thuật Xòe Thái đã được gắn với phát triển kinh tế xã hội mà cụ thể là phát triển du lịch cộng đồng. GS Bùi Quang Thanh nhận định rằng đây là một hướng đi đúng, là sự phát triển tất yếu của hình thức giao lưu văn hóa và khai thác giá trị văn hóa để phục vụ đời sống kinh tế, đó chính là kinh tế văn hóa. "Đây cũng là một cách tốt để di sản có sức sống trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch với Xòe Thái thì phải coi trọng phát triển du lịch bền vững, phải tôn trọng bản sắc của Xòe Thái, tôn trọng sáng tạo của cộng đồng bản địa trong từng tiết mục Xòe chứ không chỉ làm theo ý thích của du khách".
GS.TS Bùi Quang Thanh trong một lần điền dã
Trong đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái, nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến là cần số hóa và thực hiện sản xuất các tài liệu nghe nhìn về thực hành di sản này và truyền tải trên môi trường số. Đây cũng là một cách bảo tồn cần được lưu tâm trong kỷ nguyên số ngày nay. Nhưng điều quan trọng nhất để bảo vệ các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống Xòe Thái cần tập trung vào sự chuyển giao tri thức và kiến thức, các kỹ năng biểu diễn, sản xuất nhạc cụ.
Và đặc biệt, theo GS Bùi Quang Thanh, mấu chốt là cần quan tâm cụ thể đến đội ngũ nghệ nhân tại cộng đồng bởi thương hiệu đích thực của các làn điệu xòe dân gian đang nằm trong tay các nghệ nhân: “Di sản muốn tồn tại đúng bản chất thì thành phần nghệ nhân rất quan trọng. Chính quyền các cấp cần quan tâm đến nghệ nhân một cách rất cụ thể, thể hiện qua các cơ chế, chính sách ứng xử với nghệ nhân. Cần có những chính sách cho họ cả những vấn đề đời sống như bảo hiểm y tế, nhân thọ, kinh phí truyền dạy…” - GS Bùi Quang Thanh đề xuất.
Đã vào vòng xòe là nắm tay đoàn kết. Ảnh: Internet
Với những giá trị về tinh thần không thể phủ nhận qua thời gian, nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống và lan tỏa tới nhiều cộng đồng khác xứng đáng với vị thế của một di sản được UNESCO ghi danh./.